"Vài phút trước, dựa trên quyết định của chính quyền Gibraltar cùng với sự chấp thuận của tòa án, tàu chở dầu Iran được trả tự do khỏi nơi giam giữ bất hợp pháp.
Trong nỗ lực điên cuồng vào phút cuối, Mỹ tìm cách ngăn chặn tàu chở dầu Iran được thả ra nhưng chịu một thất bại thảm hại", Đại sứ Iran tại Anh Hamid Baeidinejad viết trên Twitter hôm 15/8.
Ông Baeidinejad nói thêm rằng Grace 1 sẽ sớm rời đi sau khi được chính quyền vùng lãnh thổ Gibraltar (Anh) trả tự do.
Rạng sáng 15/8, Bộ Tư pháp Mỹ bất ngờ đệ đơn lên một tòa án ở Gibraltar yêu cầu bắt giữ siêu tàu chở dầu của Iran.
Tuy nhiên, Chánh án Tòa án tối cao Gibraltar Anthony Dudley vẫn quyết định trả tự do cho con tàu sau khi nhận được thư đảm bảo từ Tehran khẳng định Grace 1 "không dỡ dầu ở Syria hoặc bất cứ quốc gia nào khác bị Liên minh châu Âu trừng phạt" nên không còn cơ sở nào hợp lý để nói rằng việc bắt tàu là cần thiết.
Bình luận về động thái muộn màng của Mỹ, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad gọi đó là nỗ lực cho thấy sự coi thường của chính quyền ông Trump với luật pháp.
"Không hoàn thành mục tiêu thông qua khủng bố kinh tế, Mỹ cố lạm dụng hệ thống pháp lý để đánh cắp tài sản của Iran trên biển. Nỗ lực cướp biển này là biểu hiện khinh miệt luật pháp của chính quyền Trump", ông Zarif viết trên Twitter không lâu sau khi Grace 1 được thả.
Tàu chở dầu Grace 1 của Iran bị lực lượng lính thủy đánh bộ Anh bắt giữ ngoài khơi lãnh thổ hải ngoại Gibraltar của Anh vào ngày 4/7 vì cho rằng tàu này buôn lậu dầu đến Syria và vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu. Vụ việc thổi bùng lên căng thẳng giữa London và Tehran.
Hai tuần sau khi Anh bắt giữ tàu chở dầu Iran, Vệ binh Cách mạng Iran bắt giữ một tàu chở dầu Anh, Stena Impero , gần eo biển Hormuz với cáo buộc vi phạm hàng hải. Anh coi hành động đó là trả đũa bất hợp pháp.
Liên tiếp các ngày sau đó, London điều thêm chiến hạm tới Vùng Vịnh sau khi nhận lời hợp tác với Washington trong nỗ lực đảm bảo an ninh cho các tàu hàng ở eo biển Hormuz.