25kg vàng hoá đá
Chủ nhân của số vàng này là Trần Phương và Trần Mặc Bình, chủ 2 tiệm vàng ở địa phương. Họ vẫn thường đặt chung vàng miếng, nhận vàng qua chuyển phát nhanh mà không gặp bất kỳ sự cố nào. Vậy nên lần này, 2 chủ tiệm vàng cũng không mở hộp kiểm tra tại phòng vận chuyển hàng hoá sân bay mà trực tiếp đem về nhà Trần Phương.
Họ đặt tổng cộng 30kg vàng, đóng thành 2 hộp, hộp nhỏ 5kg và hộp to 25kg. Thế nhưng khi mở chiếc hộp to, 2 ông chủ họ Trần chỉ thấy toàn là đá. Sau khi bình tĩnh lại, họ mới đi trình báo sự việc. Ở chiếc hộp to, những sợi dây niêm phong có dấu hiệu bị lửa đốt để nối lại, điều này cho thấy nó đã bị mở ra.
Cảnh sát Trung Quốc đặt ra nghi vấn với chính những người mua vàng bởi không loại trừ khả năng những người này giấu vàng đi để nhận tiền bảo hiểm. Thế nhưng họ không tìm được manh mối nào từ nơi ở của Trần Phương, 2 chủ tiệm vàng cũng không gặp vấn đề tài chính hay có khoản nợ nào nên họ chuyển hướng điều tra.
Lực lượng đặc nhiệm lần lượt đến những địa điểm mà số vàng được vận chuyển qua. Đầu tiên là sân bay Thâm Quyến, camera ảnh nhiệt ở khu vực kiểm tra an ninh cho thấy lúc này 25kg vàng vẫn còn trong hộp. Họ tiếp tục kiểm tra sân bay Gonggar Lhasa (Khu tự trị Tây Tạng), nơi 2 ông chủ họ Trần lấy hàng. Hộp gỗ được dỡ xuống máy bay lúc 8h và các chủ tiệm vàng đến nhận lúc 10h30, trong thời gian này liệu ai có cơ hội tiếp cận để trộm vàng?
Manh mối xuất hiện, vạch trần hành vi phạm tội
Một manh mối quan trọng xuất hiện khi cảnh sát phát hiện ra trên chiếc hộp gỗ, tên người nhận ban đầu có họ Mã, sau đó mới viết đè tên chủ tiệm vàng lên. Cảnh sát truy lùng những người có họ Mã từng dùng dịch vụ mua vàng chuyển phát ở địa phương.
Quả nhiên có một người đàn ông họ Mã cho biết mỗi lần lấy hàng, ông thường chỉ giữ lại số vàng bên trong và vứt hộp gỗ trong bãi rác tại sân bay. Tuy nhiên trong ngày xảy ra sự việc, người này có bằng chứng ngoại phạm không tới sân bay nên bị loại khỏi diện tình nghi.
Từ lời khai của ông Mã, cảnh sát nghi ngờ tội phạm là nhân viên sân bay thì mới có thể tiếp cận bãi rác tại sân bay, đủ thời gian bỏ đá vào hộp để tráo với hộp vàng ban đầu và viết lại tên. Cảnh sát thu hẹp phạm vi điều tra, tập trung vào 5 nhân viên chịu trách nhiệm vận chuyển hàng có giá trị vào ngày hôm đó.
Người duy nhất tiếp xúc với những chiếc hộp gỗ là nhân viên kho hàng Lý Mâu Quốc. Video giám sát sân bay tại trong kho hàng hoá trong khoảng thời gian này lại bị trục trặc, không có hình ảnh. Sau đó họ lấy được đoạn phim 1 tiếng trước khi camera trục trặc, phát hiện có một bóng đen xuất hiện lẻn vào phòng giám sát camera. Người này có dáng vóc giống với nhân viên Lý.
Cảnh sát điều tra hoàn cảnh của người đàn ông này và nhận ra anh ta đang nợ nần chồng chất. Đội đặc nhiệm bắt đầu tiến hành "dụ rắn ra khỏi hang" bằng cách thông báo với nhân viên đoạn băng ghi hình tại nơi vận chuyển hộp vàng đã được khôi phục, vụ việc sẽ sớm được giải quyết.
Ngay chiều hôm đó, Lý Mâu Quốc tìm cớ xin nghỉ, rời sân bay mà không biết cảnh sát đã bí mật đi theo. Họ phát hiện nhân viên Lý nói chuyện với một người đàn ông tại quán ăn với thái độ rất đáng ngờ. Điều tra danh tính người này cho thấy người này tên Lưu Mưu Minh, cũng đang nợ nần vì cờ bạc.
Công việc của Lưu Mưu Minh là nhận và giao hàng tại sân bay, điều này cho thấy có khả năng họ cấu kết để tẩu tán số vàng trong hộp gỗ nhanh chóng. Cảnh sát xem lại camera giám sát tại cổng sau sân bay, nhận thấy một bóng người giống Lưu Mưu Minh đang đem một chiếc hộp gỗ ra ngoài.
Sau khi thu thập đẩy đủ chứng cứ xác thực, cảnh sát lập tức đến kho hàng bắt Lý Mâu Quốc và sau đó bắt giữ Lưu Mưu Minh cùng 25kg vàng. Nhân viên họ Lý đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình. Với kinh nghiệm làm việc tại sân bay, anh ta nhận ra những chiếc hộp gỗ đặc biệt vận chuyển hàng có giá trị.
Vậy nên họ đã lên kế hoạch tráo đổi, nghiên cứu cách vô hiệu hoá camera khi nhận thông tin có lô hàng vàng, nhằm mục đích bán vàng lấy tiền đánh bạc. Năm 2018, Lưu Mưu Minh và Lý Mâu Quốc bị kết án 15 năm tù về tội Trộm cắp tài sản.
Theo Toutiao