Hiệu trưởng mầm non “sởn da gà” khi xem clip bảo mẫu hành hạ trẻ

Đình Phong |

(Soha.vn) - “Cả đêm tôi không ngủ được vì thực sự rất bức xúc trước hành động của bảo mẫu đối với các bé. Không thể chấp nhận được!”.

Đó là lời tâm sự của chị Nguyễn Thanh Trà – Hiệu trưởng Trường Mầm non Bim Bon (Hoàng Mai, Hà Nội) về những hành vi đánh đập, gí đầu trẻ xuống đất, bắt trẻ ăn cháo đã nôn chớ, hăm dọa trẻ thả vào thùng nước khi trẻ khóc không chịu ăn.

Khi niềm tin đặt nhầm chỗ

Là một người hoạt động trong ngành giáo dục mầm non, chị Trà tâm sự: “Khi xem clip, bản thân mình thấy nổi da gà vì thực sự rất bức xúc, xấu hổ trước hành vi không chấp nhận của hai cô bảo mẫu cơ sở mầm non tư thục Phương Anh.

Cả đêm không ngủ được vì hành vi đó liên quan đến ngành mình đang làm, chưa kể vụ việc đó làm xấu đến hình ảnh trường tư. Những bậc phụ huynh gửi con ở đó đã đặt niềm tin nhầm chỗ”.

Chân dung của hai bảo mẫu Trường mầm non Phương Anh có hành vi dã man đối với trẻ.
Chân dung của hai bảo mẫu Trường mầm non Phương Anh có hành vi dã man đối với trẻ.

Chị Trà cũng cho biết, buổi trưa hôm sau, chị đã tập hợp các cô giáo, các bác nhà bếp cùng xem clip để bày tỏ cảm nhận, suy nghĩ cũng như rút kinh nghiệm cho bản thân không chỉ về hành động mà còn lời ăn tiếng nói với trẻ.

“Ai xem cũng rùng mình vì sợ. Hàng ngày, tiếp xúc, trò chuyện, chăm lo từng bữa cơm, giấc ăn ngủ của các con, giờ nhìn thấy hình ảnh đó, ai cũng xót xa, phẫn nộ”, chị Trà cho hay.

Chị cho biết, đây không phải lần đầu xảy ra vụ việc giáo viên đánh đập học sinh hoặc để tai nạn xảy ra đối với trẻ trong trường học và những sự cố như thế ít nhiều cũng ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của các trường khác. Tuy nhiên, mặc dù gần đây các trường mầm non tư thục, cơ sở trông giữ trẻ xuất hiện như “nấm mọc sau mưa”, nhưng không nên quy kết các trường tư nào cũng như thế!

Trao đổi với tôi, chị thật thà cho hay, đôi khi giáo viên bị căng thẳng khi lên lớp, khi cho trẻ ăn, uống…Nhưng nguyên tắc của chị là: “Mỗi khi tức giận với trẻ, giáo viên hãy vào nhà vệ sinh, nếu gia đình có chuyện bực bội hãy để nó ở nhà và đến lớp với tâm lý vui vẻ, thoải mái. Không quát mắng trẻ dưới mọi hình thức.

Mỗi đứa trẻ đều có cá tính, đôi khi nghịch ngợm, nôn trớ… nhưng xác định đó là trách nhiệm, cái tâm của người dạy dỗ trẻ, yêu thương chăm sóc trẻ thì sẽ không có điều gì đáng tiếc xảy ra”.

Đừng quá tạo áp lực trẻ "tăng cân" cho giáo viên

Cũng theo chia sẻ của chị Trà, phương pháp mà hai cô bảo mẫu dùng để dạy dỗ, cho trẻ ăn trong đoạn clip là phản khoa học, là vi phạm luật pháp.

“Khi đứa trẻ khóc hay sợ sẽ không hấp thu được thức ăn. Vì vậy, đối với những trẻ lười ăn, giáo viên phải luôn động viên chứ không ép, tìm hình thức cho các em thi đua trong bữa ăn. Ví dụ, trước giờ ăn cô giáo khuyến khích em nào ăn hết suất ăn, ăn ngoan thì cô giáo sẽ thưởng một hình vẽ mà trẻ thích…Hoặc xếp hạng thi đua giữa các lớp với nhau để đưa bé vào nề nếp, thói quen”, hiệu trưởng Trường mầm non Bim Bon chia sẻ.

Tuy nhiên, nhìn nhận ở một góc cạnh khác, vị hiệu trưởng này cũng tâm sự rằng, để hạn chế xảy ra tình trạng giáo viên ép trẻ ăn bằng mọi cách, kể cả bằng đòn roi, mỗi bậc phụ huynh đừng quá gây sức ép về tăng cân cho trẻ đối với các cô giáo trong trường.

“Bản thân tôi mong, phụ huynh hãy tạo điều kiện cho các cô giáo có thời gian chăm các con đạt hiệu quả hơn. Đừng kỳ vọng quá vào việc lên cân của các con, điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố ví dụ như dinh dưỡng, khả năng hấp thụ của từng trẻ và tùy từng giai đoạn khác nhau. Nhiều khi phụ huynh thấy con đứng cân lại gây thêm áp lực, đôi khi vô tình tạo sức ép, mệt mỏi cho giáo viên ”, chị Trà nói.

Sử dụng đòn roi, ép trẻ ăn là phương pháp phản khoa học.
Sử dụng đòn roi, ép trẻ ăn là phương pháp phản khoa học.

Đưa ra lời khuyên cho bậc làm cha mẹ khi gửi con ở các cơ sở mầm non, làm sao để nhận biết được con mình có bị bạo hành hay không, người quản lý Trường Mầm non Bim Bon nhấn mạnh:

“Theo mình, bạn nên quan sát con thường xuyên hàng ngày để biết được tâm trạng của con khi đi học. Trẻ thoải mái vui vẻ đến lớp và quyến luyến cô giáo, bạn bè ở trường hay sẽ mếu máo khóc khi đến lớp.

Hơn nữa, phụ huynh thường xuyên trao đổi với các cô giáo nhiều hơn, thỉnh thoảng ghé thăm lớp học, dự lớp học con bạn một cách đột xuất. Khi đón con về nên kiểm tra xem thân thể, tâm lý của con ra sao, nếu có dấu hiệu bất thường hãy hỏi giáo viên. Mặt khác, theo dõi trong giấc ngủ của bé có mơ hay không”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại