16 khuyến nghị cần khắc phục ở đường sắt Cát Linh – Hà Đông

Lê Hữu Việt |

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đã kết thúc giai đoạn đầu tư, đang thực hiện kiểm đếm, bàn giao hồ sơ giữa đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Hà Nội. Tuy nhiên, muốn mở cửa đón khách, dự án vẫn cần thêm 1 chứng nhận an toàn nữa từ Tư vấn ACT.

Theo thiết kế, khoảng cách giữa vị trí khách đứng chờ tàu và đoàn tàu chỉ có vạch cảnh báo, không có rào chắn, nên Tư vấn ACT khuyến nghị cần bổ sung vách chắn bằng kinh để đảm bảo an toàn khai thác.

Theo thiết kế, khoảng cách giữa vị trí khách đứng chờ tàu và đoàn tàu chỉ có vạch cảnh báo, không có rào chắn, nên Tư vấn ACT khuyến nghị cần bổ sung vách chắn bằng kinh để đảm bảo an toàn khai thác.

Để đánh giá an toàn hệ thống đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, Bộ GTVT đã thuê liên danh tư vấn độc lập ACT (Pháp) kiểm tra, đánh giá an toàn hệ thống, gồm phần công trình và phần thiết bị. Từ khi tham gia đánh gia an toàn hệ thống tới nay, tư vấn này đã gửi Bộ GTVT 13 báo cáo đánh giá.

Báo cáo mới nhất gửi Bộ GTVT tháng 1 vừa qua, phần công trình đã đạt yêu cầu, riêng phần thiết bị Tư vấn ACT đưa đưa ra 16 khuyến nghị cần hoàn chỉnh. Khi các khuyến nghị này được thực hiện (hoặc cam kết lộ trình thực hiện), Tư vấn ACT mới cấp Chứng nhận an toàn hệ thống.

Chứng nhận này là điều kiện cuối cùng để Bộ GTVT nghiệm thu và trình Hội đồng kiểm tra nhà nước chấp thuận nghiệm thu, sau đó bàn giao chính thức cho Hà Nội khai thác thương mại.

Theo Bộ GTVT, quá trình hoàn thiện các khuyến nghị của Tư vấn ACT sẽ thực hiện song song với quá trình kiểm đếm, bàn giao hồ sơ dự án từ Ban quản lý dự án đường sắt sang Cty Metro Hà Nội.

Các khuyến nghị an toàn của Tư vấn ACT được chia thành 3 nhóm, gồm: Nhóm liên quan đến hồ sơ tài liệu; Nhóm liên quan đến thiết kế cần khắc phục hiện trường và có thể tiếp tục cải tiến, nâng cao mức độ an toàn trong tương lai; Nhóm liên quan đến sự sẵn sàng vận hành của các nhân sự. Đây là những khuyến nghị mang tính phòng ngừa rủi ro trong quá trình vận hành, khai thác.

Tới nay, trong 16 khuyến nghị của tư vấn, đã có 1 số khuyến nghị hoàn thành, gồm: Chứng nhận phòng cháy chữa cháy; Kết quả đánh giá an toàn bước 2 về hệ thống tín hiệu của Tư vấn Ricado; Metro Hà Nội đã hoàn thiện lại 64 quy trình xử lý tình huống khẩn cấp, đã diễn tập ngoài hiện trường; Bổ sung các biển chỉ dẫn cho người khuyết tật...

Một số khuyến nghị thuộc trách nhiệm của Tổng thầu EPC, Bộ GTVT đã yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt chỉ đạo thực hiện và hoàn tất thủ tục.

16 khuyến nghị cần khắc phục ở đường sắt Cát Linh – Hà Đông - Ảnh 1.

Do thiết kế không có vách ngăn giữa vị trí đứng chờ tàu của hành khách và đoàn tàu, nên Hà Nội sẽ phải bổ sung hạng mục này khi đi vào khai thác. Trước mắt, đơn vị vận hành sẽ bố trí người tại các ga để hướng dẫn khách đứng chờ tàu đảm bảo an toàn.

Với 1 số khuyến nghị thuộc về trách nhiệm của đơn vị khai thác (Công ty Metro Hà Nội), Bộ GTVT đã làm việc với UBND TP.Hà Nội để thống nhất triển khai, hoàn thiện, gồm: Sự sẵn sàng vận hành (mức độ thuần thục của nhân sự vận hành; bổ sung vào quy trình vận hành thao tác cho các nhân viên, tăng số lượng nhân viên; bổ sung diễn tập trong tình huống bất ngờ); Biện pháp sơ tán hành khách trong trường hợp khẩn cấp..

Riêng các nội dung đầu tư xây dựng các hạng mục nhằm nâng cao an toàn trong quá trình khai thác, như tường kính ngăn cách đoàn tàu với vị trí khách đứng chờ tàu... Bộ GTVT đã đề nghị UBND TP.Hà Nội thống nhất thực hiện đầu tư trong thời gian tới, làm cơ sở để Tư vấn ACT đánh giá.

Về nội dung liên quan tới hỗ trợ người khuyết tật, Tổng Giám đốc Metro Hà Nội Vũ Hồng Trường cho biết, thực hiện khuyến nghị của Tư vấn ACT, việc bổ sung biển báo, chỉ dẫn, thêm nhân sự hỗ trợ từ phía đơn vị vận hành đã được triển khai.

Theo ông Trường, phương án khai thác sẽ chia khách thành 3 nhóm khách. Trong đó, khách bình thường sẽ đi thang bộ để tiếp cận đoàn tàu. Nhóm người khuyết tật không đi xe lăn sẽ sử dụng thang cuốn tự động, còn khách dùng xe lăn sẽ tiếp cận tàu qua thang máy.

“Thời gian đầu đưa vào sử dụng người dân có thể chưa quen, nên chúng tôi đã lên phương án sẽ huy động thêm thanh niên, sinh viên tình nguyện để hướng dẫn, hỗ trợ hành khách tại cá nhà ga”, ông Trường nói.

Bộ GTVT cho biết, từ ngày 31/3, Ban Quản lý dự án đường sắt và Công ty Metro Hà Nội bắt đầu quá trình kiểm đếm, bàn giao hồ sơ, dự kiến kéo dài từ 3-4 tuần. Sau đó, trên cơ sở chứng nhận an toàn của Tư vấn ACT, Bộ GTVT và UBND TP.Hà Nội sẽ ký chính thức chuyển giao dự án đưa vào khai thác thương mại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại