LTS: Lợi dụng sự lo lắng của cộng đồng trong tình hình bệnh sốt xuất huyết đang lan rộng ở nhiều địa phương, nhiều bài thuốc trôi nổi được chia sẻ trên mạng và được vô số người nhất mực tin dùng mặc dù hậu quả của nó không lường hết được.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết về sốt xuất huyết dưới cả hai góc nhìn Đông y và Tây y của Th.BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Hùa theo độ nóng sốt của vụ dịch sốt xuất huyết năm nay, nhiều trang facebook lan truyền nhiều cách dùng thuốc Đông y điều trị sốt xuất huyết. Hầu hết đều là những kinh nghiệm chắp vá, cắt xén, sao chép không đầy đủ từ những bài thuốc chính thống nhưng lại được bơm thổi như thần dược để "tạo hot câu like".
Nhìn cảnh nhà nhà người người chia sẻ và khuyên nhau sắc lá tre uống, hay khuyên nhau xoa lông gà (mới nhổ, cho đến khi các sợi lông tơ trắng xuất hiện trên lưng người bệnh, rút ra được), nhai đậu xanh, giã cỏ mực mà buồn lòng.
BS Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
"Phúc thống phục nhân sâm…"
Xin lưu ý, mỗi bài thuốc Đông y đều xuất phát từ cơ sở lý luận chặt chẽ của Y học cổ truyền, được trải qua hàng ngàn năm lịch sử kiểm chứng.
Các vị thuốc trong một thang có thể phối hợp, điều hòa nhau đem lại một tác dụng tổng thể. Do thế, việc sao chép, cắt xén thang thuốc, tách riêng từng vị đôi khi có thể gây hại nhiều hơn có lợi.
Đơn cử như việc uống cỏ mực (nhọ nồi) có thể giúp hạ sốt, cầm máu ở người bình thường nhưng phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết uống vào sẽ có thể sẩy thai dẫn đến tử vong.
Tương tự, hoa hòe, trắc bách diệp giúp cầm máu nhưng lại gây giãn mạch làm trầm trọng hơn tình trạng thoát dịch ở người bệnh sốt xuất huyết, tụt huyết áp và sốc.
Việc kiếm cả bao lá tre sắc uống có thể giúp hạ sốt nhưng chắc chắn sẽ tốn công của và hiệu quả thấp hơn việc uống 1 viên paracetamol.
Thậm chí theo hướng dẫn của một số "lương y facebooker", bà con sắc uống cả chục chai mỗi ngày có thể dẫn đến tình trạng hạ natri máu, làm trầm trọng thêm bệnh trạng.
Sốt xuất huyết dưới góc nhìn Đông y
Sốt xuất huyết Dengue là một căn bệnh chết người đang bùng phát mạnh mẽ ở nhiều nước trên thế giới. Thế nhưng thời xưa bệnh sốt xuất huyết chỉ có ở vùng Bắc Phi và Trung Đông. Mãi đến sau Chiến tranh thế giới thứ 2 nó mới lan rộng ra những vùng khác trên thế giới.
Cho dù một số thư tịch cổ thời nhà Tần (năm 265-420) ở Trung quốc có đề cập đến một bệnh do "Thủy độc" liên quan đến côn trùng bay, nhưng vùng địa lý của nước Tần cổ hiện nay không lưu hành sốt xuất huyết nên có lẽ "Thủy độc" chỉ ngụ ý đến những bệnh lý sốt virus tương tự từng lưu hành ở vùng này.
Trong Y học cổ truyền, các biện chứng (biện luận triệu chứng) của sốt gây dịch kiểu virus nói chung được quy vào nhóm Ôn dịch. Bệnh lý thường diễn biến qua các giai đoạn: Bệnh vào Vệ (da, niêm mạc), Khí (đường hô hấp), Dinh và Huyết.
Đối chiếu với bệnh học nhiễm virus cấp hiện đại thì giai đoạn bệnh vào Vệ, Khí tương đương với giai đoạn viêm long đường hô hấp. Giai đoạn bệnh vào Dinh thường tương đương với giai đoạn nhiễm virus huyết và giai đoạn bệnh vào Huyết tương ứng với giai đoạn có các hậu quả về rối loạn cân bằng nước điện giải, rối loạn đông cầm máu hoặc tổn thương cơ quan đích.
Sốt xuất huyết dưới góc nhìn Tây y
Sốt xuất huyết do bị muỗi truyền virus Dengue gây ra. Nó có diễn biến đặc trưng, khác với nhiều loại sốt virus gây bệnh Ôn dịch khác. Virus Dengue có 4 loại gồm DEN 1, DEN 2, DEN 3 và DEN 4.
Khi bị nhiễm lần đầu bởi 1 loại (type) nào đó, bệnh nhân thường có biểu hiện nhẹ như sốt cao, phát ban, đau cơ, khớp và tự khỏi. Khi nhiễm lần sau bởi bất kỳ type virus khác nào trong số 3 type còn lại, cơ thể sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn.
Ở giai đoạn sốt cao do nhiễm virus sốt xuất huyết, thường người bệnh sốt cao, đau mỏi người dữ dội. Sang giai đoạn đáp ứng miễn dịch (thường từ ngày thứ 3-7 của bệnh) có thể 10-20% số bệnh nhân có biến chứng nặng như tăng tính thấm thành mạch, thoát mạch gây cô đặc máu...
Thậm chí nếu trường hợp bị nặng có thể gây tụt huyết áp, sốc và tử vong, hoặc hạ tiểu cầu trong máu, làm máu chảy khó cầm, nếu nặng có thể gây các chảy máu nguy hiểm.
Đối chiếu với biện chứng của Ôn dịch thấy do muỗi truyền virus Dengue trực tiếp vào máu nên sốt xuất huyết không qua giai đoạn bệnh vào Vệ, Khí mà vào thẳng Dinh và Huyết.
Nguyên tắc điều trị của Y học cổ truyền cổ xưa cũng hoàn toàn thống nhất với Y học hiện đại hiện nay: Giai đoạn bệnh vào Dinh thì chữa trị chủ yếu là thanh nhiệt và dưỡng tâm giống như việc dùng hạ sốt giảm đau, chống co giật trong Y học hiện đại.
Sang giai đoạn bệnh vào Huyết, tùy thuộc vào tổn thương từng tạng phủ mà có nguyên tắc điều trị: Nếu Nhiệt bức huyết vọng hành (Hạ tiểu cầu, rối loạn đông máu nhẹ) thì dùng các bài thuốc cầm máu.
Nếu là thể Can nhiệt động phong (sốt cao co giật, hạ canxi huyết) thì dùng các bài thuốc hạ sốt, chống co giật. Với thể Huyết nhiệt thương âm hay Vong âm thất thủy (thiếu dịch) phải dùng các bài thuốc Tư âm, trong khi ngày nay đơn giản chỉ cần uống Oresol.
Những bài thuốc Tư âm thường kém hiệu quả nếu thiếu dịch nặng hoặc bệnh nhân nôn nhiều thì ngày nay có thể giải quyết đơn giản bằng truyền dịch. Còn Vong âm đến khi đã Thoát dương (tụt huyết áp, sốc hoặc xuất huyết nặng) thì rơi vào Tử chứng: Ngày xưa hầu như chết 100%, còn nay các thầy thuốc có thể giải quyết rất hiệu quả bằng phác đồ bù dịch, truyền máu.
Một thang thuốc mười vị đôi khi cũng ngang bằng một viên Paracetamol
Như vậy, đối với chứng Ôn dịch, với tất cả các phác đồ điều trị Y học cổ truyền cổ điển thì Y học hiện đại đều có phác đồ tương đương. Tuy nhiên việc đi cắt một thang thuốc Đông y đầy đủ 5-10 vị về sắc uống chắc chắn sẽ tốn kém và phiền phức hơn việc uống một viên Paracetamol hoặc pha một gói Oresol. Và đó là hiệu quả tất yếu của các tiến bộ y học.
Nếu muốn sử dụng thuốc Đông y, nên khám tại bác sĩ Đông y hoặc thầy lang chân chính, dùng những bài thuốc theo từng thể bệnh. Ngay cả những trường hợp Y học cổ truyền bó tay như sốc và xuất huyết nặng, thì Y học hiện đại cũng giải quyết được phần lớn số ca.
Bởi vậy trong Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí sốt xuất huyết của Bộ Y tế, cũng chỉ khuyến cáo việc dùng các thang thuốc Đông y để điều trị phối hợp cho những bệnh nhân bị bệnh nhẹ (độ I, độ II), còn trường hợp sốt xuất huyết có diễn biến nặng độ III, độ IV thì bắt buộc phải điều trị bằng Y học hiện đại.
Bệnh sốt xuất huyết giai đoạn sốt thường chỉ kéo dài 3 ngày, giai đoạn hạ tiểu cầu hay thoát dịch cũng thường chỉ trong 2-3 ngày là tự hồi phục. Thực tế là 80%-90% số ca sẽ tự khỏi. Việc điều trị những ca này có thể chỉ đơn giản là uống hạ sốt paracetamol và oresol khá đơn giản và rẻ tiền.
Thế nhưng nhiều người dùng các bài thuốc truyền miệng nhận thấy sau vài ngày cơ thể đã hồi phục thì thường tưởng là nhờ tác dụng của thuốc đó nhưng thực ra là bệnh tự khỏi theo quy luật.
Điều quan trọng nhất trong điều trị sốt xuất huyết là phát hiện sớm những trường hợp có thể diễn biến nặng để được nhập viện điều trị kịp thời, tránh để xảy ra biến chứng nguy kịch có thể tử vong.
Chính vì vậy mỗi người dân chúng ta hãy tỉnh táo, tránh việc like, share (thích và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội) thiếu trách nhiệm và tự ý dùng thuốc bừa bãi. Không có một thang thuốc, vị thuốc nào có thể tốt với tất cả mọi bệnh. Việc lựa chọn thuộc điều trị phải do những thầy thuốc chỉ định trên cơ sở khám xét, xác định từng bệnh, thể bệnh và giai đoạn bệnh cụ thể.
Khi bị bệnh hãy là người bệnh thông thái, dùng thuốc Đông y hay Tây y đều phải thông qua khám xét, xác định từng bệnh lý, thể bệnh. Chớ có đổi sức khỏe và sinh mạng bằng những "bài thuốc linh nghiệm cực kỳ" trôi nổi trên mạng, chẳng ai chịu trách nhiệm.
Về chi phí, với những ca bệnh nhẹ, tiền thuốc hết khoảng 15 viên paracetamol, 10 gói oresol; ước chừng 36 ngàn đồng. Chi phí xét nghiệm tốn hơn chút, 4 lần xét nghiệm công thức máu loại máy tốt hết 40 ngàn đồng/lần = 160 ngàn đồng, nếu cẩn thận làm xét nghiệm NS1 thì hết thêm khoảng 140 ngàn đồng.
Trường hợp nặng mà chữa linh tinh để xảy ra sốc thì chết người, hoặc nếu suy tạng phải hồi sức tích cực thì có thể tốn hàng trăm triệu.
Các bạn chọn đi.