Tử thần ung thư gõ cửa: Thảo ơi, em đừng chết!

Bảo Ngọc |

Thảo sinh ra không may mắn khi bị câm điếc bẩm sinh. Ba mẹ sớm bỏ ra đi khi em còn quá nhỏ. Em sống cùng hai người chị trong căn nhà rách nát cùng cái nghèo đeo đẳng.

LTS: Ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000 trường hợp mắc ung thư, càng ngày càng có nhiều "làng ung thư" xuất hiện trên khắp cả nước. Đằng sau mỗi hoàn cảnh gia đình có người bị ung thư luôn chứa đựng một câu chuyện tang thương...

Chúng tôi đã khởi đăng loạt phóng sự công phu về những gia đình quằn quại, lụi bại vì ung thư ở Việt Nam. Kính mời Quý độc giả trở lại trang báo để theo dõi.

Kỳ 1: Nhà có 6 người mắc ung thư ở HN: Bà mẹ khổ nhất thế gian

Kỳ 2: Tử thần ung thư gõ cửa: Người mẹ muốn đổi mạng cho 5 con

Kỳ 3: Hiểm họa ung thư quái gở ở căn nhà không ai dám đến

Kỳ 4: Ám ảnh hãi hùng ở dòng họ có 10 người chết vì ung thư

Vậy mà số phận vẫn chưa chịu buông tha cho cô bé bất hạnh. Lên 10 tuổi, em liên tục bị sốt, co giật và ngất xỉu. Kết quả xét nghiệm kết luận Thảo bị ung thư máu dòng tủy.

Tử thần ung thư rình rập ở bên nhưng cô bé luôn mỉm cười chịu đựng những cơn đau. Chỉ có ánh mắt trong veo của em toát lên nỗi đau đớn. Đôi mắt đó luôn nhìn xa xăm, buồn bã và cả trách móc số phận quá vô tình.

Ngôi nhà “hoàn cảnh”

Thôn Hà Mỹ, xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) nằm ở cửa biển nơi con sông Thu Bồn đổ ra biển Đông. Người dân nơi đây sống hiền hòa, chân chất với nghề làm ruộng, đi biển.

Ở đây, căn bệnh ung thư mấy năm trước còn xa lạ với người dân thì bây giờ đã khiến họ lo lắng mất ăn mất ngủ. Bà con trong làng có người bị ốm đau, cảm sốt đều khuyên nhau đi bệnh viện khám xem có bị “U” không.

Người thôn Hà Mỹ không gọi thẳng tên ung thư mà gọi là “U”.

Ông Trần Quang, Trưởng thôn Hà Mỹ cho biết, từ năm 2010 đến nay làng có 6 người chết vì bệnh ung thư. Người mắc bệnh đang nằm điều trị cũng trên chục.

“Bệnh này trời kêu ai thì người đó dạ. Tôi cũng không biết sao bây giờ có nhiều người mắc bệnh. Trần Thị Kiều là trường hợp đầu tiên chết vì ung thư gan cách đây 5 năm.

Con bé út chị Kiều là LêThị Thảo đang bị ung thư máu. Nhà đó cũng hoàn cảnh nhất làng”, ông Quang nói.


Căn nhà hoàn cảnh của chị em Thảo.

Căn nhà "hoàn cảnh" của chị em Thảo.

Ông Quang chỉ ngôi nhà nhỏ mà theo ông là “hoàn cảnh” nhất làng. Đó là nơi sinh sống của ba chị em Lê Thị Phương (sinh 1996), Lê Thị Dung (sinh 1997) và Lê Thị Thảo (sinh 2004). Căn nhà không có cổng, cửa mở toang hoang nhưng không có ai ở nhà.

Bên trong, hai chiếc giường nằm ở hai góc nhà trống hoác. Vài tấm giấy khen và phiếu bé ngoan mang tên Lê Thị Thảo dán trên bờ tường bê tông còn chưa tô quét. Mấy cái nồi trên bếp, vài chiếc chén, dăm ba cái dĩa trên chạn là tất cả tài sản trong ngôi nhà.


Trong nhà không có vật dụng gì đáng giá.

Trong nhà không có vật dụng gì đáng giá.

“Ba chị em nó dắt nhau đi Đà Nẵng lại cách đây mấy hôm rồi. Con bé Thảo lại ngất, phải ra đó điều trị”, người hàng xóm Lê Thị Hồng nói với qua hàng rào khi thấy người lạ.

Chị Hồng cho hay ba chị em Thảo đều ngoan hiền, lễ phép nhưng bất hạnh.

Chị Hồng kể ba mẹ bé Thảo trước đây làm nghề buôn bán trái cây ở chợ xã. Họ lần lượt sinh được ba cô con gái.

“Con bé Thảo sinh năm 2004. Lúc mới sinh thì mũm mĩm dễ thương lắm nhưng mà hơn 2 tuổi rưỡi vẫn không biết nói. Vợ chồng họ đưa đi khám thì mới biết là bị câm điếc bẩm sinh”, chị Hồng kể.

Năm 2008, anh Lê Văn Đính (cha bé Thảo) đi chở hàng vào sáng sớm thì gặp tai nạn rồi qua đời. Chị Kiều một mình chạy chợ nuôi con ăn học, chăm sóc bé Thảo.


Không biết mình bị bệnh hiểm nghèo, Thảo lúc nào cũng tươi cười.

Không biết mình bị bệnh hiểm nghèo, Thảo lúc nào cũng tươi cười.

Hai năm sau, chị Kiều bị ho liên tục mà không dứt cơn nên lặn lội ra Đà Nẵng khám bệnh. Bác sĩ thông báo chị Kiều mắc bệnh ung thư gan.

Chị Kiều liền gom góp tiền bạc, bán tài sản lấy tiền tiếp tục vào TP.HCM chữa bệnh nhưng rồi cũng theo chồng bỏ lại 3 đứa con gái bơ vơ mồ côi.

Thay mẹ chăm em

Cha mẹ qua đời, ba chị em Thảo phải nương tựa vào nhau sinh sống. Người chị cả Lê Thị Phương phải nghỉ học giữa chừng. Phương xin vào làm việc tại một nhà máy may ở xã Duy Vinh để lấy tiền nuôi hai em.

Lương công nhân may mỗi tháng khoảng 3 triệu đồng. Phương dành số tiền đó để mua gạo, đóng tiền học cho cô em Lê Thị Dung và chi tiêu trong gia đình.

“Gia đình nội ngoại tụi em chỉ còn mỗi ông nội nhưng năm nay đã 83 tuổi rồi. Nội già, cuộc sống cũng phụ thuộc vào tiền chế độ có công cách mạng nên không giúp được gì nhiều.

Em làm chị lớn thì phải thay cha mẹ nuôi hai em thôi. Em chẳng buồn lòng chi cả”, Phương tâm sự.


Ông Mên, ông nội của Thảo nói, ông rất thương các cháu nhưng tuổi cao, ông không biết làm gì để giúp.

Ông Mên, ông nội của Thảo nói, ông rất thương các cháu nhưng tuổi cao, ông không biết làm gì để giúp.

Trong hai em, Phương dành nhiều quan tâm nhất đến bé Thảo. Thảo sinh ra đã thiệt thòi, câm điếc bẩm sinh.

“Ở nhà nhiều lúc em bận quá không chơi được thì Thảo tự chơi một mình. Lũ trẻ hàng xóm cũng không thường xuyên chơi với em bởi em không biết họ nói gì. Thảo không nói được nhưng vẽ rất đẹp. Có bao nhiêu giấy em đều lấy bút màu ra vẽ”, Phương khoe.

Cách đây hai năm, biết ở TP Hội An (Quảng Nam) có lớp học miễn phí dành cho trẻ câm điếc, Phương liền đăng ký cho Thảo theo học. Mỗi ngày hai lần sáng chiều, Phương đưa thảo đi ghe từ Duy Vinh sang Hội An rồi lại đón về.

“Ở trường tập luyện cho các em tập nói. Thảo học được hơn một năm thì có thể nói được ít từ. Em ấy chỉ nói từng từ một mà chị em em đã mừng phát khóc. Đến trường, có bạn bè Thảo cũng vui vẻ hơn nhiều.

Em ấy học ngoan nên nhiều lần có phiếu bé ngoan, giấy khen. Mỗi lần như vậy là cứ khoe với hai chị miết.

Trường cũng dạy cho người nhà giao tiếp với Thảo bằng ngôn ngữ hình thể. Em với Dung thay phiên nhau đến học để nói chuyện với Thảo được thuận tiện”, Phương kể.

Cô bé bất hạnh

Cuộc sống chị em Phương, Dung, Thảo tưởng như đã ổn định sau 5 năm mồ côi cha mẹ thì tai họa lại ập đến.

Năm tháng trước, Thảo đang chơi ở nhà thì đột nhiên bị ngất. Chân tay em co giật. Triệu chứng trên lặp lại nhiều lần nhưng mọi người cứ nghĩ em bị mệt.

Ngày giỗ mẹ, người bà con xa từ Đà Nẵng về thắp hương nhìn Thảo xanh xao, ốm yếu lại hay bị ngất nên đề nghị đưa ra bệnh viện ở Đà Nẵng khám bệnh.


Những lúc đau, Thảo nằm ủ rũ.

Những lúc đau, Thảo nằm ủ rũ.

Kết quả khám bệnh của em khiến tất cả mọi người bật khóc. Thảo bị ung thư máu dạng tủy. Chưa tin vào kết quả quá nhẫn tâm đó, người bà con tiếp tục tài trợ cho chị em Thảo vào TP.HCM xét nghiệm lần 2. Kết quả vẫn không thay đổi.

Bán hết những tài sản quý giá còn lại trong nhà, Phương quyết đưa Thảo ra bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng điều trị. Thương em, Dung cũng nghỉ học ở nhà đi làm kiếm tiền.

Suốt mấy tháng nay, ba chị em coi bệnh viện là nhà. Hôm nào Thảo đỡ mệt thì lại đưa em ấy về nhà chơi. “Nhìn em đau đớn chống chọi bệnh, em như cắt từng khúc ruột, chỉ biết tìm góc nào đó mà khóc”, Phương xót xa.

Thảo vẫn không biết em bị bệnh gì. Em vẫn cười, vẫn vẽ tranh rồi bày trò trêu hai chị. Chỉ những lúc điều trị xong quá mệt mỏi, em mới chịu nằm yên. “Nhiều lần Thảo ra dấu hỏi sao không về nhà, em phải trả lời là ở đây để bác sĩ chữa bệnh câm điếc cho em”, Phương kể.

Ngồi trên giường bệnh, cô bé Thảo gầy còm nhưng vẫn cười rất tươi. Em ôm chặt cô bé búp bê bằng bông bên mình. Thảo ra dấu với chị rằng đó là người bạn thân nhất của mình. Đôi mắt cô bé lanh lợi, trong veo.

Tuy nhiên, thân thể héo mòn của em, những nốt thâm bầm tím, vết lở xuất hiện ngày càng nhiều.Các bác sĩ bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng cho hay đó là do triệu chứng do căn bệnh ung thư máu gây ra.

“Đây là lần đầu chúng tôi điều trị cho bệnh nhân mà cháu không biết mình bệnh gì. Chúng tôi chỉ biết cố gắng hết sức và cầu nguyện cháu khỏe mạnh càng lâu càng tốt”, bác sĩ Trương Thành Tâm, khoa Huyết học cho hay.

Cũng theo bác sĩ Tâm, căn bệnh ung thư máu của Thảo đã di căn nên rất khó nói trước. Hiện Thảo đang được điều trị hóa chất. “Nếu sức khỏe cháu tốt thì có thể tiến hành ghép tủy nhưng tốn một số tiền rất lớn”, bác sĩ Tâm cho hay.

Nhìn Thảo nằm mệt mỏi, đôi mắt u buồn trên giường bệnh sau khi truyền hóa chất, ai nấy đều cảm thấy nghẹn lòng. “Bố mẹ em đã không còn, mất Thảo nữa thì chị em em sống thế nào! Thảo ơi, em đừng chết nhé!”, nhìn em gái mình, Phương nức nở.

Những giọt nước mắt của Phương khiến lòng chúng tôi quặn thắt.

Mọi sự quan tâm, giúp đỡ xin gửi về Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí Thức Trẻ.

Tài khoản: 1912.832.546.5015

Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Hai Bà Trưng - Hà Nội

Địa chỉ: Tầng 21 Toà nhà Center Building, Hapulico. Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội

Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại