2 nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn có đáp ứng nhu cầu trong nước trước bối cảnh dầu thế giới tăng vọt do căng thẳng Nga - Ukraine?

Hoàng Thùy |

Tuy nhiên, Thứ trưởng nhấn mạnh, nguồn cung xăng dầu ở một số nơi cục bộ có khan hiếm chứ chưa nói là thiếu.

Giá xăng dầu liên tục tăng thời gian qua đang ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả hàng hoá và đời sống của người dân. Thời điểm hiện tại, giá xăng đã tăng kỷ lục, tiến sát mốc 27.000 đồng/l. Đặc biệt, xung đột giữa Nga và Ukraine cũng dấy lên những lo ngại về nguồn cung xăng dầu.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra chiều 3/3, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã thông tin về nguồn cung mặt hàng này. Theo đó, nguồn cung sản xuất trong nước hiện đáp ứng được từ 70% đến 75%, thậm chí có thời gian lên tới 80%. Chủ yếu nguồn cung từ hai nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (chiếm 35% đến 40%), Bình Sơn (khoảng 35%).

Trong thời gian vừa qua, theo báo cáo, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn gặp khó khăn về tài chính và một số khó khăn nội tại. Từ đầu tháng 1/2022, nhà máy Nghi Sơn đã phải giảm công suất, lần đầu xuống 90%, sau đó xuống còn 80%, hiện nay chỉ còn 55-60% công suất thực hiện. Vì vậy, việc giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (các hợp đồng đã được ký kết) giảm so với thỏa thuận giữa 2 bên.

Đến tháng 2/2022, nguồn cung từ nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm 43%, theo kế hoạch giao 680.000 m3, nhưng thực tế chỉ giao được 390.000m3. Tương tự như vậy, tháng 3/2022, theo kế hoạch giao 680.000m3 nhưng thực tế giao hàng chỉ có 540.000 m3 (giao được 80%, giảm 20%).

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cam kết đầu tháng 4/2022 hoạt động 100% công suất. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông báo chính thức.

2 nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn có đáp ứng nhu cầu trong nước trước bối cảnh dầu thế giới tăng vọt do căng thẳng Nga - Ukraine? - Ảnh 1.

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đang gặp khó khăn tài chính, khó khăn nội tại nên không đảm bảo công suất.

Đối với nhà máy lọc dầu Bình Sơn đã được chỉ đạo tăng công suất (ở mức cho phép) để bù vào sự thiếu hụt của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, từ 100% lên 103%, từ ngày 7/2 lên tới 105%. Tuy nhiên, mức tăng của nhà máy Bình Sơn chỉ tương đương 28.000 m3, chưa đủ bù lượng thiếu hụt do nhà máy Nghi Sơn giảm công suất.

Tuy nhiên, Thứ trưởng nhấn mạnh, hệ thống xăng dầu hiện có nhiều doanh nghiệp đầu mối, đảm bảo đủ, bất cứ một doanh nghiệp, một người dân đến đều mua được xăng dầu. Ở toàn miền Bắc, miền Trung là không thiếu, và chỉ có vài tỉnh phía Nam gần biên giới, cá biệt ở Thành phố Hồ Chí Minh thiếu hụt cục bộ. Do đó, nguồn cung xăng dầu ở một số nơi cục bộ có khan hiếm chứ chưa nói là thiếu.

Từ đầu tháng 1/2022, Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính chỉ đạo cho doanh nghiệp đầu mối tăng cường nhập khẩu để bù đắp vào lượng thiếu hụt, cộng với lượng dự trữ thì trong tháng 3/2022 cơ bản đáp ứng được.

Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Công thương cũng cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ về nguồn vốn, thủ tục cho các doanh nghiệp được phép nhập khẩu xăng dầu được nhanh nhất và thuận lợi nhất.

"Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng đã thống nhất 2 ngày/lần, tổ công tác điều hành giá sẽ ngồi bàn họp với nhau trao đổi về việc có cần thiết phải báo cáo Chính phủ xem xét quyết định thay đổi giá sớm hơn so với quy định hay không", Thứ trưởng Đỗ Hải Thắng nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại