Nếu cứ ăn vô tội vạ thứ này, đường ra nghĩa địa rất "ngọt ngào"!

Ngọc Thảo |

Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo: đàn ông không nên dùng quá 37g đường mỗi ngày và mức đường an toàn với phụ nữ là không quá 25g.

Đường rất quan trọng với sức khỏe của con người và đặc biệt là với não bộ. Chúng ta cần gluco cho quá trình suy nghĩ, và cần nhiều năng lượng để nuôi dưỡng ngàn tỉ tế bào trong cơ thể.

Tuy nhiên, không phải bất kì dạng thức nào của đường đưa vào cơ thể cũng đều tốt, thậm chí nếu không cẩn thận, sẽ còn gây ra những hậu quả khôn lường tới sức khỏe.

Đường gây nghiện

Đây là một khái niệm còn khá mới mẻ ở Việt Nam, nhưng đã quá phổ biến ở phương Tây. Thậm chí tại Mỹ, "cai nghiện đường" (Sugar Detox) còn là một trào lưu giảm cân được đông đảo chị em phụ nữ áp dụng.

Nữ tác giả Diane Sanfilippo đã kiếm bộn tiền nhờ tái xuất bản bộ sách best-seller liên quan đến vấn đề này.

Đúng vậy, đường gây nghiện!

Khi bạn uống một ngụm nước ngọt có ga, một viên kẹo béo hay một miếng bánh, não bộ bạn sản sinh ra một chất gọi là dopamine, liên quan đến hệ thống tưởng thưởng của hệ thần kinh.

Điều này cũng tương tự như những người sử dụng rượu, bia, chất kích thích gây nghiện khác như nicotine trong thuốc lá hay cần sa, thuốc phiện...

Tuy không mạnh bằng các chất trên nhưng đường cũng khiến não bộ sản sinh ra dopamine, đòi hỏi cơ thể luôn phải có cảm giác "được thỏa mãn". Chỉ 1 đến 2 giờ sau khi ăn ngọt, lượng đường nhanh chóng sụt đi.

Nguy hiểm hơn nữa là, bạn càng ăn nhiều đường, dopamine không giảm đi, khiến cơ thể bạn luôn cần cảm giác "đã" chỉ có được khi ăn đường, khiến bạn chỉ muốn cầm một lon coca uống ngay lập tức.

Đó chính là lí do vì sao có những người thường xuyên thèm ngọt, và luôn thấy không đủ "đô" khi ăn đường.

Cách đường gây nghiện cho não bộ và cơ thể chúng ta

Nghiện đường gây bệnh

Có nhiều dạng đường mà bạn thường thấy trên các bao bì sản phẩm dưới đây như glucose, dextrose, fructose, galatose, maltose, lactose, starch... tất cả đều là carbohydrate đơn - kẻ thù số một của người béo phì và tiểu đường tuýp 2.

Bởi carbohydrate đơn được đưa vào cơ thể, chúng bị tiêu hóa quá nhanh gây ra thay đổi đột ngột đường huyết và insulin.

Uống hết 1 lon nước ngọt khoảng 330ml, thường bạn sẽ nạp vào cơ thể gần nửa lạng đường, 167kcal tương đương với 60 phút tập yoga hoặc đi bộ nhanh.

Nếu bạn không tập thể thao, chuyện gì sẽ xảy ra? Chắc chắn cơ thể bạn sẽ tích mỡ, và đó không chỉ là mỡ tại các vùng mông, bụng, đùi, mà còn là mỡ phủ tạng.

Theo tờ The American Journal of Clinical Nutrition, việc tiêu thụ nước ngọt thường xuyên làm tỉ lệ mắc bệnh mỡ gan và tỉ lệ giảm mật độ xương tăng hơn 100%.

Một nghiên cứu của trường Y tế Công Harvard cho biết: "Người tiêu thụ đồ uống có đường hàng ngày có nguy cơ mắc tiểu đường cao hơn tới 26% so với người chỉ uống mỗi tháng một lần".

Khi tiêu thụ quá nhiều đường, vô tình bạn đã đẩy cơ thể vào tình trạng "Kháng Insulin", nguyên nhân của Tiểu đường tuýp 2 và bệnh Alzheimer cùng các chứng mất trí nhớ khác.

Những biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường.
Những biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường.

Bệnh tim và cái chết "ngọt ngào"

Nếu như mắc tiểu đường, bạn vẫn còn nhiều thời gian để điều chỉnh chế độ ăn để "sống chung với lũ". Nhưng thời gian sẽ là không thể đoán trước nếu như bạn mắc bệnh tim mạch và huyết áp.

Chỉ cần một cơn đau tim, đột quỵ thôi đã có thể khiến bạn không thể nào tỉnh dậy vào sáng ngày hôm sau.

Theo báo cáo của tổ chức y tế thế giới, chỉ riêng năm 2012, trên thế giới đã có hơn 17,5 triệu người chết vì đau tim, đột quỵ và các biến chứng liên quan tới các bệnh tim mạch và xơ vữa động mạch.

WHO khuyến cáo các bệnh nhân tiểu đường, nếu đường huyết lên cao sẽ làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ, bởi vậy nên rất cần kiểm soát carbonhydrate đưa vào cơ thể.

Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Association) khuyến cáo chung: đàn ông không nên dùng quá 9 thìa tương đương 37g đường mỗi ngày và mức đường an toàn với phụ nữ là không quá 25g.

Hãy cùng xem thống kê lượng đường có trong 330ml các loại nước ngọt đóng chai/đóng lon/đóng hộp dưới đây:

Cocacola: 36,3g
Trà C2: 33- 46,2g
Nước tăng lực Number 1: 40g
Milo: 51g
Trà Nestea: 46,2g
Nescafe: 29,7g
Nước cam ép: 43,5g
Nước cam có tép: 42,9g
Nước điện giải Isotonic 7up: 27g

Đường, tất nhiên rất cần cho cơ thể, nhưng cũng có nhiều nguy cơ gây hại tới sức khỏe nếu như sử dụng không hợp lý.

Một trong những thức uống khiến chúng ta khó kiểm soát lượng đường nạp vào cơ thể nhất chính là thức uống đóng chai, vì chỉ 1 chai thôi có thể đã vượt ngưỡng đường tối đa theo khuyến cáo chung.

Bởi vậy, để sử dụng đượng sao cho có lợi nhất với sức khỏe, bạn hãy nghiêm túc kiểm soát thói quen ăn ngọt của mình trước khi những nguy cơ trên gõ cửa nhà bạn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại