Mô tả:
Cây sung có tên khoa học là Ficus Glomerata Roxb. var. chinagonga (Mig.) là loại cây thân gỗ lớ, mọc nhanh, thuộc họ dâu tằm. Cây sung thường mọc hoang ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới tại những nơi đất ẩm như ven bờ sống, suối, ao hồ...
Theo GS Đỗ Tất Lợi, sung là loại cây to, không có rễ phụ. Lá cây hình mũi giáo, đầu lá nhọn, phía cuống hơi tròn hơn. Lá sung thường bị sâu Psyllidae ký sinh gây ra những mụn nhỏ gọi là vú sung.
Quả sung thuộc loại quả giả, do đế hoa tự tạo thành. Quả giả mọc từng nhóm trên thân cây và trên những cành to không mang lá, khi chín có màu đỏ nâu, hình quả lê, dài 3cm, rộng 3 - 3,5cm, mặt quả phủ lông mịn, cuống ngắn.
Cây sung mọc hoang và được trồng rất nhiều ở Việt Nam. Người ta sử dụng sung làm thực phẩm và làm thuốc chữa bệnh.
Thành phần và dược tính:
Trong 100g quả sung có chứa 1g protein, 0,4g chất béo, 12,6g đường, 49mg Ca, 23mg P, 0,4mg Fe, 0,05mgcaroten, 12,3g dẫn xuất không protein, 3,1g khoáng toàn phần.
Theo Đông y, quả sung có tính bình, vị ngọt, có tác dụng kiện tỳ thanh tràng (tăng cường tiêu hóa, sạch ruột), tiêu thũng, giải độc, có thể sử dụng chữa viêm ruột, kiết lị, bí đại tiện, trĩ, đau họng, mụn nhọt, mẩn ngứa…
Lá sung có vị ngọt, hơi đắng, tính bình, có tác dụng giải độc, tiêu thũng, có thể dùng chữa trị sưng thũng, lở loét ngoài da.
Một số công dụng quý của quả sung:
- Ngăn ngừa nhiều bệnh ung thư:
Trong y học cổ truyền có hướng dẫn nhiều cách sử dụng nhựa của quả sung làm thuốc. Muốn lấy nhựa sung, người ta băm thân cây, hứng lấy nhựa.
Y học hiện đại cũng nghiên cứu về nhựa sung và thấy rằng loại dược phẩm này có tác dụng ức chế sự phát triển của nhiều loại tế bào ung thư như ung thư mô liên kết, ung thư vú tự phát, sarcoma hạch bạch huyết... Loại nựa này còn có thể làm chậm quá trình di căn của tế bào ung thư.
Bên cạnh đó, sung là loại quả chứa rất nhiều pectin - một loại chất xơ hòa tan.
Chất xơ này giúp làm sạch hệ tiêu hóa, dọn dẹp các cholesterol dư thừa ra khỏi cơ thể, kích thích loại bỏ các gốc tự do và các chất độc hại gây ung thư, đặc biệt trong ruột kết. Đồng thời nó làm tăng chuyển động của ruột giúp ruột hoạt động tốt hơn.
Nhờ vậy, việc ăn quả sung thường xuyên sẽ giúp bạn ngăn ngừa được bệnh ung thư vùng bụng, nhất là ung thư ruột kết.
Nguồn chất xơ này còn có tác dụng cân bằng nội tiết tố ở phụ nữ, chống lại các gốc tự do của các chất oxy hóa, do đó nó có tác dụng bảo vệ chống lại ung thư vú, nhất là khi phụ nữ đang trong thời kỳ sau mãn kinh.
- Ngăn ngừa tăng huyết áp
Cũng như chuối, sung rất giàu kali. Điều này rất tốt cho người muốn làm hạ huyết áp và ngăn ngừa nguy cơ tăng huyết áp gây hại cho sức khỏe của mình.
Khi con người nạp vào cơ thể quá nhiều natri dưới dạng muối ăn, điều này sẽ làm thiếu hụt kali dẫn đến hiện tượng huyết áp tăng cao. \Việc ăn trái sung đều đặn hàng ngày sẽ giúp bù đắp lại lượng kali giúp ổn định huyết áp.
- Tốt cho tim mạch:
Trong trái sung có chứa một lượng không nhỏ các chất phenol, omega-3 và omega-6 là những axit béo có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành.
Lá sung có tác động đáng kể tới chất béo trung tính trong cơ thể - một loại chất béo gây ra các bệnh về tim.
Vì thế việc sử dụng 2 bộ phận này của cây sung thường xuyên sẽ giúp ích cho sức khỏe tim mạch của bạn.
- Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường:
Sung là loại quả giàu kali, vì thế có thể giúp người bệnh tiểu đường điều chỉnh lượng đường được hấp thụ vào cơ thể, giảm lượng đường được hấp thụ vào máu, giúp ổn định lượng đường huyết.
Hơn nữa, lượng chất xơ hòa tan (pectin) có trong quả sung có thể thúc đẩy chức năng kiểm soát bệnh tiểu đường.
- Tốt cho hệ thống xương:
Sung rất giàu canxi và phốt pho - những thành phần quan trọng tốt cho sự phát triển của xương và giảm nguy cơ loãng xương.
Phốt pho là loại chất không phải loại thực phẩm nào cũng có, mà chất này lại cực kỳ quan trọng để thúc đẩy sự hình thành và tái sinh xương ngay khi hệ thống xương gặp thương tổn hay suy thoái.