LTS: Ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000 trường hợp mắc ung thư, càng ngày càng có nhiều "làng ung thư" xuất hiện trên khắp cả nước. Đằng sau mỗi hoàn cảnh gia đình có người bị ung thư luôn chứa đựng một câu chuyện tang thương...
Từ hôm nay, chúng tôi bắt đầu khởi đăng loạt phóng sự công phu về những gia đình quằn quại, lụi bại vì ung thư ở Việt Nam. Kính mời Quý độc giả trở lại trang báo để theo dõi.
Ở thôn Lũng Vị (Đông Phương Yên, Chương Mỹ, Hà Nội) ai cũng bảo bà là người khổ nhất thế gian, sinh ra để nếm trải những tột cùng đau đớn.
Nhà trống trơn vì các con vướng vào bạo bệnh
Lũng Vị vài năm gần đây được gọi là cái rốn ung thư của Hà Nội. Ở đây, có thời kỳ người ta sợ đến bệnh viện, sợ những tờ phiếu khám sức khỏe có những dòng chữ quá đỗi vô tình.
Bất kỳ ai cứ thấy người khó ở, đi viện khám là y rằng tòi ra một chứng ung thư khủng khiếp. Và, chỉ sau lần đi khám ấy vài tháng thì nghĩa trang cuối làng lại có thêm một phần mộ mới.
Trên mộ nhiều khi chỉ có những vòng hoa trắng tinh khôi.
Lần tìm vào Lũng Vị, hỏi bà Nguyễn Thị Tuất chẳng mấy ai biết. Ở quê, những phụ nữ có tuổi thường được gọi bằng tên chồng. Hỏi bà Tuất không ai biết nhưng nhắc tới người đàn bà có mấy người con trai mất vì bệnh ung thư thì ai cũng rõ.
Người ta chỉ đến tận nhà và khi chỉ đường, ai cũng bảo, ở xóm này, xã này, thậm chí cả huyện này, tỉnh này chẳng ai đau khổ, bất hạnh như người đàn bà một mình chống chọi với quỷ dữ ung thư ấy.
Khi tôi đến, bà Tuất đang cặm cụi ngồi chẻ lạt ở giữa sân. Bà ngồi một mình, bốn bề tĩnh lặng. Tôi cố tìm tiếng trẻ con, thậm chí tiếng gà, tiếng chó mà không thể. Cả khoảng sân thênh thang trước căn nhà lụp xụp chỉ khe khẽ thấy tiếng gió xào xạc.
Thấy mình bất ngờ có khách, bà Tuất lập cập đứng dậy, chân tay run bắn. Mãi khi tôi giới thiệu về chuyến viếng thăm đường đột của mình thì bà mới lẩy bẩy mời vào nhà.
Bà bảo, mấy năm nay các con không còn nhà bà ít khách. Và, hễ có khách thì y rằng là những người đến để tìm hiểu về ung thư, chứng bệnh khiến gia đình bà quạnh quẽ.
“Cứ nghĩ đến ung thư, cứ nghĩ đến các con là người tôi lại đứng không vững nữa. Khổ quá anh ạ, nhà tôi chết hết cả, tôi đông con mà giờ hóa ở một mình”, bà Tuất xúc động.
Vì bạo bệnh ung thư nên nhà bà Tuất chẳng có gì đáng giá.
Mời tôi vào nhà, bà Tuất loay hoay tìm ghế. Tìm mãi mới thấy chiếc ghế khập khiễng, bà bảo tôi ngồi tạm. “Anh thông cảm cho tôi, nhà đến cái ghế cũng chả có nữa. Các con bệnh tình thế, mọi thứ cứ đội nón ra đi hết sạch”, giọng mệt mỏi, bà Tuất thanh minh.
Quả đúng như lời bà nói, ngó quanh căn nhà, tôi chẳng thấy bất cứ vật dụng gì gọi là còn vẹn nguyên hình hài chứ đừng nói chi có giá. Góc nhà là chiếc giường cũ ọp ẹp với chiếc chăn cũ loang lổ ố vàng.
Ngoài chỗ ngả lưng của gia chủ ấy thì căn nhà trống trơn.
Thân già nuôi cháu thay con
Bà Tuất bảo, bà ở một mình nên chẳng cần gì, thế nào cũng được. Năm trước, khi đứa cháu trai còn ở cùng, đồ dùng thiếu thốn, nhiều lúc thương cháu mà nước mắt cứ ứa ra.
Đứa cháu ấy giờ theo mẹ ngược mãi lên Sơn La xa xôi. Nhiều lúc nhớ cháu đến quặn ruột nhưng bà chả dám í ới gì. Bà sợ cháu cũng nhớ mình, đòi về thì bà không biết xoay xở thế nào.
“Nó là con thằng út đấy, bố nó mất thì nó ở với tôi. Năm ngoái nó đến tuổi đi học, tôi không cáng đáng nổi nên phải nhờ mẹ nó trên ấy nuôi giúp. Nó đã thiệt thòi mất bố thì phải cố cho nó cái chữ”, bà Tuất nói, giọng chầm chậm.
Nhắc đến chuyện anh con út, đôi vai gày gò của người đàn bà khốn khổ ấy lại khẽ run. “Nó là con út nhưng thiệt thòi nhất nhà. Chả tính sướng khổ gì, thiệt ở đây là nếu tình bề con thì nó chết đầu tiên. Nó chết khi mới 28 tuổi thôi, còn trẻ lắm!”, bà Tuất ngậm ngùi.
Theo lời bà Tuất thì tử thần ung thư gõ cửa nhà bà từ năm 1997. Khi ấy chồng bà đoản mệnh vì ung thư phổi. Ông bỏ lại bà và các con về bên kia thế giới khi mới 59 tuổi.
Con út bà Tuất tên là Đỗ Văn Hảo, sinh năm 1983. Anh Hảo có nghề lái xe. Khi còn khỏe mạnh anh bảo với mẹ rằng sẽ cố gắng làm để tích cóp mua riêng cho mình một chiếc xe rồi lấy vợ.
Nhưng rồi duyên số, anh lấy vợ trước. Vợ anh là một cô gái người Thái, anh quen rồi lên duyên trong một lần xe dừng bánh ở Sơn La. Hạnh phúc giản dị ấy tưởng chừng như chẳng có gì có thể chia cắt khi anh chị có thêm đứa con trai kháu khỉnh, khôi ngô.
“Ông trời ác quá, nhà nó đang vui vầy là vậy…”, bà Tuất ngập ngừng. Theo bà Tuất, anh Hảo mất đến thời điểm này vừa tròn 5 năm bởi bệnh ung thư phổi và gan.
Bà Tuất rầu rĩ khi nhắc đến số phận bi thảm của các con mình.
Ngày ấy, bởi là người đầu tiên trong gia đình bị bệnh nên anh Hảo được “đầu tư” khám chữa khắp nơi. Phát bệnh từ tháng 2, gia đình đã năm lần bảy lượt đưa anh Hảo đi khắp các bệnh viện lớn ở Hà Nội. “Ai bảo bệnh viện nào tốt, bác sĩ nào hay là gia đình tôi cố gom góp đưa cháu nó đến”, bà Tuất bùi ngùi kể.
Vật lộn với tử thần đến tháng 10 thì anh Hảo về nhà. Bà Tuất bảo, đến thời điểm đó thì gia đình đã kiệt sức.
“Chỗ nào có thể vay được thì chúng tôi cũng đã vay rồi. Không còn tiền nữa anh ạ, với cả các bác sĩ bảo số nó đã tận rồi, có cố cũng không được nữa”, bà Tuất nhớ lại.
Về nhà tháng 10 thì tháng 11 anh Hảo mất. Ngày anh Hảo lìa đời, dân Lũng Vị ai cũng xa xót. Thương anh chết trẻ một, thương đứa con nhỏ vừa được 18 tháng tuổi của anh mười.
Hôm bố mất, đứa bé vẫn bi bô chạy nhảy loăng quăng quanh những khuôn mặt ủ dột, vật vã khổ đau.
Vợ anh Hảo còn trẻ. Đoạn duyên, lo xong tang chồng, để lại con thơ, chị tìm về quê cũ. Bà Tuất bảo, sau chuyện buồn trên, bà đã gắng gượng rau cháo nuôi cháu. Thế nhưng, khi đứa bé đến tuổi đi học thì bà không lo được nữa.
Nước mắt lưng tròng, bà nói với con dâu rằng cố lo cho cháu bà cái chữ. Và, khi nào đi bước nữa, nếu thấy bất tiện thì lại đưa thằng bé về lại với bà.
“Cứ nghĩ đến thằng bé là tôi lại chảy nước mắt. Không biết sau này mẹ nó lấy chồng thì nó sẽ ở với ai. Tôi thì chả biết sống được ngày nào”, bà Tuất nghẹn giọng.
Không còn nước mắt
Khi nỗi đau vẫn còn hằn nguyên trên từng nét mặt thì chỉ vài tháng sau, gia đình bà Tuất nhận tin dữ thứ hai. Hung tin ấy vẫn do tử thần mang tên ung thư chuyển tới.
Anh Đỗ Văn Luyện, sinh năm 1970, con thứ hai của bà Tuất vốn to cao, khỏe mạnh. Giống như anh Hảo em mình, anh Luyện cũng có nghề lái xe thuê. Chừng tháng 6/2011, quãng thời gian cánh lái xe bận rộn thì anh phải nghỉ việc bởi khối u bã đậu mọc ngay bàn tọa.
“Nghĩ cái u đó chẳng nguy hiểm gì nên nó cứ đắp thuốc nam và tiêm thuốc thôi”, bà Tuất nhớ lại. Tuy nhiên, vài tháng sau, dùng đủ các loại thuốc lá mà không khỏi, anh Luyện đã phải ra Hà Nội khám.
Và, lần đi khám đó, gia đình bà Tuất đã chao đảo khi nhận được thông báo của bác sĩ. Anh Luyện bị ung thư gan và đã ở giai đoạn cuối.
Điếng người vì tin dữ nhưng còn nước còn tát, gia đình bà Tuất đã cố gắng gượng. Lại hành trình đi đi về về chạy chữa. Những ngày cuối đời anh Luyện ở viện nhiều hơn ở nhà.
Năm ấy, ăn Tết xong, thấy sức mình đã kiệt, anh Luyện nhờ mẹ gọi các anh, em mình đến. Nằm trên giường, anh phều phào bảo, ở Hà Nội mới có thêm một bệnh viện do người nước ngoài đầu tư. Các viện khác thì đều đã đi rồi, chỉ còn viện đó là chưa tới.
“Đến đó may ra còn giữ được người”, nhìn các anh em mình khắp lượt, anh Luyện nói.
Thương anh, mọi người lại chuyển anh ra bệnh viện đó. Tuy nhiên, các bác sĩ ở đó đã không dám nhận. Họ kê thuốc rồi cho anh về.
“Đưa nó về nhà lúc 11 giờ thì đến 3 giờ chiều là nó đi. Thuốc người ta kê cả mấy triệu đồng vẫn chưa kịp uống”, bà Tuất xót xa.
Hai năm, mất liền 2 người con, gia đình bà Tuất chìm trong tang tóc. Thế nhưng, trời đất trêu ngươi, “ác quỷ ung thư” lại tiếp tục đầy đọa gia đình vốn đã có quá nhiều đau khổ ấy.
(Còn nữa)
Mọi sự quan tâm, giúp đỡ xin gửi về Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí Thức Trẻ.
Tài khoản: 1912.832.546.5015
Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Hai Bà Trưng - Hà Nội
Địa chỉ: Tầng 21 Toà nhà Center Building, Hapulico. Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội
Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.