Mỹ đẩy nhanh thành lập NATO Ả Rập
Chính quyền Mỹ đang hành động ráo riết nhằm đẩy nhanh kế hoạch thành lập một khối quân sự mới với cái tên Liên minh chiến lược Trung Đông (Middle East Strategic Alliance MESA) hay còn gọi là "NATO Ả rập".
Ngày 25/9/2018, phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công khai bộc lộ ý tưởng này.
Ông Trump cho biết Liên minh MESA sẽ được thành lập với sự tham gia của 9 nước gồm 9 Mỹ, 6 quốc gia thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC): Ả rập Saudia, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Kuwait, Qatar, Oman, Bahrain cộng thêm Ai cập và Jordan, gọi tắt là các nước GCC+2.
Ngày 28/9/2018, ngay bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã họp với Ngoại trưởng các nước GCC+2 bàn các biện pháp nhằm thúc đẩy nhanh chóng việc tuyên bố thành lập MESA.
Trong khi đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề vùng Vịnh Tim Lenderking đã tiến hành chuyến thăm con thoi đến vùng Vịnh để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-các nước GCC+2 dự kiến sẽ được tổ chức vào 12-13/10/2018 tại Washington.
Việc thành lập một liên minh mới này có thể được công bố chính thức tại Hội nghị này hoặc vào đầu năm tới.
Ý tưởng thành lập NATO Ả rập được nêu ra tại Hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và các nước Hồi giáo ở Ryadh (Thủ đô Ả rập Saudia) tháng 5/2017 trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng thống D. Trump sau khi ông đắc cử và tuyên thế nhậm chức Tổng thống tại Nhà Trắng.
Washington tuyên bố mục đích của Liên minh này là chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Al-Qaeda và các nhóm khủng bố khác.
NATO Ả rập: Một tập hợp các nước đầy mâu thuẫn
Tuy nhiên, bất cứ ai cũng có thể hiểu rằng, mục tiêu đích thực của MESA là nhằm vào Iran bởi vì chống khủng bố đã có một liên minh quốc tế hơn 60 nước và Liên minh Hồi giáo hơn 40 nước được thành lập trước đây. Hơn nữa, IS và các tổ chức khủng bố khác đang bị đánh bại tại Trung Đông.
Chính Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây cũng đã tuyên bố không úp mở về "sự cần thiết phải đối phó với mối đe dọa của Iran đối với an ninh của nước Mỹ và khu vực, MESA sẽ phải đóng vai trò như một thành trì chống lại sự xâm lược của Iran, mang lại sự ổn định cho khu vực Trung Đông."
Đoàn kết các nước Ả rập lúc này, đặc biệt là các nước Ả rập vùng Vịnh vốn đang ở trong tình trạng mâu thuẫn sâu sắc chưa từng có từ trước tới nay không dễ dàng chút nào.
Quan điểm của 8 nước này không đồng nhất trong nhiều vấn đề khu vực cũng như quốc tế, trong đó có cuộc xung đột Palestine-Israel, cuộc khủng hoảng Syria, cuộc nội chiến Yemen.
Quan hệ giữa các nước trong Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) trở nên tồi tệ nhất kể từ khi thành lập năm 1981 đến nay.
Các nước Ả rập Saudia, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Bahrain và Ai cập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar trong một cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh tháng 6/2017.
Quan hệ giữa Mỹ và Ả rập Saudia gần đây cũng đang xuất hiện một số dấu hiệu rạn nứt khi Tổng thống D. Trump tuyên bố "Ả rập Saudia sẽ sụp độ trong vòng một tuần nếu không được Mỹ bảo vệ".
Washington đang gây sức ép để Ryadh phải có các biện pháp hữu hiệu giảm giá dầu. Mỹ cũng tuyên bố sẽ có các biện pháp hết sức cứng rắn chống Ả rập Saudia nếu khẳng định được việc nhà báo Jamal Khashoggi có nhiều bài phê phán chính sách của Hoàng gia mới đây bị giết hại.
Thành lập trên cơ sở chống Iran, NATO Ả rập ít có cơ hội thành công
Mục tiêu chính của Liên minh này là nhằm chống Iran, nhưng Kuwait, Oman và Qatar lại có quan hệ tốt với Iran và không coi Iran là mối đe dọa đối với khu vực. Nhiều nước trong khu vực vẫn cho rằng, Israel mới là nguy cơ lớn nhất đe dọa hoạt bình, an ninh và ổn định của khu vực Trung Đông.
Các nhà quan sát chính trị cho rằng, việc thành lập một liên minh trên cơ sở chống Iran sẽ có rất ít cơ hội thành công, bởi lẽ không phải tất cả các quốc gia thành viên của liên minh này đều sẵn sàng chống Iran.
Ông Doug Bandow, cựu Trợ lý đặc biệt của Tổng thống Ronald Reagan nói: "Để thành lập Liên minh này người ta đã thổi phồng nguy cơ đe dọa của Iran đối với khu vực và Mỹ.
Nếu xem xét tình hình một cách khách quan, rõ ràng những vấn đề thực sự của các nước vùng Vịnh, những thách thức mà họ đang phải đối mặt là do các nguyên nhân nội tại chứ hoàn toàn không phải do Iran."
Cản trở lớn nhất trong việc thành lập MESA không phải gì khác mà chính là những bất đồng giữa một loạt các nước Ả rập với nhau, đặc biệt giữa Ả rập Saudia, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai cập với Qatar.
Các mâu thuẫn này chưa biết đến bao giờ mới giải quyết được. Trong khi đó, ở Qatar lại có căn cừ không quân lớn nhất của Mỹ ở khu vực.
Mặt khác, các nước lớn như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU) có lợi ích to lớn ở Trung Đông cũng như trong quan hệ với Iran chắc chắn sẽ không thể đứng yên trước việc thành lập Liên minh này. Đấy là còn chưa kể đến Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan đang căng thẳng trong quan hệ với chính quyền D. Trump.
Một liên minh mới được thành lập trong bối cảnh như vậy rất khó có thể tìm được đất sống. Liên minh MESA không những sẽ đổ thêm dầu vào lò lửa căng thẳng Trung Đông, làm trầm trọng hơn nữa mâu thuẫn nội bộ giữa các nước Ả rập vốn đã ở trong tình trạng chia rẽ sâu sắc, mà còn khoét sâu thêm hố ngăn cách giữa các nước Ả rập và Iran, nối dài thêm quan hệ thù địch giữa Mỹ với Iran và đẩy khu vực vào nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh mới.
(*) Tiêu đề do tòa soạn đặt.