Quốc y đại sư Lôi Trung Nghĩa, một danh y nổi tiếng Trung Quốc dù đã 83 tuổi nhưng ông vẫn rất khỏe mạnh, làm việc nhanh nhẹn, tai thính mắt tinh, chân tay hoạt bát và khuôn mặt luôn rạng rỡ, hồng hào.
Để có được sức khỏe như ông ở độ tuổi ấy không phải nhiều người có được. Tất cả đều nhờ vào những bí quyết chăm sóc sức khỏe tuyệt vời của ông.
Hiếm khi ăn nội tạng động vật hay thịt mỡ
Một trong những bí quyết quan trọng của ông để duy trì sức khỏe dẻo dai và trường thọ, đó chính là việc tuân thủ các nguyên tắc ăn uống khoa học, thường xuyên cân nhắc lựa chọn giữa thực phẩm nên ăn và không nên ăn, cái nào nên ăn ít, cái nào nên ăn nhiều, cái nào tuyệt đối tránh.
Theo đại sư Nghĩa, nội tạng động vật là thứ xưa nay được mọi người gọi là "hạ thủy" (thứ đồ thường bị thả trôi theo dòng nước) như gan lợn, dạ dày bò hay thận các loại động vật…
Tất cả các món nội tạng động vật, trải qua bàn tay nấu nướng khéo léo của con người đều trở thành những món ăn đặc biệt khoái khẩu, thơm ngon, đáng nhớ. Các món ăn gây ấn tượng mạnh như gan xào, lòng luộc, tiết canh, cháo lòng, tràng hấp… được bán phổ biến khắp nơi.
Chúng ta cũng có sự ủng hộ nhiệt tình đối với các món ăn chế biến từ nội tạng động vật. Bạn có bao giờ hỏi tại sao, người dân ở nhiều nước trên thế giới họ không ăn nội tạng không?
Những món ăn càng khoái khẩu lại càng không nên ăn nhiều (Ảnh minh họa)
Tại sao người châu Âu và Mỹ không ăn nội tạng động vật?
"Nhiều người châu Âu và người Mỹ không có thói quen ăn nội tạng động vật, tôi cảm thấy rằng họ có suy nghĩ rằng không thể chấp nhận dùng những thứ "bỏ đi" đó làm thực phẩm ăn uống hàng ngày", đại sư Nghĩa chia sẻ.
Mặc dù trong thời kỳ chiến tranh, nhiều nước đã tận dụng nội tạng để chế biến thực phẩm như một cách tiết kiệm chi phí, nhưng sau đó, họ lại ngay lập tức loại bỏ món ăn này ra khỏi thực đơn vì lo sợ sẽ ăn vào quá nhiều cholesterol, gây hại sức khỏe.
Tất nhiên, một bộ phận nhỏ người châu Âu vẫn ăn nội tạng động vật, nhưng với số lượng tương đối ít, chẳng hạn như người Pháp ăn gan ngỗng còn người Ý thì ăn dạ dày bò.
Tại Nhật Bản, cơ quan lao động và phúc lợi thuộc Bộ y tế đã từng ra lệnh cấm ăn các món từ gan lợn vào tháng 5/2015, lý do là gan lợn tươi có khả năng chứa mầm bệnh hoặc các vi khuẩn nguy hiểm, trong một số điều kiện thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm cụ thể.
Nhật Bản cấm các món từ gan lợn (Ảnh minh họa)
Chúng ta ăn nhiều nội tạng có phải vì quá ngon?
Tất cả mọi thực phẩm dù tốt đến đâu cũng đều có 2 mặt, vì thế, hiểu được lợi ích và nguy cơ khi lựa chọn thực phẩm là việc vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với những người đứng bếp chế biến món ăn. Nội tạng động vật được đánh giá là giàu dinh dưỡng nhưng lại tiềm ẩn nhiều hiểm họa.
1. Giàu dinh dưỡng
Nội tạng (gan, thận) chứa lượng dinh dưỡng phong phú như protein, vitamin B, vitamin A, sắt và các nguyên tố vi lượng khác, và một số món thường có giá cả rẻ hơn (ít nhất là rẻ hơn so với thịt), nếu so sánh thì giá trị dinh dưỡng cao hơn so với với tiền bỏ ra.
2. Giàu chất sắt
Trừ những loại nội tạng động vật có màu sáng như tràng, ruột non, đa số nội tạng đều có màu sẫm hoặc màu đỏ, đặc biệt là gan, thận, tim, lá lách. Những loại nội tàng màu đỏ thẫm này đều rất giàu chất sắt, có thể giúp ích cho những người bị bệnh thiếu máu do thiếu sắt.
3. Giàu vitamin
Trong gan động vật chứa hàm lượng vitamin A đặc biệt cao, nhiều hơn so với các loại thực phẩm khác như sữa, trứng, thịt, cá…, ăn một lượng phù hợp có thể ngăn ngừa bệnh quáng gà và các lợi ích sức khỏe khác.
Gan là trụ sở dự trữ chất dinh dưỡng, vì vậy trong đó có tất cả 13 loại vitamin mà cơ thể con người cần, bao gồm vitamin A, vitamin D, vitamin B2, vitamin B12 với hàm lượng đặc biệt cao.
4. Protein và nguyên tố vi lượng
Hàm lượng protein trong gan được cho là cao hơn thịt lợn nạc. Không những thế, lượng sắt, kẽm, đồng, mangan và các yếu tố vi lượng khác cũng rất phong phú.
(Ảnh minh họa)
Vì là món ăn khoái khẩu nên sẽ "mặc kệ" tác hại?
Nội tạng động vật tuy ngon, rất khoái khẩu và có nhiều dinh dưỡng, nhưng nó cũng là nơi tích tụ các độc tố.
1. Thành phần độc tố cực cao
Chúng ta đều biết rằng gan là nhà máy giải độc của tất cả các loài động vật, nó là nơi sẽ còn tồn dư một độc tố không thể tránh khỏi, chẳng hạn như acid mật. Một khi chế biến không đúng cách, nó rất dễ dàng có thể gây ngộ độc.
Thận cũng là "bộ lọc" cơ thể chúng ta. Trong một báo cáo về vệ sinh an toàn thực phẩm được Tỉnh Hồ Bắc công bố, trong thận chứa các chất kim loại nặng cao hơn gấp 100 lần so với tiêu chuẩn quốc gia cho phép. Điều này cho thấy rằng, chỉ cần ăn một ít món cật thôi cũng đủ để gây họa cho sức khỏe.
2. Hàm lượng cholesterol cao
Một số nội tạng động vật chứa hàm lượng cholesterol khá cao, khi ăn vào cơ thể sẽ dễ dàng kết hợp với các thực phẩm khác để tạo ra một lượng cholesterol dư thừa, từ đó dẫn đến điều kiện để hình thành và phát triển các bệnh liên quan đến tim mạch.
3. Lượng purine cao
Theo thống kê, trong mỗi 100 gram gan, thận, lá lách, tim, não và do đó có hàng trăm miligam purine, được xem là thực phẩm chứa lượng purine cao. Những người bị Gout, bị cholesterol cao và những người có hội chứng chuyển hóa thì không phù hợp để ăn món này.
(Ảnh minh họa)
Đây là món ăn hại nhiều hơn lợi - hãy ăn ít và cẩn thận!
Thứ nhất, mặc dù gan động vật giàu dinh dưỡng, giá cả khá rẻ, nhiều người có thể mua được. Nhưng hiện nay điều kiện sống đã tốt hơn, chúng ta hoàn toàn có thể mua các thực phẩm thay thế các chất tương tự có trong nội tạng động vật thay vì ăn chúng quá nhiều.
Thứ hai, việc nuôi động vật không còn tự nhiên như trước, thay vào đó, đa số người dân nuôi theo hình thức công nghiệp, sử dụng thức ăn chăn nuôi có nhiều hóa chất, phụ gia, tích tụ trong các cơ quan nội tạng. Khi ăn vào có thể gây hại cho cơ thể, ngộ độc hoặc phát sinh các căn bệnh nguy hiểm.
Thứ ba, mặc dù nội tạng động vật có các chất dinh dưỡng phong phú, nhưng lại chứa nồng độ cholesterol đặc biệt cao. Có nhiều người bị bệnh mỡ máu hay các bệnh liên quan đến cholesterol nếu ăn quá mức có thể dẫn đến tổn hại nghiêm trọng sức khỏe tim mạch.
Tất nhiên, quốc y đại sư Nghĩa cho rằng, không phải là khuyên bạn phải kiêng kỵ tuyệt đối, mà chỉ nên ăn một cách có kiểm soát, số lượng ít, và tùy vào tình trạng sức khỏe để chọn món ăn phù hợp.
Khi chế biến cần phải rửa sạch, ngâm nước ít nhất 30 phút rồi lại rửa lại với nước sạch trước khi nấu. Tuyệt đối không ăn các món chín tái hoặc thiếu an toàn khi chế biến.
* Theo Health/Sina