Canada sẽ duy trì sự can dự tại khu vực châu Á Thái Bình Dương để giải quyết các mối đe dọa. Nhưng đồng thời kêu gọi các bên có liên quan giải quyết các tranh chấp trong khuôn khổ pháp lý quốc tế. Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Singh Sahan nhấn mạnh điều này trong buổi gặp gỡ báo chí ngày 5/6, nhân chuyến thăm Việt Nam.
Canada duy trì can dự tại khu vực
Trả lời câu hỏi của phóng viên VOV về quan điểm của Canada trước những bước leo thang quân sự hóa gần đây tại biển Đông, bộ trưởng Quốc phòng Harjit Singh Sahan khẳng định: Canada kêu gọi các bên tuân thủ tiến trình pháp lý quốc tế. Đó là quan điểm của Canada. Đối với các vấn đề an ninh tại khu vực, Canada muốn đóng một vai trò quan trọng.
“Chúng tôi duy trì sự hiện diện tại đây để đảm bảo an ninh và hòa bình. Điều này vượt lên trên việc thực thi quyền tự do hàng hải. Thông điệp của Canada là duy trì sự can dự tại khu vực châu Á Thái Bình Dương để giải quyết các mối đe dọa. Ví dụ khác là trong vấn đề biến đổi khí hậu, rất nhiều quốc gia đang phải đối phó với các thảm họa thiên nhiên.
Trong chính sách quốc phòng của Canada, chúng tôi vẫn dành ra các khoản hỗ trợ để giúp các nước bị ảnh hưởng vì biến đổi khí hậu. Đó là các trợ giúp nhân đạo khi xảy ra thảm họa. Chúng tôi đang chuẩn bị với các đối tác để cung cấp những khoản hỗ trợ phù hợp cho những người bị mất nhà cửa và sinh kế.” Ông Harjit Singh Sahan nói.
Vấn đề an ninh và hòa bình tại khu vực châu Á Thái Bình Dương cũng là nội dung thảo luận trong buổi hội đàm giữa bộ trưởng Harjit với người đồng cấp Việt Nam Ngô Xuân Lịch trước đó cùng ngày.
Toàn cảnh buổi hội đàm giữa bộ trưởng Harjit với người đồng cấp Việt Nam Ngô Xuân Lịch ngày 5/6/2018. (Ảnh: Hoàng Thái/VOV.VN). |
Hai bên thảo luận và đi đến thống nhất nhận thức về vấn đề này. “Liên quan tới việc quân sự hóa các đảo trên biển Đông, Canada và Việt Nam đã cùng gửi đi một thông điệp rằng tranh chấp phải được giải quyết thông qua luật pháp quốc tế. Và chúng ta đã có tòa trọng tài để phân xử chuyện này. Tất cả các nước phải tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền tự do đi lại. Đây là điều rất quan trọng với tất cả các bên, các nước có liên quan.” Ông Harjit nhấn mạnh trong buổi họp báo cuối ngày làm việc thứ hai tại Việt Nam. |
Quan chức quốc phòng cấp cao của Canada cho rằng, phải đảm bảo tất cả các bên tôn trọng pháp quyền và luật pháp quốc tế.
“Tôi xin nhắc lại là chúng ta có cơ chế quốc tế để giải quyết khi có tranh chấp. Đó là Tòa trọng tài nơi chúng ta có thể bảo vệ quyền lợi của mình. Đó là trật tự mà các quốc gia phải cùng tuân thủ.
Và khi đó, chúng ta sẽ tuân theo một tiến trình phù hợp, với sự cân nhắc thận trọng. Và khi phán quyết được đưa ra, chúng tôi kêu gọi các bên phải tuân thủ trật tự này”, Bộ trưởng Quốc phòng Canada nhấn mạnh.
3 ưu tiên hợp tác quốc phòng Việt Nam -Canada
Chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Singh Sahan diễn ra đúng dịp hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đặc biệt trong bối cảnh, hai bên nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 11/2017 của Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Trong chuyến thăm này, hai Bộ trưởng Quốc phòng đã cùng ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương.
Bình luận về thỏa thuận vừa được ký kết, Bộ trưởng quốc phòng Canada cho rằng, đây là một bước tiến mới, văn bản này cho phép hai nước thực hiện các chương trình hợp tác quốc phòng tại Canada.
Ký Bản Ghi nhớ về Chương trình Hợp tác và Đào tạo Quân sự của Canada (MTCP). Việc ký Bản Ghi nhớ này giúp các sĩ quan Việt Nam có thêm cơ hội tham gia các khóa đào tạo đa dạng tại Canada. (Ảnh: Hoàng Thái/VOV.VN). |
“Hai nước đã xác định được 3 ưu tiên trong hợp tác quốc phòng trong biên bản này, và thực tế là đang triển khai 2 công việc. Ví dụ như việc đào tạo tiếng Anh là một trong số đó. Hoặc việc huấn luyện y khoa tại các bệnh viện dã chiến cấp 2 – lĩnh vực mà chúng tôi có kiến thức chuyên môn. Điều này rất có ích khi triển khai các chiến dịch gìn giữ hòa bình. |
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Canada, những hợp tác này có nội dung rất quan trọng khi lực lượng quân đội được triển khai tới khu vực xung đột, đặc biệt trong các hoạt động gìn giữ hòa bình. Việc tìm kiếm và chia sẻ các kiến thức chuyên môn là cần thiết để giúp các binh sĩ tự đảm bảo an toàn cho mình, đồng thời bảo vệ cho dân thường trước các mối đe dọa.