Loại bỏ ngay những tác nhân gây bệnh hen suyễn cho trẻ

Hen suyễn là bệnh mạn tính đi kèm với tình trạng hẹp và quá nhạy cảm của phế quản dẫn đến các triệu chứng khò khè, khó thở, nặng ngực và ho, thường xảy ra vào ban đêm và sáng sớm.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỉ lệ trẻ em mắc bệnh hen suyễn ngày càng gia tăng, hiện có khoảng 300 triệu bệnh nhân bị hen suyễn trên toàn cầu. Riêng ở trẻ em, tỉ lệ tăng gấp đôi người lớn, trẻ dưới 15 tuổi là 10%, trẻ dưới 2 tuổi là 20%. Tại TP HCM, năm 2003 có 21,9% số trẻ bị hen suyễn và liên tục tăng những năm gần đây.

Dấu hiệu nhận biết

Theo BS Huỳnh Minh Thẩm, Khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), hen suyễn là bệnh mạn tính của đường dẫn khí (hay còn gọi là phế quản). Viêm mạn tính đi kèm với tình trạng hẹp và quá nhạy cảm của phế quản dẫn đến các triệu chứng khò khè, khó thở, nặng ngực và ho, đặc biệt thường xảy ra vào ban đêm hay sáng sớm. Bệnh suyễn ở trẻ em hình thành do yếu tố di truyền và những tác nhân bất lợi từ môi trường. Không như nhiều người nghĩ, bệnh hen suyễn hoàn toàn không lây. Tuy nhiên, bệnh thường dễ khởi phát và gia tăng vào mùa lạnh nên cha mẹ cần lưu ý điều này để có biện pháp chăm sóc tốt.

Loại bỏ ngay những tác nhân gây bệnh hen suyễn cho trẻ 1

Cần đưa trẻ đến bệnh viện khi thuốc cắt cơn không có tác dụng hoặc có tác dụng ngắn, trẻ vẫn còn khó thở. Trong ảnh: Bệnh nhi được khám tại Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM

Theo BS Trần Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), cần nghĩ đến khả năng trẻ mắc bệnh hen suyễn khi thấy trẻ ho nhiều lần (đặc biệt về đêm), khò khè, khó thở xuất hiện nặng hơn khi trẻ tiếp xúc với các yếu tố khởi phát như thay đổi thời tiết, khi trẻ gắng sức... Có khi trẻ bệnh chỉ biểu hiện bằng những cơn ho về đêm, nhiều đến mức làm trẻ không ngủ được mà không hề có triệu chứng nào khác trong khi ban ngày lại hoàn toàn bình thường.

Đây là thể khác biệt của bệnh và thường bị bỏ sót, một số nhà chuyên môn thường gọi đây là hen dạng ho. Cần chú ý triệu chứng khò khè trong hen suyễn vì đây là triệu chứng được quan tâm nhiều nhưng lại rất dễ nhầm với các triệu chứng của tình trạng ngạt mũi . Trường hợp trẻ nhỏ dưới 2 tuổi có triệu chứng ho, khò khè, khó thở ít nhất 3 lần/ngày cũng cần nghĩ ngay đến suyễn kể cả khi gia đình không có tiền sử bệnh suyễn, dị ứng.

Tránh yếu tố nguy cơ

Theo BS Tuấn, cho tới nay, trên thế giới, cả đông và tây y, chưa có một liệu pháp nào có thể điều trị dứt điểm bệnh hen suyễn. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát tốt nếu có biện pháp phòng ngừa, tránh các yếu tố nguy cơ làm khởi phát cơn suyễn như: không hút thuốc lá trong nhà và nơi gần trẻ; không để những chất nặng mùi trong nhà; tránh dùng các loại thuốc xịt (nước hoa xịt phòng, thuốc xịt muỗi…); tránh lông chó mèo, côn trùng, khói nhang, khói bếp, bụi bặm…; không cho trẻ vận động liên tục trong một khoảng thời gian dài.

Khoảng 5%-10% bệnh nhân bị suyễn là do thức ăn vì thế cần chú trọng đến cách ăn uống ở trẻ. Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Cần cho trẻ ăn dặm đúng cách, không nên cho ăn nhiều loại thức ăn cùng lúc. Cẩn trọng với những loại thức ăn dễ dị ứng, đặc biệt là các loại hải sản có vỏ cứng như tôm, cua, ghẹ, ốc, sò… vì những thức ăn này thường gây dị ứng chéo, nghĩa là nếu ăn cua bị dị ứng thì ăn tôm cũng sẽ dị ứng. Nơi ngủ của trẻ cần được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp, không nên trải thảm. Không nên để trẻ chơi thú nhồi bông cũng như không cho thú vật vào nơi trẻ ngủ. 

“Với hen suyễn ở trẻ em thì vai trò của cha mẹ là rất quan trọng. Cha mẹ phải như bác sĩ trong nhà, luôn quan tâm chăm sóc cho con, hỗ trợ về mặt tâm lý và thường xuyên theo dõi tình trạng bệnh của con” (BS Trần Anh Tuấn).

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại