4 quốc gia NATO sẽ "không có cửa chống đỡ" nếu Nga đổ bộ tấn công từ đường biển?

Tú Anh |

Theo đánh giá của giới quan sát, từ vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad, Nga có thể thực hiện các chiến dịch chống tiếp cận/chống xâm nhập nếu một cuộc xung đột với NATO xảy ra.

Nhiều quốc gia thành viên mới của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hiện nay đang thiếu hụt nghiêm trọng sức mạnh hải quân và do vị trí địa lý của họ ở quá gần Nga nên rất dễ trở thành những mục tiêu có nguy cơ bị Moscow đổ bộ tấn công từ đường biển.

Đó là nhận xét đầy khắc nghiệt của Thomas-Durell Young đăng trên ấn bản mùa Hè 2019 của Tạp chí quân sự thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ.

Ba Lan cùng với 3 quốc gia Baltic nhỏ hơn, gồm Estonia, Latvia và Lithuania đã gia nhập NATO vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000. Từng là những quốc gia vệ tinh cũ của Liên Xô nên hiện nay các nước này không có được khả năng hải quân đủ mạnh theo học thuyết tác chiến mới.

Trong bài báo của mình, Thomas-Durell Young viết: "Toàn bộ cách thức tiếp cận của họ về cấu trúc hải quân, hệ thống vũ khí, công tác huấn luyện và tổ chức lực lượng đều rất khác biệt so với khái niệm của phương Tây".

Vì vậy, theo Young, hải quân Ba Lan và các nước Baltic cần phải đẩy mạnh hiện đại hóa nếu muốn thể hiện sức mạnh răn đe đối phó với một nước Nga "đang hồi sinh".

Hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga đã đóng một vai trò quan trọng trong sự kiện Moscow sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014. "Tất cả các lực lượng hải quân hoạt động ở biển Baltic đều phải đối mặt với những thách thức rất lớn", Young viết.

Vùng biển này khá nông, tầm nhìn thấp và điều kiện khí hậu thay đổi thường xuyên. Đây cũng là khu vực khá bận rộn, thường xuyên có sự hiện diện của khoảng 2.500 tàu.

Những yếu tố này kết hợp lại biến vùng biển này thành một môi trường thủy âm rất phức tạp cho tác chiến chống ngầm.

4 quốc gia NATO sẽ không có cửa chống đỡ nếu Nga đổ bộ tấn công từ đường biển? - Ảnh 1.

Tên lửa được phóng đi từ tàu chiến Nga ở Murmansk. Ảnh: CNBC

Từ góc nhìn của phương Tây, vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad do Nga kiểm soát nằm giữa Ba Lan và Litva đã bị quân sự hóa ở mức cao. Nga đã thiết lập các hệ thống tên lửa đất đối không S-400 và nhiều tên lửa đất đối đất khác tại đây.

Theo đánh giá của giới quan sát, từ vùng đất này, Nga có thể thực hiện các chiến dịch chống tiếp cận/chống xâm nhập nếu một cuộc xung đột với NATO xảy ra.

Theo Young, trong số các quốc gia kể trên, hải quân Ba Lan được đánh giá là đang có vị thế tốt nhất để phát triển và nâng cao khả năng chiến đấu.

"Ba Lan đang sở hữu 2 tàu khu trục FFG-7 cũ của Hải quân Mỹ, 3 tàu ngầm Type 207 của Na Uy, mặc dù đã có tuổi nhưng vẫn còn đang hoạt động, một tàu ngầm lớp Kilo và nhiều tàu chiến được kế thừa cùng các tàu hỗ trợ khác", Young viết.

"Về hệ thống vũ khí, hải quân Ba Lan hiện đang sở hữu và trang bị một số dòng tên lửa đất đối không và đất đối đất, chẳng hạn như tên lửa tấn công hải quân do Na Uy sản xuất - RBS-15 Mk 2 và Harpoon SSM, cũng như các hệ thống RIM-67 Standard".

Tuy nhiên, những quốc gia Baltic nhỏ hơn lại thiếu các tàu lớn phục vụ cho việc mở rộng sức mạnh hải quân.

Estonia yếu nhất so với các quốc gia khác trong khu vực vì quyền lực giữa bộ quốc phòng và các cơ quan thực thi pháp luật dân sự của họ mâu thuẫn với nhau. Vì vậy, kế hoạch phát triển một trong những khả năng cơ bản cần thiết cho việc đảm bảo an ninh hàng hải đã bị trì hoãn trong nhiều năm.

Hải quân hai nước Baltic khác là Latvia và Lithuania đều sở hữu một số lượng lớn tàu kháng ngư lôi và tàu tuần tra đa chức năng nhưng lại thiếu các vũ khí hiện đại có thể làm "thay đổi cuộc chơi".

Thomas-Durell Young đưa ra lời khuyên rằng, để đối phó với Nga, các thành viên mới của NATO cần phải rất nghiêm túc trong việc xây dựng tiềm lực hải quân. Điều này có thể cải thiện được nếu có sự trợ giúp từ các nước đồng minh lâu đời và hùng mạnh hơn.

Quân đội Nga tập trận đổ bộ trên biển Nhật Bản

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại