Trung Y cho rằng cam có tác dụng nhuận phế, khỏi ho, tiêu đờm, kiện tỳ, thuận khí, giải khát và nhiều công hiệu thần kỳ khác.
Đặc biệt, loại trái cây này còn được mệnh danh là “thức quả thượng thừa” vô cùng tốt cho người lớn tuổi bị viêm phế quản cấp và mãn tính hoặc những đối tượng mắc các bệnh về tim mạch.
Một loại quả - năm vị thuốc
Thịt quả: Sở hữu vị chua ngọt, tính mát, thịt quả cam không chỉ có hương vị thơm ngon mà còn giúp khai thông khí huyết, khỏi ho, nhuận phế.
Đồng thời, đây cũng là bài thuốc giải rượu, trị nôn, chữa miệng khô, lưỡi khô, ho khan cùng nhiều chứng bệnh khác.
Sở hữu hàm lượng dinh dưỡng quý giá, thịt quả cam không đơn thuần là món ăn ngon miệng mà còn trở thành một vị thuốc Trung y. (Ảnh minh họa)
Nhờ hàm lượng cao vitamin B1, vitamin P, thịt quả cam được dùng để hỗ trợ điều trị bệnh tăng lipid trong máu, xơ vữa động mạch cùng một số chứng bệnh về tim mạch.
Đặc biệt, nomilin có trong “thịt” của loại trái cây này là chất chống ung thư hiệu quả giúp ngăn ngừa ung thư dạ dày.
Vỏ cam xanh: Lớp vỏ màu xanh bao bọc bên ngoài quả cam còn xanh là một vị thuốc Trung y được biết tới với tên gọi “thanh bì”.
Thanh bì tính ôn, vị cay, đắng, giúp thông gan, thông khí, tiêu đờm. So với vỏ cam chín, loại vỏ xanh này có công dụng mạnh hơn, thường dùng khi khí gan uất trệ, ngực sưng, ngược sườn đau…
Vỏ cam chín: Được biết tới với tên gọi “trần bì”, vỏ cam chín là một vị thuốc tốt với tính ôn, vị cay, đắng.
Trần bì là một vị thuốc Trung y quen thuộc với nhiều công dụng nổi bật. (Ảnh: nguồn internet).
Trần bì có tác dụng lưu thông khí huyết, kiện tỳ, tiêu đờm, khỏi ho, ho khan có đờm lạnh, đồng thời trị giảm thiểu các tật bệnh về tiêu hóa như biếng ăn, nôn mửa, ợ hơi, nấc, tiêu chảy, ngộ độc cua, cá…
Hạt cam: Có vị đắng the, tính bình, quất hạch (tên khác của hạt cam) thường được dùng làm thuốc lưu thông khí huyết, giảm đau (đau tinh hoàn, đau thoát vị, đau lưng…) và tiêu viêm.
Xơ cam: “Quất lạc” (tên khác của xơ quýt) có vị đắng, cay, tính bình, giúp hành khí, thông kinh lạc, tiêu đờm, chủ trị đờm kết, chữa ho, ngực sườn trướng tức.
Những lưu ý cần nhớ khi ăn cam
Mặc dù có nhiều công dụng, nhưng cam không phải là loại trái cây có thể ăn tùy tiện.
Không nên ăn vào trước bữa ăn hoặc lúc đói: Bên trong thịt cam có chứa nhiều acid hữu cơ, dễ gây kích thích niêm mạc dạ dày. Do đó, nếu ăn cam vào trước lúc ăn cơm hoặc khi đang đói có thể làm tổn thương dạ dày.
Không ăn cùng sữa tươi: Protein trong sữa tươi sẽ phản ứng với acid cùng vitamin C trong cam và kết tủa, gây ra hiện tượng trướng bụng, đau bụng, đi tả và ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tiêu hóa, hấp thu.
Vì vậy, mọi người lưu ý không nên uống sữa trong vòng 1 giờ trước và sau khi ăn cam.
Không thích hợp cho người “âm hư”: Chứng âm hư có các biểu hiện lâm sàng chủ yếu là thể trạng gầy còm, miệng ráo, họng khô, chóng mặt mất ngủ, ra mồ hôi trộm…
Trung y cho rằng cam tính ôn, ăn nhiều dễ “hỏa vượng” (bốc hỏa), những người bị âm hư, dương thịnh ăn vào dễ bị lở miệng, khô miệng, đau họng, táo bón và nhiều triệu chứng khác.
Bởi vậy, các người “âm hư” không nằm trong danh sách các đối tượng được khuyến khích ăn cam.
Trẻ em không nên ăn quá nhiều: Việc ăn nhiều cam có thể dẫn tới tình trạng nóng trong ở trẻ. Nếu phát hiện cơ thể có các triệu chứng như viêm lưỡi, viêm nha chu, viêm họng, các em nên dừng ăn cam từ 1-2 tuần.
* Theo Sina Health