Trẻ con rất hay mắc những bệnh ngoài da và bệnh hô hấp, điển hình như ho, cảm lạnh, ngứa, nổi ban...
Vì nghĩ rằng đây là những bệnh thông thường nên cha mẹ thường ra hiệu thuốc để mua thuốc điều trị nhanh chóng.
Thậm chí, nếu thấy thuốc nào chữa nhanh khỏi, cha mẹ sẽ tự động "áp dụng" cho những lần sau nếu bệnh của con tái phát. Thế nhưng, thói quen này của cha mẹ có thể lại dẫn đến hại con mình.
Ngày nay, rất nhiều loại thuốc dành cho trẻ em được bào chế thêm thành phần corticoid và codein.
Đây là 2 thành phần thuốc có thể đem lại nhiều hiệu quả chữa bệnh nhưng nếu dùng không đúng hoặc lạm dụng lại có thể gây ra không ít tác dụng phụ, thậm chí đe dọa tính mạng của người dùng.
Thuốc chứa codein không được dùng cho trẻ dưới 2 tuổi
Vừa qua, Cơ quan quản lý dược phẩm Châu Âu yêu cầu thắt chặt việc sử dụng thuốc chứa codein trị ho và cảm lạnh ở trẻ do các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến hoạt chất này.
Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu đưa ra khuyến cáo, chống chỉ định codein cho trẻ dưới 12 tuổi.
Tại Việt Nam từ năm 2013 Bộ Y tế đã khuyến cáo chống chỉ định dùng thuốc này với trẻ dưới 18 tuổi vừa thực hiện thủ thuật cắt amidan, và/hoặc nạo VA; thận trọng khi sử dụng cho trẻ dưới 12 tuổi và phụ nữ cho con bú.
Theo tờ The Guardian, y văn thế giới ghi nhận có 4 trường hợp tử vong do ngộ độc codein ở lứa tuổi từ 17 tháng đến 6 tuổi.
Vì thế, Cơ quan Quản lý Dược châu Âu khuyến cáo các bậc cha mẹ nên dừng việc sử dụng codein cho trẻ ở bất kỳ lứa tuổi nào và cần đến bệnh viện khi có biểu hiện thở chậm và ngắn, ngủ li bì, táo bón, biếng ăn...
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thuốc ho chứa codein - chế phẩm của thuốc phiện có thể dùng cho người lớn nhưng không được dùng cho trẻ dưới 2 tuổi.
Codein có tác dụng giảm đau là chính, ngoài ra có tác dụng giảm ho do tác động trực tiếp lên trung tâm ho ở hành não.
Thuốc có thể gây nghiện nếu dùng kéo dài và một số trường hợp gây ức chế hô hấp nếu dùng quá liều. Vì vậy không nên dùng thuốc để giảm ho ở trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi.
Vì thế, không nên dùng cho trẻ dưới 2 tuổi và những trường hợp bệnh nặng có ứ đọng nhiều đờm dãi.
Độc tính ở thuốc thấp nhưng nếu dùng liều cao có thể gây ức chế hô hấp do ức chế hệ thần kinh trung ương, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm.
Không chỉ có mặt trong các loại thuốc ho, thành phần codein còn có trong một số sản phẩm thuốc tăng cường trí nhớ.
Và trường hợp lạm dụng thuốc tăng cường trí nhớ có chứa codein của một số học sinh trên địa bàn TPHCM năm 2012 là minh chứng rất rõ cho những tác dụng phụ của thuốc.
Nó gây nhiều tác hại đến sức khỏe như: ngủ gật, nghiện thuốc, mệt mỏi, uể oải…
Chính vì vậy, mới đây, Cục Quản lý dược đã có văn bản gửi Sở Y tế TPHCM đề nghị tăng cường hướng dẫn sử dụng thuốc trên địa bàn thành phố.
Các cơ sở bán lẻ thuốc phải thực hiện việc tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hợp lý; dùng thuốc phải đúng chỉ định, đúng liều và đúng thời gian điều trị.
Cha mẹ cần thận trọng khi dùng thuốc cho trẻ (Ảnh minh họa)
Hạn chế dùng thuốc có chứa corticoid cho trẻ dưới 1 tuổi
Trước đây, chúng ta đã biết tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) đã tiếp nhận một trẻ 2 tháng tuổi bị hoại tử đầu ngón tay, phải phẫu thuật cắt bỏ phần hư chỉ vì người thân mua kem chứa thuốc corticoid thoa mụn nước trên da.
Theo BS CKII Vũ Vân Anh, corticoid là thuốc rất quý do có tác dụng chống viêm , chống dị ứng, ức chế hệ miễn dịch.
Corticoid dùng để chống viêm, giảm đau, trị các bệnh xương khớp, các bệnh tự miễn, dị ứng ngoài da và hệ hô hấp (biểu hiện là hen suyễn nặng), bệnh suy tuyến thượng thận.
Ngoài ra, thuốc này hay dùng bôi ngoài da chứa dược chất chống viêm, nên nếu dùng đúng chỉ định có thể chữa khỏi một số bệnh ngoài da khó trị.
Tuy nhiê, việc điều trị corticoid cần phải tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ. Việc dùng corticoid phải đặc biệt lưu ý, nếu bôi lâu ngày trên da sẽ làm teo da, rạn da, da dễ bị nhiễm trùng do mất sự đề kháng.
Nếu bôi lên mặt lâu ngày hoạt chất này có thể thấm qua da vào máu gây tác dụng toàn thân.
Ngoài ra, thuốc corticoid có các tác dụng phụ nguy hiểm khác khá nhiều người chưa biết đến như làm loãng xương, tăng huyết áp, gây huyết khối làm nghẽn mạch, có thể gây loét dạ dày, làm giảm sự đề kháng của cơ thể dễ dẫn đến nhiễm trùng.
Đặc biệt, nếu dùng corticoid trong thời gian dài sẽ có nguy cơ teo tuyến thượng thận.
Bởi lẽ, tuyến này quen với tình trạng có thuốc trong cơ thể sẽ ngưng hoạt động, không còn duy trì chức năng nội tiết và như thế là rất nguy hiểm, BS Vân Anh cho biết thêm.
Trẻ 1- 2 tuổi thường mắc chứng chàm sơ sinh, ngứa do dị ứng, hăm kẽ háng và nách…
Khi bôi các loại thuốc chứa corticoid sẽ có tác dụng rất nhanh, tuy nhiên, cũng có thể kéo theo nhiều tác hại nguy hiểm nếu dùng lâu như: Teo da, rạn da, giãn mao mạch, chậm liền vết thương, bùng phát nhiễm nấm, nhiễm khuẩn, loạn thần, đục thủy tinh thể, chậm lớn, nấm miệng, viêm tụy, suy giảm miễn dịch…
Vì vậy, các bậc cha mẹ cần hạn chế dùng các loại thuốc có chứa corticoid với trẻ dưới 1 tuổi, trẻ sơ sinh và nhũ nhi. Trong trường hợp phải dùng thuốc thì chỉ nên dùng loại có hoạt tính nhẹ, không bôi thuốc quá 7 ngày.
Những trẻ mắc bệnh lao phổi, đái tháo đường, tăng huyết áp, đục thủy tinh thể, động kinh, rối loạn tâm thần, còi xương, loãng xương, viêm loét dạ dày - tá tràng, béo phì, hạ kali máu, hạ calci máu... tuyệt đối không dùng thuốc chứa corticoid.
Khi cần sử dụng thuốc có chứa corticoid cho trẻ nhất thiết phải được bác sĩ khám bệnh kê đơn .
Trong thời gian dùng thuốc chứa corticoid theo đơn bác sĩ, cha mẹ vẫn phải theo dõi hàng ngày, nếu có tai biến phải dừng thuốc ngay và đến bác sĩ khám lại.