Trong cuộc không kích Syria đêm qua rạng sáng nay do Pháp – Israel "bắt tay" thực hiện, một sự việc đáng tiếc đã xảy ra khi một máy bay trinh sát điện tử IL-20 của Không quân Nga đã bị bắn rơi ngoài khơi bờ biển Syria.
Ban đầu, nhiều nguồn tin đồn đoán cho rằng Israel hay Pháp có thể là "thủ phạm" vụ tấn công. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo nửa ngày sau khi xảy ra vụ không kích, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố kết luận sơ bộ khiến thế giới "ngỡ ngàng".
Theo đó, máy bay IL-20 cùng phi hành đoàn đã bị tên lửa phòng không S-200 của Syria bắn rơi vì nhận nhầm là chiến đấu cơ Israel.
"Các phi công Israel đã lợi dụng máy bay IL-20 của Nga làm bức màn che chắn và dàn dựng để bị ngắm bắn bởi tên lửa phòng không Syria. Thật không may, chiếc IL-20 với diện tích phản xạ hiệu dụng radar lớn hơn nhiều so với tiêm kích F-16, vì thế nó đã trúng phải quả đạn tên lửa phòng không S-200 của Syria", đại diện BQP Nga cho hay.
Đây được coi là một thất bại đau đớn đối với Quân đội Nga và Syria, hay có thể nói Tel-Aviv đã "tặng" cho Moscow và Damascus một "vố đau đớn".
Tuy vậy, sự việc đáng tiếc cũng đặt ra dấu chấm hỏi tại sao hệ thống tên lửa S-200 có nguồn gốc từ Nga không nhận diện được chiếc IL-20?
Xuất ngoại, S-200 không nhận "bạn bè" cùng gốc gác
Theo đó, hầu hết các hệ thống tên lửa phòng không trên thế giới hiện nay, không chỉ của Nga mà còn nhiều nước khác đều được trang bị hệ thống phân biệt địch - ta (IFF).
Hệ thống này cho phép các hệ thống thẩm vấn quân sự và dân sự (như điều khiển không lưu) thực hiện xác định máy bay, phương tiện giao thông hoặc lực lượng hiện hữu là thân thiện hay không.
Nó hoạt động theo cách thức xác định mục tiêu đã trả lời đúng mã xác thực truy vấn-phản hồi, không phải là kẻ thù.
Ví như tên lửa phòng không S-200 của Syria, khi nhắm bắn mục tiêu, IFF sẽ "hỏi" mục tiêu xem "bạn có phải quân mình", nếu không trả lời được thì dĩ nhiên sẽ "ăn đòn".
Tên lửa phòng không S-200.
Vấn đề nằm ở đây, tên lửa phòng không S-200 tuy do Liên Xô (cũ) sản xuất và xuất khẩu cho Syria. Khi đó, hệ thống địch - ta sẽ được chỉnh lại để nhận diện các máy bay chiến đấu Không quân Syria, không phải của Nga.
Do vậy, nếu gặp mục tiêu là máy bay Nga không may rơi vào "mắt thần" 5N62, tên lửa S-200 vẫn sẽ tấn công bình thường.
Trong sự cố đáng tiếc IL-20, quả thực Không quân Israel quá giỏi, họ tất nhiên cũng không qua vòng "hỏi - đáp" S-200. Thế nhưng, nhưng lợi dụng việc IL-20 có diện tích phản xạ sóng radar lớn hơn núp sau tránh được vụ tấn công đồng thời đẩy chiếc máy bay trinh sát Nga vào "lưỡi hái thần chết".
Cùng đánh nhưng không báo cho nhau đánh ở đâu?
Ngoài ra, sự cố đáng tiếc này cũng đặt ra dấu hỏi về phối hợp chia sẻ dữ liệu tác chiến giữa Quân đội Nga-Syria.
Hình ảnh mô tả cách mà Israel "gián tiếp hạ" IL-20.
Còn nhớ ngay sau khi xảy ra vụ việc, kênh CNN dẫn nguồn quân sự Mỹ cho hay lực lượng phòng không Syria đã bắn rơi máy bay Nga.
Khi đó, một quan chức Quân đội Syria lập tức "phản pháo" rằng hệ thống phòng không của họ có liên kết (link) với phòng không Nga, không thể có chuyện bắn nhầm.
Vậy điều gì đã xảy ra khi đó? Không loại trừ khả năng phía Nga đã không thông báo cho Syria về đường bay và hoạt động của IL-20.
Trong lúc khẩn cấp, đánh trả lại sự tấn công từ nhiều hướng, kíp trắc thủ S-200 phát hiện mục tiêu đã không ngần ngừ ấn nút bắn tên lửa.
Rõ ràng, sau sự việc này, Nga-Syria cần phải ngồi lại với nhau để cùng bàn về vấn đề "liên kết dữ liệu" giữa hai bên trong tác chiến.
Quả thực, hôm nay là một ngày buồn với phòng không Nga - Syria. Họ đã "chiến thắng" một phần cuộc không kích bất ngờ của Pháp - Israel, nhưng lại mất một chiếc phi cơ tối tân với phi hành đoàn giàu kinh nghiệm.
Đại diện Bộ quốc phòng Nga thông báo kết luận sơ bộ vụ bắn rơi IL-20