LTS: Ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000 trường hợp mắc ung thư, càng ngày càng có nhiều "làng ung thư" xuất hiện trên khắp cả nước. Đằng sau mỗi hoàn cảnh gia đình có người bị ung thư luôn chứa đựng một câu chuyện tang thương...
Chúng tôi đã khởi đăng loạt phóng sự công phu về những gia đình quằn quại, lụi bại vì ung thư ở Việt Nam. Kính mời Quý độc giả trở lại trang báo để theo dõi.
Kỳ 1: Nhà có 6 người mắc ung thư ở HN: Bà mẹ khổ nhất thế gian
Kỳ 2: Tử thần ung thư gõ cửa: Người mẹ muốn đổi mạng cho 5 con
Ngôi nhà tang tóc
Nhà ông Hán ở giữa xóm Hồng Sơn, (Đức Thành, Yên Thành, Nghệ An) ngoảnh mặt ra ngã ba đường. Nơi ấy người dân trong xóm thường tụ tập, tán đủ thứ chuyện trời biển. Tuy nhiên, khoảng sân rộng trước nhà ông Hán thì chẳng mấy ai lai vãng.
“Nhà ông ấy toàn người chết trẻ thôi. Vợ ông ấy chết, ba người con chết, hai người con dâu cũng chết, hãi lắm”, một phụ nữ đã kể như vậy khi chúng tôi hỏi nhà người đàn ông bất hạnh ấy.
Ông Hán vóc người nhỏ thó. Da nâu bóng lam lũ. Mặt khắc khổ, chi chít vết chân chim.
Mở cách cửa gỗ ọp ẹp, ông Hán mời chúng tôi vào căn nhà tối như hũ nút. Điện bật lên, chúng tôi bỗng rùng mình bởi trong căn nhà trống huơ trống hoác ấy chình ình một cái ban thờ to quá khổ.
Trên ban thờ, mấy tấm ảnh xếp liền nhau. Toàn ảnh người trẻ.
Ông Hán là thương binh. Bây giờ, trái gió trở trời là người lại đau nhức nhối. Nhưng ông bảo, những cơn đau do thương tật chẳng thấm vào đâu so với nỗi đau tinh thần.
“Tôi đi bộ đội năm 1960, đóng quân ở Bình Trị Thiên. Đánh nhau ác liệt lắm! Nói dại chứ ngày ấy tôi chết ngoài chiến trường có khi lại đỡ khổ hơn”, ông Hán mở đầu câu chuyện.
Ông Hán có cả thảy 6 người con nhưng giời chẳng thương bắt 3 người phải chết. “Toàn bệnh hiểm nghèo thôi, cố lắm nhưng không cứu được”, ông Hán bùi ngùi.
Chạm mặt tử thần ung thư
Ông Hán kể, năm 1975, ông từ chiến trường trở về. Dù mang trên mình thương tật nhưng ông vẫn tràn đầy hi vọng về cuộc sống tốt đẹp ở quê nhà, nơi có người vợ trẻ và những người con thơ dại đêm ngày mong ngóng.
Tuy nhiên, những ngày đoàn tụ vui vầy ấy đã nhanh chóng qua đi. Năm 1977, gia đình ông đón nhận bất hạnh đầu tiên. Người con thứ ba của ông là Nguyễn Thị Lan, sinh năm 1969, bởi dịch tả nên đã bất ngờ qua đời.
Năm 1985, cũng bởi dịch tả mà người con thứ hai của ông, anh Nguyễn Văn Tưởng cũng đột ngột giã từ cõi tạm. Anh Tưởng mất khi mới 18 tuổi, đang căng tràn sinh lực tuổi trai.
Liên tiếp đón nhận tai ương, nhà ông Hán đã sống trong hoảng loạn.
Trong câu chuyện của mình, ông Hán luôn miệng cho rằng số ông khổ, liên tiếp phải đón nhận đau thương. Ông Hán nghĩ vậy là bởi chỉ chục năm sau, vợ ông, bà Phạm Thị Thuận, khi ấy vừa 53 tuổi cũng vội vã bỏ ông mà đi.
Bà Thuận hiền lành, cả đời chịu thương chịu khó. Ngày ông đi bộ đội, một mình bà ở nhà đã thay ông tần tảo nuôi con.
Dầm mưa dãi nắng quanh năm nhưng bà chẳng mấy khi đau ốm. Thế nhưng, năm 1995, bà đã bỏ ông, bỏ các con về bên kia thế giới bởi chứng bệnh mà ban đầu ông nghĩ là đơn giản, bình thường.
Bà Thuận bị đau răng, bỏ bữa mấy hôm. Nghĩ là có tuổi, răng lợi lung nay cũng là chuyện thường bà chỉ dùng thuốc qua loa. Thế nhưng, càng về sau thì cơn đau càng dữ dội. Chữa thuốc Tây rồi đến thuốc nam không khỏi bà mới quyết định đi khám.
Sau khi thăm khám ở bệnh viện tỉnh, bà được chuyển gấp ra Hà Nội. Tại đây, các bác sĩ đã kết luận bà bị ung thư hàm và vòm họng.
“Ngày đó tôi cũng chẳng thể ngờ bệnh ung thư lại kinh hoàng đến thế”, ông Hán rầu rĩ.
Bà Thuận được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ một phần hàm. Tưởng sau khi phẫu thuật mọi thứ đã ổn, bà lại có thể cùng ông đi nốt quãng đời còn lại, nào ngờ…
“Mẹ chồng tôi mất sau khi đi viện về chừng 4-5 tháng thôi”, chị Hồ Thị Hà, con dâu cả của ông Hán xót xa.
Ông Hán bảo, khi vợ ông đổ bệnh rồi lìa đời chỉ sau vài tháng dù gia đình đã dồn hết sức chữa chạy ông mới thấy sự nguy hiểm của tử thần mang tên ung thư. Và rồi, sau này, khi tai ương có phần trớ trêu, oái oăm liên tiếp ập xuống, gia đình ông đã thực sự bấn loạn.
Hai lần mất vợ
Ông Hán bảo, sự quái gở của số phận, sự cay nghiệt đến tàn độc của tử thần ung thư đã đẩy gia đình ông vào cảnh không lối thoát.
Anh Nguyễn Văn Cường, sinh năm 1978 là con trai thứ 5 của ông. Năm 1998, 20 tuổi, anh Cường lấy vợ. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Thao là người cùng xã.
Như bao lứa đôi ở quê, hai vợ chồng anh Cường lấy việc nông làm kế sinh nhai. Những lúc nông nhàn, anh Cường theo chúng bạn đi làm thuê đây đó để gia đình nhỏ của mình có cuộc sống thêm phần tươm tất.
Thế nhưng, hạnh phúc giản dị ấy ngắn chỉ tày gang. Năm 2005, khi đứa con thứ hai mới bi bô tập nói thì chị Thao thấy trong người mệt mỏi, chán ăn.
An dưỡng cả mấy tuần trời thấy tình hình sức khỏe chẳng mấy cải thiện, gia đình ông Hán đã khuyên nhủ chị Thao đi khám. Tới viện, các bác sĩ đã kết luận chị bị ung thư gan, sự sống chỉ còn tính bằng ngày.
Ông Hán bảo, thảm cảnh bệnh tật đã đẩy gia đình ông vào ngõ cụt.
Đúng như nhận định của các bác sĩ, về nhà chỉ được ít ngày thì chị Thao mất. Trước lúc nhắm mắt xuôi tay, chị đã dặn chồng dù vất vả mấy cũng phải cố thay chị nuôi hai đứa con khôn lớn thành người.
Để người vợ trẻ ngoan hiền ngậm cười nơi chín suối, anh Cường cũng đã làm tất cả mọi việc có thể để bù đắp cho hai đứa con thơ của mình. Nhìn cảnh anh Cường gà trống nuôi con ở xóm ai cũng bùi ngùi.
Cảnh ngộ của ông bố trẻ một nách hai con ấy khiến nhiều cô gái thấy tội, thấy thương. Chị Trần Thị Ngân, một cô gái ngoan hiền trong xã đã đến với anh khởi nguồn từ tình cảm rất đỗi con người ấy.
Năm 2007, chị Ngân chính thức cùng anh Cường sống chung dưới một mái nhà. Nhà có bàn tay của người phụ nữ cũng ngăn nắp, gọn gàng hơn.
Nỗi đau tưởng chừng sẽ ngủ yên mãi mãi khi hai vợ chồng có thêm một mụn con chung. Nhưng rồi, bao ước mơ, bao dự định đắp xây mái ấm hạnh phúc đã đổ vỡ tan tành khi tin dữ lại như rắn độc tìm về.
Chỉ sau ngày cưới đúng 3 năm, khi mà đứa con chung còn đỏ hỏn trên tay, chị Ngân đã choáng váng khi biết mình bị ung thư phổi. Ngay sau khi vợ phát bệnh được vài tháng chị Ngân trút hơi thở cuối cùng.
“Đám tang chị Ngân nhiều người đã không cầm được nước mắt dù chẳng phải họ hàng thân thiết gì. Họ thương cô Ngân một thì thương chú Cường và các con của chú ấy mười”, chị Hồ Thị Hà, chị dâu của anh Cường nhớ lại.
Số phận quái gở
Ngay sau cái chết của chị Ngân, tuy thương nhưng nhiều người cũng xì xào rằng anh Cường có số sát vợ. Nhiều người còn độc mồm bảo, bất cứ ai đến với anh đều phải nhận kết cục kinh hãi là chết trong đau đớn.
Hai lần hạnh phúc vỡ tan, anh Cường thấy đời mình như rơi vào tận cùng tuyệt vọng. Nhiều lúc muốn tìm quên trong men rượu nhưng nhìn bày con thơ dại nheo nhóc anh đã cố gắng vượt qua nỗi đau khôn cùng ấy.
“Chú ấy buồn lắm, chẳng nói chẳng cười. Khi không đi làm thì chỉ ru rú ở nhà với các con thôi”, chị dâu anh Cường nhớ lại.
Cũng theo chị Hà, thời gian đó, thấy anh Cường vất vả nuôi con nhưng chẳng ai dám khuyên anh đi thêm bước nữa. Mọi người biết, có khuyên bảo thế nào thì anh Cường cũng lắc đầu bởi anh sợ số mình sát vợ.
Thêm nữa, chứng kiến hai cái chết đau đớn của chị Thuận, chị Ngân thì dù thương xót đến đâu cũng chẳng có người phụ nữ nào dám cùng người đàn ông này se duyên, kết tóc.
Liên tiếp có người chết trẻ, nhà ông Hoán đã thật sự hoang mang. Trong xã, nhiều người còn đồn thổi rằng tại nhà ông nằm ở thế đất xấu, đường chạy thẳng vào nhà nên phải hứng chịu nhiều tai ương, kiếp nạn.
Là bộ đội, từng xông pha đạn lửa, ông Hán chẳng tin mấy chuyện nhảm nhí hoang đường nhưng thâm tâm ông cũng cầu trời phật để những người còn lại trong nhà được may mắn, bình an.
Nhưng rồi, những khấn nguyện ấy chẳng thấu trời xanh, những lời đồn thổi độc địa trên lại hóa thành sự thật. Kinh hoàng hơn, người thiệt mạng tiếp theo trong gia đình ông Hán lại chính là anh Cường, người đàn ông đã hai lần đau đớn mất vợ.
Vợ đầu mất vì ung thư gan, vợ hai mất vì ung thư phổi, đến lượt anh Cường gục ngã vì ung thư dạ dày. Năm 2012, anh giã từ cuộc đời đau khổ. Anh Cường đi theo người vợ thứ hai chỉ sau có 2 năm.
“Giờ tôi chẳng biết tính thế nào nữa, số phận thế rồi thì cứ kệ thôi”, ông Hán nói trong tuyệt vọng.
Con cái bơ vơ
Anh Cường và hai người vợ lần lượt rủ nhau sang bên kia thế giới, ba đứa con thơ dại hóa bơ vơ. “Các bác bên nội thì đều nghèo khó, thương các cháu lắm nhưng cũng chỉ lo được phần nào”, chị Hà nghẹn ngào cho biết.
Cả nhà chết thảm, con cái li tán, ngôi nhà anh Cường như đã bỏ hoang.
Theo chị Hà, sau khi anh Cường mất, chị đã đón đứa con thứ hai của người vợ trước anh Cường về nuôi. Tuy nhiên, khi cháu học đến lớp 2, hoàn cảnh khốn khó không cáng đáng được chị đành phải gửi cháu vào làng SOS để cháu tiếp tục đến lớp.
“Thằng lớn nhà chú ấy năm nay cũng 16 tuổi rồi, cháu vào miền Nam để làm phụ giúp cho một người nhà. Cháu út, con của chú ấy với cô Ngân thì được bên ngoại đón về nuôi”, chị Hà cho biết.
“Giờ tôi chỉ mong những đứa cháu mất cha, mất mẹ không vì thiệt thòi ấy mà lầm lối, lạc đường”, tiễn chúng tôi ngay trước cửa căn nhà liêu xiêu của anh Cường, ông Hán nói trong nước mắt.
(Còn nữa)