"Dự án lịch sử"
Mới đây quan chức Ả Rập Saudi đã tiết lộ thông tin cho biết, nước này sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch đào kênh nhằm biến nước láng giềng Qatar thành một quốc đảo. Đây được coi là động thái gây căng thẳng mới nhất trong bối cảnh mâu thuẫn ngoại giao giữa các nước vùng Vịnh.
"Tôi đang nôn nóng chờ đợi các thông tin chi tiết về việc tiến hành dự án đảo Salwa, một dự án lịch sử sẽ làm thay đổi địa lý của khu vực", Saud al-Qahtani, cố vấn cấp cao của Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman đăng tải trên Twitter.
Ả Rập Saudi, UAE, Bahrain và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ thương mại lẫn ngoại giao với Qatar vào tháng 6,2017, cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố và tỏ ra thân thiết với Iran, đối thủ của Riyadh.
Hồi tháng 4, trang mạng ủng hộ chính phủ Ả Rập Saudi Sabq đã đưa tin về kế hoạch này. Theo đó, Riyadh dự tính xây một kênh đào dài 60km và rộng 200m - trải dài dọc theo biên giới của nước này với Qatar.
Một phần của kênh đào, với chi phí xây dựng lên tới 2,8 tỉ riyal (tương đương 750 triệu USD) sẽ được sử dụng để làm cơ sở chứa chất thải hạt nhân.
Theo tờ Makkah, 5 công ty chuyên về thi công kênh đào đã được mời đấu thầu cho dự án và bên thắng thầu sẽ được công bố vào tháng 9.
Kênh đào Hàng hải Salwa sẽ được đào hoàn toàn trong lãnh thổ Ả Rập Saudi và để lại một dải đất khoảng 1km bên cạnh biên giới với Qatar.
Ả Rập Saudi dự tính đào kênh ở biên giới với Qatar. Ảnh: Gulfnews
Thông điệp của Ả Rập Saudi
Trang Sabq khẳng định, dự án này nhằm hướng tới khả năng mở ra những kênh vận tải mới và thúc đẩy du lịch. Tuy nhiên, tờ Gulf News lại đưa tin rằng, dải đất ở biên giới Qatar - Saudi sẽ được dùng để thiết lập một căn cứ quân sự và cơ sở chứa chất thải hạt nhân cho lò phản ứng của Ả Rập Saudi.
Globalnews cho hay, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), đồng minh thân cận của Ả Rập Saudi, cũng sẽ xây một cơ sở chứa chất thải hạt nhân gần với biên giới Qatar nhất có thể.
Trước dòng tweet thể hiện quan điểm ủng hộ dự án kênh đào, ông al-Qahtani cũng tweet lại một số quan điểm cho rằng dự án là một phương án để cô lập Qatar. Trong đó còn có tweet so sánh việc xây dựng kênh đào tương tự như loại bỏ "một khối u ung thư ác tính".
Về mặt kinh tế, kênh đào được cho là sẽ đem về một lượng lớn thương mại và du lịch trên biển ở khu vực ven biển phía Đông của Ả Rập Saudi.
Đây sẽ là nơi xuất hiện các khu biệt thự bãi biển, những bến du thuyền xa hoa, các khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng ở hai bờ và các địa điểm phục vụ du lịch khác. Dự án sẽ đem lại hàng nghìn công việc và trở thành chất xúc tác cho nền kinh tế của Ả Rập Saudi.
Nếu được xây dựng, kênh đào Salwa sẽ trở thành tuyến vận tải trực tiếp và ngắn nhất giữa các cảng biển chính của UAE, Dammam và Bahrain, cho tới Kuwait, Basra, tránh được tuyến hàng hải nhạy cảm giữa Qatar và Iran.
Về mặt chính trị, đây là một bước lùi khổng lồ đối với Qatar, vốn vẫn đam tìm cách xoay xở với mâu thuẫn vùng Vịnh. Kênh đào Salwa của Ả Rập Saudi sẽ cô lập, cắt đứt sự kết nối giữa nước này với lục địa và biến Qatar trở thành một hòn đảo nhỏ. Biên giới trên bộ duy nhất của Qatar cũng sẽ bị đóng chặt.
Sau khi vụ mâu thuẫn bùng phát hồi năm ngoái, biên giới duy nhất trên đất liền của Qatar đã bị đóng cửa, hãng hàng không của nước này bị cấm sử dụng không phận của nước láng giềng và công dân Qatar cũng bị trục xuất từ các nước tẩy chay quan hệ.
Nỗ lực hòa giải do Kuwait và Mỹ dẫn đầu hiện vẫn chưa đạt được thành quả nào khả quan.