1. Kết thúc chiến dịch quân sự tại Syria
Chiến dịch quân sự của Nga chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria theo đề nghị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad được bắt đầu vào ngày 30-9-2015 đã đi đến đến hồi kết.
Ngày 11-12 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới thăm căn cứ không quân Hmeymim tại Syria và hạ lệnh cho quân đội Nga bắt đầu rút quân khỏi nước này vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chống khủng bố IS.
Binh sĩ Nga tại căn cứ không quân Hmeymim ở Syria. Nguồn: RIA Novosti
Không quân, các cố vấn quân sự, lực lượng đặc nhiệm Nga đã hỗ trợ quân đội chính phủ Syria trong các cuộc chiến ác liệt nhằm giải phóng quốc gia Trung Đông này khỏi tay IS.
Sau khi hoàn thành chiến dịch quân sự tại Syria, Nga vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của căn cứ không quân Hmeymim ở Latakia và căn cứ hải quân ở Tartus. Đồng thời, căn cứ của Hải quân Nga ở Tartus dự kiến sẽ được mở rộng.
2. Vươn lên trên thị trường vũ khí
Chiến dịch kéo dài hai năm tại Syria đã tạo ra mối quan tâm lớn về vũ khí của Nga tại Trung Đông. Do đó, năm 2017 ghi dấu việc Nga chính thức cung cấp máy bay trực thăng Ka-52K Katran cho Ai Cập và 73 xe tăng 7-90 cho Iraq. Bên cạnh đó, trong năm qua, một nước Bắc Phi đã đặt mua hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander của Nga.
Trực thăng Ka-52K Katran. Nguồn: RIA Novosti
Ngoài thành công trong việc thúc đẩy trang thiết bị quân sự của Nga đến Trung Đông, năm 2017 đánh dấu một mốc quan trọng trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí của Nga là Moscow tiến vào thị trường mới.
Nga đã ký hợp đồng vũ khí đầu tiên với Philippines - nước duy nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ngoài Brunei, chưa từng được trang bị vũ khí từ Liên Xô và Nga.
3. S-400 Triumph thu hút thế giới
Trong năm 2017, Nga đã ký các hợp đồng mang tính đột phá về việc cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph cho các nước được coi là đồng minh then chốt của Mỹ ở Trung Đông như Thổ Nhĩ Kỳ và Arab Saudi.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Nguồn: Nguồn: RIA Novosti
Các nước khác trong khu vực này như Bahrain và Qatar cũng bày tỏ mong muốn mua S-400. Ông Vladimir Kozhin, trợ lý của Tổng thống Nga về hợp tác quân sự-kỹ thuật xác nhận, hiện có khoảng mười quốc gia đang xếp hàng chờ mua hệ thống phòng không này.
4."Người chỉ huy bộ binh"đứng đầu VKS
Cuối tháng 11-2017, chỉ huy trưởng lực lượng Nga tại Syria, Đại tá Sergei Surovikin đã điều hành Lực lượng Không quân-Vũ trụ (VKS) thay cho ông Viktor Bondarev.
Chỉ huy trưởng lực lượng Nga tại Syria, Đại tá Sergei Surovikin. Nguồn: RIA Novosti
Điều đặc biệt ở đây là ông Sergei Surovikin không phải là phi công, mà là một tay súng bắn tỉa, một người lái xe tăng. Dưới sự chỉ huy của Sergei Surovikin, Không quân và lực lượng bộ binh Nga đã tương tác tốt với nhau trong các trận chiến ác liệt. Điều này đã dẫn tới thành công của quân đội Nga trong chiến dịch quân sự tại Syria.
5. Cuộc tập trận Zapad-2017
Tháng 9-2017, quân đội Nga và Belarus tổ chức cuộc tập trận chung mang tên Zapad-2017 (Phương Tây-2017) với sự tham gia của 12.700 binh sĩ.
Các binh lính của lực lượng vũ trang Nga và Belarus trong cuộc tập trận chung Zapad-2017. Nguồn: RIA Novosti
Để đáp lại mối quan tâm của các nước phương Tây, Moscow và Minsk đã mời các quan sát viên nước ngoài tham gia vào cuộc tập trận.
Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexander Fomin tuyên bố cuộc tập trận chung Zapad-2017 hoàn toàn mang tính chất phòng thủ, trong đó sẽ tiến hành tập trận chống lại quân khủng bố được nhận hỗ trợ từ nước ngoài.
6. Lực lượng NATO tại biên giới Nga
Trong năm 2017, NATO đã triển khai bốn tiểu đoàn thuộc nhóm chiến thuật đa quốc gia với tổng số 5.000 binh sĩ tại các nước Baltic và Ba Lan ở biên giới phía tây của Nga.
Một lữ đoàn thiết giáp và một lữ đoàn không quân của Lục quân Mỹ được triển khai tại Ba Lan và Đức. Việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Romania và Ba Lan đang được tiếp tục.
Do đó, theo Bộ Quốc phòng Nga, hiện nay, trên thực tế, không phải chỉ là lữ đoàn mà là cả sư đoàn cơ giới thuộc lực lượng vũ trang Mỹ được triển khai gần biên giới Nga. Chỉ trong vòng 2 giờ, có thể vận chuyển binh lính đến đó từ căn cứ gần nhất của Mỹ ở châu Âu (Ramstein, Đức)
Cuối năm 2017, phát biểu trước các tùy viên quân sự nước ngoài, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Nga Valery Gerasimov cho biết, NATO đã tăng gấp đôi cường độ các hoạt động trinh sát trên không ở khu vực sườn biên giới phía Đông .
7. Các cuộc tập trận giữa Nga và Uzbekistan
Bên cạnh đó, Nga đang tăng cường quân đội ở phía Nam để ứng phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng của các nhóm cực đoan và khủng bố ở Trung Á.
Binh sĩ Nga và Uzbekistan trong buổi tập trận. Nguồn: RIA Novosti
Tháng 10-2017, các đơn vị quân đội của Uzbekistan và Nga đã gặp nhau ở dãy núi Forish trong khu vực Jizzakh của Uzbekistan để tiêu diệt một nhóm khủng bố giả định. Tổng cộng có hơn 400 tay súng từ Bộ Quốc phòng Uzbekistan và Quân khu Trung ương Nga đã tham gia tập trận.
8. Tàu phá băng đầu tiên trong 40 năm
Vào cuối tháng 11-2017, một buổi lễ kéo cờ trên tàu phá băng thế hệ mới chạy bằng động cơ diesel-điện thuộc đề án 21180 Ilya Muromets của Hải quân Nga đã được tổ chức tại St. Petersburg.
Đây là con tàu được các thủy thủ chờ đợi từ lâu. Theo Phó tổng tư lệnh Hải quân Nga Alexander Fedotenkov, hạm đội đã không đưa vào trang bị loại tàu lớp băng như vậy trong hơn 40 năm.
Tàu phá băng Ilya Muromets. Nguồn: TASS
Tàu phá băng Ilya Muromets được khởi đóng tại Nhà máy đóng tàu Admiralty ở thành phố St.Petersburg vào ngày 23-4-2015, hạ thủy vào tháng 6-2016. Ilya Muromets sẽ được sử dụng để hỗ trợ hoạt động của nhóm Bắc Cực thuộc Hải quân Nga.
Ngoài nhiệm vụ chính là tham gia hộ tống hoặc kéo những loại tàu hải quân trong điều kiện băng dày gần 1m, Ilya Muromets còn có thể vận chuyển hàng hóa và tham gia vào công tác cứu hộ.
9. Lễ diễu binh quy mô của Hải quân
Ngoài chiếc tàu phá băng Ilya Muromets, các thủy thủ của Hải quân Nga cũng đã có một ngày đặc biệt trong năm 2017. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh tiến hành lễ diễu binh quy mô của Hải quân tại St Petersburg vào ngày 30-7-2017 nhân Ngày Hải quân Nga.
Vào ngày này, các cuộc diễu binh của hạm đội cũng được diễn ra tại Severomorsk, Vladivostok và Sevastopol, biển Baltic và Astrakhan và lần đầu tiên được tổ chức tại cảng Tartus của Syria.
Hình ảnh trong lễ diễu hành hải quân ở St. Petersburg. Nguồn: kremlin.ru
Lễ diễu binh hải quân với sự tham gia của tàu chiến và tàu ngầm đã được tổ chức trên sông Neva và cảng Kronstadt ở St. Petersburg.
Đây là cuộc diễu binh đầu tiên được tổ chức trong lịch sử hiện đại của Hải quân Nga. Từ nay về sau, lễ diễu binh quy mô của Hải quân sẽ là thành sự kiện thường niên và sẽ được tổ chức trong ngày chủ nhật cuối cùng của tháng 7.
10. Đoàn tàu hạt nhân rơi vào thế bế tắc
Tổ hợp tên lửa đường sắt chiến đấu Barguzin hay còn được gọi là “Đoàn tàu hạt nhân”-một trong những dự án phát triển tiềm năng nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô đã đi vào thế bế tắc vào năm 2017.
Một quan chức cao cấp của quân đội Nga cho biết, hiện chưa rõ đoàn tàu hạt nhân Barguzin sẽ bị tạm dừng phát triển trong thời gian bao lâu. Ông cũng lưu ý, Bộ Quốc phòng không có kế hoạch hoàn toàn từ bỏ dự án này.
Đoàn tàu hạt nhân Barguzin. Nguồn: RIA Novosti
Nhìn từ bên ngoài, không thể phân biệt Barguzin với đoàn tàu vận tải thông thường. Trong những toa tàu, có ba tên lửa đạn đạo xuyên lục địa với 30 đầu đạn hạt nhân công suất 550 kiloton được lắp đặt. Ngoài ra, trên tàu còn có các trạm chỉ huy, hệ thống công nghệ và kỹ thuật, phương tiện thông tin liên lạc.