5 địa điểm nguy cơ bùng phát Chiến tranh thế giới lần thứ Ba trong năm 2018

Anh Tú |

Theo nhận định của chuyên gia Mỹ, Triều Tiên, Vùng Vịnh hay Ukraine là những địa bàn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát chiến tranh, kéo theo sự vào cuộc của các cường quốc trong năm 2018.

Chuyên gia Robert Farley, giảng viên cao cấp của trường Ngoại giao và Thương mại quốc tế, Đại học tổng hợp Kentucky, và cũng là nhà bình luận thường xuyên cho Tạp chí Mỹ National Interest đã đưa ra dự báo về 5 cuộc khủng hoảng có thể dẫn tới sự xung đột giữa càng cường quốc trên thế giới trong năm 2018.

Triều Tiên

Triều Tiên rõ ràng là một sự khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng nhất mà thế giới hiện đang phải đối diện. Việc Bình Nhưỡng phát triển thành công các tên lửa đạn đạo, cùng với việc thiếu kinh nghiệm ngoại giao của Chính quyền Donald Trump đã đặt thế giới vào một tình huống cực kỳ nguy hiểm.

Liên tục thực hiện các vụ thử hạt nhân và tên lửa trong thập kỷ vừa qua, Triều Tiên chưa cho thấy dấu hiệu sụp đổ nào trước sức ép dồn nén của Mỹ. Trong khi đó, Mỹ lại phản ứng với sự bất nhất về ngoại giao, phát ngôn của các quan chức cấp cao, chỉ trong vài giờ, đã thể hiện sự mâu thuẫn lẫn nhau.

Tình hình càng phức tạp hơn khi cả Triều Tiên và Mỹ đều đưa ra những tuyên bố đe dọa đánh đòn phủ đầu. Với Mỹ là nhằm hủy diệt hệ thống thông tin và cơ sở hạ tầng của Bình Nhưỡng trước khi các tên lửa có thể kịp rời mặt đất, còn với Triều Tiên là nhằm tránh một kịch bản như vậy.

Tình hình trên rất dẫn tới sự tính toán sai lầm của cả hai bên, bộc lộ nguy cơ bùng phát một cuộc chiến mà có thể kéo theo cả sự tham gia của Nhật Bản và Trung Quốc.

5 địa điểm nguy cơ bùng phát Chiến tranh thế giới lần thứ Ba trong năm 2018 - Ảnh 1.

Triều Tiên phóng tên lửa Pukykson-2 tháng 2/2017. Ảnh Reuters

Đài Loan

Những tuyên bố mạnh mẽ gần đây của các quan chức ngoại giao và quân sự Trung Quốc cho thấy, ít nhất cũng có một số lãnh đạo ở Bắc Kinh tin rằng cán cân quân sự đang nghiêng về phía họ. Mặc dù có thể quan niệm này chưa thực sự chín chắn và chắc chắn chưa được nhiều người trong giới lãnh đạo Trung Quốc ủng hộ nhưng nó vẫn bộc lộ điều nguy hiểm.

Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh các hoạt động quân sự trong khu vực, không chỉ gần Đài Loan mà ở gần như tất cả các khu vực giáp biên giới với họ. Về phần mình, tuy Mỹ phản ứng với thái độ điềm tĩnh, lên án các động thái của Trung Quốc nhưng lại tuyên bố bán một lượng vũ khí lớn cho Đài Loan.

Một mối quan hệ đòi hỏi phải có sự tính toán rất kỹ lưỡng và ngoại giao cẩn trọng thì những nhân vật nòng cốt ở Trung Quốc và Mỹ dường như lại thể hiện sự không nhất quán, có thể dẫn tới một cuộc xung đột thảm khốc.

Ukraine

Tình hình ở Ukraine vẫn rất căng thẳng. Thỏa thuận ngừng bắn mong manh ở miền Đông Ukraine đang ngày càng dao động bởi bạo lực giữa Kiev và phiến quân địa phương.

Khủng hoảng có thể bùng phát theo nhiều cách khác nhau. Chính phủ Ukraine sụp đổ có thể dẫn tới sự bất ổn đầy bạo lực. Ngược lại, sự sụp đổ của Chính phủ Kiev cũng có thể dẫn tới việc các nhân vật cánh tả lên nắm quyền, lại chỉ đổ thêm dầu vào lửa cho cuộc xung đột ở các tỉnh miền Đông.

Mặc dù chính quyền Donald Trump dường như đã xa rời chính sách hậu thuẫn cho Kiev của thời Obama nhưng khủng hoảng xảy ra ở Ukraine cũng có thể kéo châu Âu và Mỹ vào cuộc đối đầu với Nga.

Sườn Nam NATO

Trong năm vừa qua, các mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ thực tế đã sụp đổ khi Ankara và Moscow nối lại tình hữu hảo sau vụ máy bay Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi năm 2015. Thổ Nhĩ Kỳ đang xa rời châu Âu và Mỹ, biểu hiện rõ nhất là thương vụ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, có thể báo hiệu một sự chuyển đổi to lớn về cán cân sức mạnh trong khu vực.

Chắc chắn không nước nào, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga hay Mỹ muốn viện tới chiến tranh như một cách thức để giải quyết căng thẳng ngoại ngoai. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia cực kỳ quan trọng và thiên hướng quan điểm của họ có ảnh hưởng lớn tới kết quả các cuộc xung đột ở Syria, Iraq, Iran, Balkan và Caucasus.

Một sự chuyển đổi trong xu hướng ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ gây ra những ảnh hướng không thể tiên đoán được tới các vùng biên giới của họ, đặc biệt liên quan tới ý định thành lập một quốc gia của người Kurd và có thể thay đổi nền tảng sức mạnh và nguy cơ xung đột Nagorno-Karabakh giữa Azerbaijan và Armenia.

Những diễn biến như vậy có thể tác động tới cách thức các quốc gia Nam Âu nghĩ về cam kết của họ với NATO. Sự không đoán trước được này có thể khiến, hoặc Moscow hoặc Washington, tính toán sai sức mạnh mà họ đang nắm giữ trong tay.

5 địa điểm nguy cơ bùng phát Chiến tranh thế giới lần thứ Ba trong năm 2018 - Ảnh 2.

Nga phóng tên lửa hành trình Kalibr tiêu diệt các mục tiêu khủng bố ở Syria. Ảnh: Sputnik

Vùng Vịnh

Các cuộc xung đột ở Trung Đông luôn tiềm ẩn những mầm mống thổi bùng một lên cuộc chiến lớn. Khi cuộc chiến ở Syria đang đi đến hồi kết, sự chú ý lại chuyển sang sự đối đầu giữa Iran và Ả Rập Xê Út.

Ả Rập Xê Út dường như là bên thích khiêu khích và luôn đổ lỗi cho sự nhúng tay của Tehran vào bất cứ sự bất ổn nào. Về phần mình, Iran cũng tiếp tục mở rộng ảnh hưởng ở Iraq, Syria và nhiều nơi khác.

Trong khi Mỹ đã tỏ ý chấp nhận chiến thắng của Chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, họ lại đang chuyển hướng đối đầu với Iran trong khu vực, gồm cả việc hậu thuẫn cho Ả Rập Xê Út trong vấn đề Yemen.

Liệu Riyadh và Tehran có kiềm chế chiến tranh? Chiến tranh cũng đã từng nổ ra ở Vùng Vịnh trước đây và Riyadh đã thể hiện rõ mong muốn phát triển một liên minh quân sự và ngoại giao đối phó với Iran, có thể tiến tới gồm cả Israel. Với việc Nga đang tái khẳng định vị thế của mình trong khu vực, không khó để hình dung ra một cuộc xung đột giữa các cường quốc.

Thế giới vẫn đang rất nguy hiểm. Chính sách ngoại giao gây tranh cãi của chính quyền Trump chỉ làm gia tăng thêm nguy cơ này, tạo ra sự không chắc chắn với thế giới cũng như với cả các ý định và khả năng của Mỹ.

Sự không chắc chắn này làm tăng nguy cơ tính toán sai trong các tình huống khủng hoảng và phi khủng hoảng. Hy vọng, khi đội ngũ chính sách đối ngoại của chính quyền Donald Trump trở nên chín chắn hơn, họ sẽ xây dựng được một cách tiếp cận ngoại giao gắn kết hơn, giúp cải thiện mối đe dọa gây ra bởi các cuộc khủng hoảng này.

Video Triều Tiên phóng ICBM ngày 4/7/2017

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại