Khoai lang là một loại thực phẩm dân dã từ lâu đã có mặt trong bữa ăn của người Việt. Ngày nay, người ta chỉ coi khoai lang như một món ăn chơi mà quên rằng loại thực phẩm này có giá trị dinh dưỡng và dược tính rất cao.
Có nơi còn gọi khoai lang là "sâm nam", ý nói đến sự quý giá của loại thực phẩm dân dã này.
1. Mô tả:
Khoai lang có tên khoa học là Ipomea batatas (L.) Poir. thuộc họ bìm bìm. Khoai lang thực chất là một loại cỏ sống lâu năm thân mọc bò.
Đặc điểm cơ bản của cây khoai lang: Cây dài khoảng 2 - 3m, rễ lớn thành củ có màu đỏ, trắng hoặc vàng. Lá thường có hình tim xẻ 3 thùy nhưng cũng có thể có các hình khác, cuống dài. Hoa màu tím nhạt hoặc trắng.
Khoai lang có quả và hạt nhưng rất hiếm khi gặp.
2. Thành phần dinh dưỡng, dược tính:
Theo Đông y, khoai lang có tính bình, vị ngọt, tác dụng bồi bổ cơ thể, ích khí, cường thận, kiện vị, tiêu viêm, thanh can, lợi mật, sáng mắt. Dùng chữa vàng da, ung nhọt, viêm tuyến vú, phụ nữ kinh nguyệt không đều, nam giới di tinh, trẻ em cam tích, lỵ.
Rau khoai lang vị ngọt, tính bình, không độc, bổ hư tổn, ích khí lực, kiện tỳ vị, bổ thận âm, dùng chữa tỳ hư, kém ăn, thận âm bất túc. Tuy nhiên, cần kiêng kỵ với trường hợp tiêu chảy, viêm dạ dày đa toan, đường huyết thấp.
Khoai lang là loại thực phẩm rất giàu dinh dưỡng. Trong củ khoai lang chứa chủ yếu là thành phần tinh bột (24,6%), 4,17% glucoza.
Khi còn tươi khoai lang có chứa 1,3% protein, 0,1% chất béo, các diattaza, troncos Mn, Ca, vitamin A, B, C, 4,24% tanin, 1,375 pentazan.
Trong ngọn dây khoai lang đỏ có chứa một chất gần giống với insulin. Người bị bệnh tiểu đường có thể dùng ngọn khoai lang này để ăn rất tốt. Tuy nhiên, trong lá già thì không có chất này.
Theo GS Đỗ Tất Lợi và Bùi Tá Hoan, là khoai lang có chứa chất nhựa tẩy khoảng 1,95 - 1,97% vì thế nên có tính chất nhuận tràng.
Cũng theo GS Đỗ Tất Lợi và Bùi Tá Hoan, nước sắc lá khoai lang đem cho chuột uống thấy kết quả nhuận tràng rất rõ rệt. Điều này phù hợp với nhận xét trong nhân dân: Một số lớn người ăn rau khoai lang thường đi đại tiện rất dễ dàng.
Ngoài ra, củ khoai lang cũng có tác dụng nhuận tràng giúp đi phân mềm, không lỏng, không đau bụng.
3. Bài thuốc nhuận tràng, trị táo bón hiệu quả từ khoai lang:
Trong cuốn "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam", GS Đỗ Tất Lợi giới thiệu một bài thuốc chữa táo bón được áp dụng tại một số bệnh viện của Liên Xô cũ.
Bài thuốc khá "lạ" so với thói quen sử dụng khoai lang của người Việt Nam, nghĩa là dùng nước ép củ khoai lang, trong khi người Việt thì quen luộc củ khoai lang và luộc, xào rau khoai lang vừa làm món ăn vừa làm thuốc.
Tuy nhiên, theo GS Đỗ Tất Lợi, bài thuốc có hiệu quả rất rõ ràng.
Bài thuốc như sau:
Rửa sạch củ khoai lang, gọt vỏ, nghiền nát rồi vắt lấy nước. Cho bệnh nhân uống vào buổi sáng sớm lúc còn đói 1/2 cốc to, trước bữa ăn 1/2 cốc nữa.
Hiệu quả: Sau 2 - 3 ngày bệnh nhân khỏi táo bón, một số chỉ khỏi sau 3 - 4 ngày. Nếu có bệnh trĩ thì phải 6 ngày, một số cá biệt 12 - 20 ngày mới khỏi.