5 công nghệ quân sự Mỹ học từ Anh

Đức Anh |

Theo trang mạng We are the Mighty, nếu không nhờ có Anh, Mỹ có thể đã vài lần thất bại trong cuộc đua công nghệ quân sự.

Lợi thế công nghệ luôn đóng vai trò quan trọng tạo nên chiến thắng của quân đội Mỹ trên chiến trường. Các chuyên gia tại Cơ quan nghiên cứu các dự án quốc phòng tiên tiến (DARPA) luôn nỗ lực từng phút để đảm bảo Mỹ duy trì được vị thế trong cuộc chạy đua công nghệ quân sự.

Tuy nhiên, theo trang mạng We are the Mighty, nếu không nhờ có Anh, Mỹ có thể đã vài lần thất bại trong cuộc đua ấy. Trong suốt thời kỳ Thế chiến II, Anh đã chia sẻ nhiều công nghệ vũ khí tiên tiến nhất với hy vọng rằng các công ty Mỹ sẽ cho ra đời nhiều phiên bản sao chép để dùng chúng chống lại Hitler.

Sau chiến tranh, người Anh còn chia sẻ thêm một vài công nghệ nữa, như giáp ceramic dành cho xe tăng.

(We are the Mighty là một trang web chuyên về thông tin giải trí và đời sống của cộng đồng quân đội Mỹ. Facebook của trang này hiện có hơn 550.000 lượt like).

5 công nghệ quân sự Mỹ học từ Anh - Ảnh 1.

Binh sĩ quân đội Mỹ bắn cối trong một chiến dịch. Ảnh: US Army

Ngòi nổ cận đích: Đây là công nghệ sử dụng radar hoặc một loại cảm biến khác để xác định khoảng cách từ đầu đạn đến mục tiêu, từ đó ước lượng cự ly mà khi kích nổ sẽ phát huy hiệu quả tiêu diệt cao nhất.

Thiết bị này giúp nâng cao hiệu quả tác chiến của đạn pháo binh, đạn pháo xe tăng trong việc tiêu diệt bộ binh hay phương tiện chiến đấu của đối phương.

Công nghệ ngòi nổ cận đích do các kỹ sư Anh phát minh, sau đó các kỹ sư Mỹ đã cải tiến nó để hoạt động hiệu quả hơn.

Công tác cải tiến ngòi nổ được thực hiện một cách bí mật và chuyển đến các đơn vị tiền tuyến với những hướng dẫn nghiêm ngặt để sử dụng và gây khó khăn cho kẻ thù trong việc tìm ra bí mật công nghệ.

Các đầu đạn chứa ngòi nổ cận đích đã phát huy hiệu quả cho lực lượng quân sự Mỹ trong chiến dịch ở Guadalcanal và Bulge.

5 công nghệ quân sự Mỹ học từ Anh - Ảnh 2.

Bell P-59 máy bay phản lực đầu tiên của Mỹ.

Động cơ phản lực: Tập đoàn Lockeed Martin chuyển giao máy bay chiến đấu phản lực đầu tiên cho quân đội Mỹ trước khi xảy ra sự kiện Trân Châu Cảng, nhưng quân đội đã từ chối.

Trong khi Lockheed Martin tiếp tục phát triển máy bay phản lực riêng của họ thì chính phủ lại tiếp nhận máy bay phản lực từ Anh.

Trong chuyến công du đến Anh, tướng Henry H. Arnold - Tư lệnh Không quân Mỹ tỏ ra thích thú với máy bay phản lực Gloster Meteor do Anh chế tạo và đang trải qua giai đoạn kiểm tra cuối cùng. Ông yêu cầu người Anh chế tạo động cơ phản lực và chuyển đến Mỹ.

Các kỹ sư và nhà phát minh Frank Whittle của Không quân Hoàng gia Anh tiếp tục giúp đỡ tập đoàn General Electric phát triển động cơ cho máy bay phản lực đầu tiên của Mỹ là Bell P-59. Trong khi đó, Lockheed Martin tiếp tục phát triển các công nghệ riêng để chế tạo động cơ cho máy chiến đấu phản lực F-80 của họ.

5 công nghệ quân sự Mỹ học từ Anh - Ảnh 3.

Một binh sĩ theo dõi thông số trên màn hình radar trên một chiến hạm của Hải quân Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ

Công nghệ radar: Người Mỹ không thể chế tạo thành công ống Magnetron (thiết bị có thể tạo ra vi sóng ngắn) cho đến khi các nhà khoa học Anh mang thiết bị tương tự trong Sứ mệnh Tizard đến Mỹ vào năm 1940. Nó được giao cho Phòng thí nghiệm bức xạ, Viện Công nghệ Massachusetts.

Thiết bị Magnetron mang đến từ Anh đã giúp các nhà khoa học Mỹ giải quyết được vấn đề mà trước đó họ không thể khắc phục để chế tao thiết bị phát sóng ngắn đủ mạnh. Nó đã giúp các kỹ sư Mỹ tạo ra bước đột phá để phát triển các hệ thống radar mới.

Những hệ thống radar mới cho phép các máy bay săn lùng tàu ngầm Đức ở Đại Tây Dương, giúp đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu cung cấp trang bị vũ khí cho chiến trường châu Âu.

5 công nghệ quân sự Mỹ học từ Anh - Ảnh 4.

Một vụ thử hạt nhân của Mỹ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Công nghệ hạt nhân: Bom nguyên tử là vũ khí mạnh nhất của Mỹ được chế tạo với sự giúp đỡ của các nhà khoa học Anh. Công nghệ phân hạch được các nhà khoa học Anh và Mỹ phát hiện vào năm 1939 mở ra khả năng chế tạo quả bom uranium.

Các nhà khoa học Mỹ làm việc trước và trong Thế chiến II cho rằng, việc cô lập đồng vị phóng xạ cần thiết để chế tạo bom hạt nhân là điều không tưởng. Nhưng các nhà khoa học thuộc Ủy ban Maud của Anh không đồng ý và gửi nghiên cứu của họ đến Mỹ.

Sau cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo cấp cao, Anh, Mỹ đã đồng ý hợp tác cùng Canada để chế tạo bom hạt nhân.

Đó là một sự kết hợp gần như hoàn hảo, người Anh có các nhà khoa học tài ba, Canada có nhiều uranium và người Mỹ có máy móc, tiền bạc để hoàn thành dự án.

5 công nghệ quân sự Mỹ học từ Anh - Ảnh 5.

Xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams của Mỹ sử dụng giáp có nguồn gốc từ Anh. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Giáo Chobham: Sự thành công của xe tăng chiến đấu M1 Abrams có đóng góp không nhỏ của người Anh mà cụ thể là giáp Chobham.

Trong quá trình người Mỹ chế tạo mẫu thử nghiệm xe tăng chiến đấu chủ lực XM-1, Anh đã đồng ý cung cấp giáp Chobham sử dụng trên xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger của họ.

Giáp Chobham được ví là "chiếc bánh sandwich bằng thép" kết hợp với một số vật liệu khác có khả năng phá vỡ sức xuyên của đạn chống tăng. Một phiên bản sửa đổi từ giáp Chobham đã được sử dụng cho xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams.

Trong chiến dịch Bão táp Sa mạc, xe tăng M1 với giáp Chobham có thể chịu hàng chục quả đạn súng phóng lựu chống tăng và pháo bắn từ xe tăng Iraq.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại