Các nhà nghiên cứu Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ (MIT) đã sử dụng kỹ thuật quay video với hiệu ứng những hành động được làm chậm (slo-mo video) để tìm hiểu mỗi cú hắt hơi sẽ truyền bao nhiêu vi khuẩn.
Hắt hơi vốn là cơ chế bảo vệ đường hô hấp trước các phần tử lạ xâm nhập qua đường mũi. Nó bắt đầu ở cuống họng, tiếp đó đẩy ra tới tận 2.000-5.000 giọt ra ngoài với tốc độ lên tới 160 km/h và đi xa tới 1,5-2m.
"Đáng lo ngại là những giọt nước li ti chứa khoảng 100.000 vi khuẩn này sẽ ngưng tụ, tạo thành một đám mây lơ lửng vô hình.
Chúng sẽ bay trong không khí, phát tán vi khuẩn ra xung quanh. Vì thế, nếu người bị cảm cúm hắt hơi, rất có thể bạn sẽ bị lây" - Bà Lydia Bourouiba, nhà nghiên cứu của MIT cho biết.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học phát hiện hệ thống thông gió ở các văn phòng điều hòa không khí trên máy bay đóng một vai trò lớn trong việc truyền virus gây bệnh từ việc hắt hơi tưởng chừng vô hại.
"Đây là một điểm mù chính khi thiết lập các chính sách phòng chống và kiểm soát sức khỏe cộng đồng, đặc biệt khi đưa ra các biện pháp cấp bách mỗi khi xuất hiện một dịch bệnh nào đó", Bà Lydia Bourouiba cho biết thêm.
Phát hiện này sẽ giúp các nhà kiến trúc sư cẩn trọng khi thiết kế hệ thống điều hòa không khí trong văn phòng, bệnh viện và máy bay, để giảm bớt nguy cơ truyền bệnh trong không khí.