Trên trang Weibo chính thức, sở cảnh sát Luonan Guchengzhen cũng đã xác nhận thông tin sự việc đồng thời cho biết chính người đứng đầu một lực lượng đặc nhiệm ở tỉnh Thiểm Tây đã phát hiện ra tên tội phạm đang lẩn trốn.
Theo đó, tên tội phạm bị bắt giữ là một người đàn ông 44 tuổi, bị bắt tại quận Heyang, cách quê nhà của tên này khoảng 3 giờ đi xe.
Theo cáo trạng cho biết, năm 1999, người đàn ông này đã dùng một cục đá đập vào đầu cha mình khiến người cha tử vong sau một trận tranh cãi giữa hai cha con.
Người này sau đó đã thú nhận toàn bộ tội danh và nói với cảnh sát rằng bản thân chỉ hành động để bảo vệ mẹ trước sự hành hạ của người cha.
Tờ Huashang Daily đưa tin hôm Chủ nhật cho biết, sau khi thú nhận tội danh, người đàn ông bị Sở cảnh sát Luonan bắt giam nhưng sau đó lại trốn thoát được. Từ đó đến nay, người đàn ông này đã 3 lần đổi tên và kết hôn với 3 người phụ nữ.
Nhờ công nghệ nhận diện khuôn mặt, cảnh sát đã thành công bắt giữ nghịch tử giết cha sau 19 năm lẩn trốn.
Được biết, Trung Quốc được xem là nước đi đầu trong công nghệ nhận diện khuôn mặt và đã phát triển thành công một hệ thống với mục đích có thể nhận diện khuôn mặt trong tổng số dữ liệu của 1,3 tỉ người dựa vào hình ảnh trên chứng minh nhân dân với độ chính xác lên đến 90%.
Đây không phải là lần đầu tiên cảnh sát Trung Quốc sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để truy tìm tội phạm đang lẩn trốn.
Tháng 5 vừa qua, cũng nhờ vào công nghệ này một người đàn ông đào tẩu để trốn nợ cách đây 10 năm đã bị bắt giữ tại một hội chợ triển lãm đá quý ở tỉnh Hồ Nam.
Trước đó, hơn 20 tội phạm đào tẩu đã bị bắt giữ sau khi cùng tham dự vào buổi hòa nhạc của ngôi sao nhạc pop người Hồng Kông Jacky Cheung diễn ra tại Trung Quốc sau khi bị công nghệ nhận diện khuôn mặt phát hiện.
Hệ thống nhận diện khuôn mặt của Trung Quốc có thể nhận diện khuôn mặt trong tổng số dữ liệu của 1,3 tỉ người dựa vào hình ảnh trên chứng minh nhân dân với độ chính xác lên đến 90%.
Hiện công nghệ này còn được sử dụng để nhận diện những hành vi vi phạm giao thông. Mới đây cảnh sát Thâm Quyến đã đăng tải lên trang Weibo của sở thông tin về một người vi phạm giao thông gồm tên, số chứng minh nhân dân và một bức ảnh được làm mờ để cảnh cáo.
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc cũng vấp phải sự phản đối từ các nhà hoạt động nhân quyền khi sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để giám sát khu vực phía tây Tân Cương, nơi chính quyền Bắc Kinh đang ra tay đàn áp nhóm dân tộc thiểu số Uygur theo đạo Hồi.
Theo đó, chính quyền Trung Quốc đổ lỗi cho các nhóm ly khai Uygur gây ra tình trạng bất ổn trong khu vực và tuyên bố sẽ tiến hành giám sát toàn diện như một yêu cầu thiết yếu để đảm bảo an ninh.
Trung Quốc hiện cũng đã bắt đầu xuất khẩu công nghệ nhận diện khuôn mặt ra nước ngoài. Và cảnh sát Malaysia là một trong những nơi đầu tiên đưa vào sử dụng để nhận diện tội phạm.