Bà mẹ ở cữ cùng đàn con phải ăn mỳ tôm sống qua ngày
Ngày 23/12, đứa con thứ 8 của chị Hạ đã sinh ra đời. "Lại là con gái?" một tin sét đánh nữa lại đến với gia đình chị, 15 năm qua vì mong muốn cầu được mụn con trai mà anh chị đã bất chấp tất cả hết lần này đến lần khác mang thai, để rồi sinh ra lại là con gái.
Cùng với chồng chị, anh Vương đã có một con gái với vợ trước tổng cộng là 9 cô con gái trong nhà, người con lớn nhất năm nay 11 tuổi. Trong đó lần mang thai thứ nhất và thứ tư đều là sinh đôi.
Trong căn phòng trọ chật hẹp chỉ vỏn vẹn 8 mét vuông ở thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, cùng người mẹ vừa sinh, các cô con gái ngồi trên hai chiếc giường xếp song song nhau với đầy các loại đồ đạc và quần áo.
Đứa con 4 tuổi thấy người lạ chẳng nói lời nào nấp sau người mẹ, cô con gái thứ 7 mới chỉ 1 tuổi liên tục đùa nghịch bấu véo lên người mẹ gầy gò. Đứa con út 8 tuổi thì vẫn đang ngủ ngon lành.
Chị Hạ hai mắt đã thâm đen, thầy người lạ hỏi chuyện liền khóc không thành tiếng. Chị nói trong tiếng nấc: "Từ trước khi bố chúng nó xảy ra chuyện, đứa thứ 5, 6 , 7 đều đã được đưa về quê nhờ vả người thân chăm sóc. Giờ còn 5 mẹ con bám víu nhau sống cho qua ngày".
Anh Vương đột nhiên xảy ra chuyện, trụ cột chính của gia đình dường như sụp đổ hoàn toàn. Chị Hạ mới sinh, một ngày 2 bữa chỉ trông chờ có người hảo tâm mang đến cho. Còn các con chị hầu như 20 ngày nay đều sống nhờ vào những gói mỳ tôm.
Thỉnh thoảng chị Hạ nhấc được người dậy xào cho các con quả trứng. Các con chị đứa nào đứa nấy đều rất ngoan ngoãn không đùa nghịch.
Nỗi khổ tâm của anh Vương chị Hạ và những đứa con vẫn chưa hiểu chuyện
Đứa con lớn có khi không hiểu thường hỏi anh chị: "Tại sao con lại có lắm em gái như vậy?", "Tại sao bọn con lại mãi ăn mỳ và rau mãi, không như nhà bạn hàng xóm vậy?". Chị Hạ chỉ biết xót xa đáp: "Con à, đừng so bì với nhà người ta, nhà mình đủ ăn đã là tốt lắm rồi".
"Sinh hết đứa này đến đứa khác, anh chị có chuẩn bị kế hoạch sinh không? "Chẳng có kế hoạch nào cả, mỗi tháng hai vợ chồng làm được đều chỉ đủ mấy miệng ăn", chị đáp.
Khi sinh đến đứa thứ 8, chị bị động thai, ba ngày ba đêm đau và chảy máu cũng không dám đến bệnh viện vì trong túi chỉ còn có mấy chục đồng. Mãi sau chạy vạy vay mượn được 1500 NDT mới dám đi bệnh viện sinh con.
Tám đứa con không đứa nào được anh chị kiểm tra trước sinh, đều là đau bụng rồi mới đến bệnh viện. Tám đứa chỉ có 3 đứa là có hộ khẩu ở quê nhà.
Trong sổ chữa bệnh của chị Hạ với một loạt các loại bệnh như chảy máu sau sinh, sa tử cung... Chị nói khi mang thai đứa thứ 8, chị đã linh cảm nhỡ lại là con gái thì làm thế nào, hay là đi phá. Và anh chồng cuối cùng đã quyết định để sinh, vì dù sao cũng là một sinh mệnh.
Mười mấy năm qua, không ít người đến khuyên anh chị đem cho bớt con đi, nhưng anh chị kiên quyết không nghe vì dù sao nó cũng là cốt nhục của mình, khổ đến đâu cũng phải ở bên nhau.
Ngoài đứa thứ 7 và thứ 8 vẫn nhỏ, còn lại đều đi học tại các trường dân lập, về học phí nhà trường có thể giảm bớt một chút, có khi nợ và cũng có khi không nộp.
Người đàn ông trụ cột trong nhà đột nhiên gặp họa
Ngày 16/11 là sinh nhật của anh Vương, cũng là ngày thay đổi cuộc đời anh.
Ngày 23/12, gặp anh nằm tại khoa Trị Thương tầng 18 bệnh viện 174, cả hai tay anh đều cuốn đầy gạc trắng. Anh nhớ lại lúc xảy ra chuyện và vô cùng hối hận.
Anh nói hôm đó anh bị đau đầu chóng mặt, thợ cả sai anh đi hàn lại hộp kim loại, ở đó có dây điện cao thế nguy hiểm, trong nhóm thợ không một ai muốn lên làm. Nhưng nghĩ đến cha mẹ đều đã già, người vợ mới sinh và 9 người con đang đợi miếng ăn, anh đã quyết định trèo lên.
Không ngờ, bi kịch đã ập xuống đầu anh, cả người anh bị dây điện cao giật bất tỉnh nhân sự, dẫn đến cả hai bàn tay trừ ngón cái bên tay trái còn lại đều bị cắt cụt.
Bác sĩ Quách Chí Kiệm bệnh viện chỉnh hình 174 cho biết, anh Vương đã trải qua 4 lần phẫu thuật và cần làm thêm 2 lần nữa, ước tính chi phí khoảng 300.000 NDT (khoảng 100 triệu đồng).
Hiện tại, anh đã bảo toàn được tính mạng nhưng sau này sẽ gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt và khó có thể tiếp tục công việc hàn điện.
Trước mắt mọi chi phí viện phí đều do chủ thầu chi trả nhưng Vương cho biết, rất khó để lấy được tiền. Hiện viện phí đang nợ đã lên đến 10.000 NDT và anh sắp phải ngừng điều trị.
Khi được hỏi đến việc tại sao hai vợ chồng lại sinh nhiều con, khiến cuộc sống trở nên như vậy và liệu có muốn tiếp tục sinh con nữa không, Vương ngậm ngùi đáp:
"Không sinh nữa! Trước đây còn sức khỏe, còn có thể cáng đáng để kiếm miếng ăn, còn bây giờ, tôi không biết tương lai sẽ đi về đâu, may mà còn giữ được mạng sống".
Anh Tâm và anh Trịnh đều là đồng hương của anh Vương, thời gian gần đây hai anh thay phiên nhau chăm sóc bạn.
Khi nhắc đến hoàn cảnh gia đình anh Vương, hai anh đều thở dài nói: "Nếu bớt sinh đi vài đứa thì cuộc sống cũng bớt khổ, làm gì mà cần phải sống chết sinh cho bằng được mụn con trai chứ, những suy nghĩ cổ hủ này đúng là cần phải thay đổi".
Chị Hạ khi trả lời phỏng vấn của báo chí cũng chia sẽ nỗi lòng, vì chồng chị là con trưởng, nhà chỉ có một con trai, các cụ vất vả cả đời, nếu như không có đứa cháu đích tôn, cảm thấy xấu hổ hối tiếc.
Hai cụ cũng không nói gì, nhưng vợ chồng cảm thấy có lỗi với các cụ, khiến các cụ ra ngoài không dám ngẩng đầu. Bởi vì ở quê nhà có con trai mới có người "hương hỏa" cho các cụ sau này.
Vì con hay vì sĩ diện?
Trước vấn đề này, Phó giáo sư đại học Tập Mỹ - Cự Đông Hồng cho biết: "Người Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ và luôn mong muốn trong gia đình có con trai.
Nhưng khi nghĩ đến việc sinh con, ngoài việc tuân thủ chính sách pháp luật còn phải nghĩ đến tương lai cho các con, phải xem xét điều kiện kinh tế gia đình, phải chuẩn bị sẵn tâm lý và tìm hiểu thêm về phúc lợi xã hội".
Về câu chuyện buồn của gia đình anh Vương, ông Hồng cho rằng sĩ diện chẳng qua chỉ là cảm nhận chủ quan của cặp vợ chồng này.
Cùng với sự phát triển của xã hội, năng lực và tính trách nhiệm của người phụ nữ trong xã hội cũng không thua kém nam là bao.
Nhiều người chỉ vì thể diện mà không để ý đến giáo dục và chất lượng cuộc sống cho con. Nếu như sinh con mà không đảm bảo được cuộc sống và mang lại gánh nặng cho xã hội thì cần phải suy nghĩ một cách cẩn thận.