30 năm ngày trở về của “đội quân nhà Phật” trên đất nước Campuchia

Văn Dỗ |

Ngày 26/9 cách đây 30 năm, quân tình nguyện Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả tại Campuchia.

Chiến tranh đã lùi xa đối với cả hai dân tộc Việt Nam và Campuchia, thế nhưng mỗi khi nhắc về những người lính tình nguyện Việt Nam thì trong trái tim của mỗi người dân Campuchia lại bồi hồi xúc động.

Họ nhớ về những kí ức đau thương mà nhân dân Campuchia phải trải qua dưới chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, đồng thời cũng nhớ lại những niềm vui, hạnh phúc vỡ òa khi được những người lính tình nguyện Việt Nam cứu giúp hồi sinh.

30 năm ngày trở về của “đội quân nhà Phật” trên đất nước Campuchia - Ảnh 1.

Hơn 8000 hộp sọ được trưng bày ở tòa tháp trung tâm khu di tích Choeung Ek đều bị thủng, vỡ, rạn

Từ đống hoang tàn, đổ nát

Là người lính tình nguyện Việt Nam sang Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế - giúp bạn chống lại sự tàn bạo của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, Đại tá Đào Văn Khanh, vẫn vô cùng xót xa nhớ lại:

“Vào đầu năm 1979, tôi cùng đồng đội tiến vào thủ đô Phnom Penh nhưng thấy toàn cảnh hoang tàn, đổ nát. Hai bên đường nhà cửa trống trơn, không còn trường học, không chùa chiền, không bệnh viện, không còn chợ...

Người dân thì bị chúng dồn tới các trại tập trung bắt lao động khổ sai. Những người còn sót lại chỉ biết kêu khóc thảm thiết khi chứng kiến cảnh những người thân bị bọn Pol Pot đập đầu, giết hại. Tại một số ngôi chùa, xác người dân được chất thành đống. Cuộc sống của người dân nước bạn khi đó cực khổ vô cùng"

“Có một cái kì lạ của chế độ Pol Pốt là khi tôi sang thành phố này thì không hề có người, không còn lại cái gì cả. Thành phố không có dân, một thành phố chết. Một chế độ hết sức kỳ quặc, không mua bán, không gì cả”- Đại tá Đào Văn Khanh kể lại

Đến sự hồi sinh của một dân tộc

Trong giai đoạn 1975 – 1978, chế độ Khmer Đỏ đã giết hại khoảng 2 triệu người dân, tương đương 25% dân số Campuchia năm 1975. Khmer Đỏ được các học giả xem là một trong những chế độ tàn bạo nhất trong lịch sử thế kỷ XX.

Gần như khắp nơi trên đất nước Chùa Tháp bây giờ vẫn còn vẹn nguyên hình ảnh và ký ức về những đoàn quân tình nguyện Việt Nam cứu giúp người dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng.

30 năm ngày trở về của “đội quân nhà Phật” trên đất nước Campuchia - Ảnh 2.

Ông Chour Sok Ty

Ông Chour Sok Ty, Giám đốc Khu di tích Cánh đồng Chết Choeung Ek, một trong những điểm đến gây ám ảnh ghê rợn nhất đối với bất kỳ ai trong hành trình tìm hiểu tội ác diệt chủng của bè lũ Khmer Đỏ, khẳng định: “ những người lính tình nguyện Việt Nam đã góp phần hồi sinh dân tộc Campuchia”.

“Tôi xin cảm ơn những người lính Việt Nam đã cứu giúp tôi thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot. Tôi sẽ nhớ mãi công ơn những người lính tình nguyện Việt Nam. Nếu như không có ngày 7/1 thì tôi cũng không biết cuộc đời mình sẽ như thế nào".

Đối với ông Vong Sakhon, người dân thủ đô Phnom Penh, bộ đội tình nguyện Việt Nam là những người anh hùng, những người bạn của người dân Campuchia.

Ông Vong Sakhon nhớ lại: “Khi được gặp những người lính tình nguyện Việt Nam, tôi rất vui mừng vì đó là những người tốt, thẳng thắn. Tôi cảm ơn những người lính tình nguyện Việt Nam đã sang giải phóng chúng tôi khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot"

Đội quân nhà Phật

Với một đất nước coi đạo Phật là quốc đạo, sau khi giúp bạn thoát khỏi họa diệt chủng, người dân Campuchia đã coi bộ đội Việt Nam là “đội quân nhà Phật”. Đội quân này đã giúp dân tộc Campuchia được hồi sinh; giúp họ có cơm ăn, áo mặc; cung cấp cho họ cây, con giống để nuôi trồng… Bộ đội Việt Nam cũng giúp phục hồi chùa chiền, khôi phục hoạt động của giới sư sãi.

30 năm ngày trở về của “đội quân nhà Phật” trên đất nước Campuchia - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Du lịch Campuchia Thong Khon.

Với những cống hiến, góp phần giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pol Pot và dựng xây đất nước, hình ảnh những người lính tình nguyện và chuyên gia Việt Nam luôn trong trái tim mỗi người dân Campuchia.

“Chúng tôi không thể nào quên được ngày 7/1/1979.

Nếu như không có quân đội nhân dân Việt Nam, mặt trận giải phóng dân tộc Campuchia, quân đội nhân dân Campuchia thì sẽ không thể nào thoát khỏi họa diệt chủng của Pol Pot.

Từ đó đến nay, mối quan hệ đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Campuchia ngày càng bền vững và phát triển” Bộ trưởng Bộ Du lịch Campuchia, ông Thong Khon khẳng định.

Trong cuộc chiến khốc liệt giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, hàng vạn chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam đã mãi mãi nằm lại Campuchia hoặc hy sinh một phần thân thể của mình để góp phần hồi sinh đất nước có nền văn minh Ăngkor lẫy lừng.

Sự hy sinh vô cùng to lớn và cao cả của những người lính tình nguyện Việt Nam không hề uổng phí và mãi được khắc ghi trong lịch sử Vương quốc Campuchia đã và đang thực sự hồi sinh, phát triển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại