Trước đến nay người ta vẫn thường nghĩ quất hồng bì chỉ là món quà “ăn chơi” cho trẻ nhỏ mà ít biết đến tác dụng chữa bệnh của nó.
Mô tả cây
Quất hồng bì hay còn có các tên gọi khác là giổi, hoàng bì, quất bì,...Nó có tên khoa học là Clausena lansium, thuộc loài cây mộc có quả.
Quất hồng bì là cây bản địa thuộc vùng Đông Nam Á và Hoa Nam. Cây cao từ 3 - 8m, lá nhẵn, xanh thẫm, chiều dài lá khoảng 30 - 35cm.
Hoa quất hồng bì màu trắng có tầm 4 - 5 cánh mọc thành chùm ở đầu cành, hoa thưởng nở vào tháng 3.
Quả quất hồng bì khi non có màu xanh đến vàng, khi chín màu vàng đậm đến vàng tối gần như màu nâu, vỏ mỏng, có lông tơ. Quả ăn được dài từ 2 - 3cm, ít thịt, khi ương vị chua, chín đậm vừa chua vừa ngọt. Bên trong có từ 3 - 5 hột.
Quả chín có thể dùng làm mứt hay chưng cất rượu để làm thuốc.
Trong Y học cổ truyền quất hồng bì được dùng từ rễ đến hạt để làm thuốc.
Bác sĩ Nguyễn Thị Nga
Theo y học cổ truyền, lá hồng bì có vị đắng và cay, tính bình; có tác dụng hạ nhiệt, làm long đờm; thường dùng trị cảm mạo, nhiễm lạnh, hạ sốt.
Nhân dân còn dùng lá nấu nước gội đầu cho sạch gàu, trơn tóc và nấu nước xông chữa thấp khớp.
Rễ và hạt có vị đắng và cay tính hơi ấm; có tác dụng giảm đau, lợi tiêu hóa, tiêu phù;
Thường dùng trị đau dạ dày, đau thượng vị, đau bụng kinh, tiêu hóa kém;
Quả có vị ngọt và chua, tính hơi ấm; có tác dụng chữa ho, long đờm kích thích tiêu hoá, chữa nôn mửa,…
Theo Sức khỏe đời sống
Tác dụng chữa ho của quất hồng bì
Trong điều trị ho người ta thường dùng quả quất hồng bì. Bởi vỏ quất hồng bì giàu vitamin và chất xơ, hạt có vị đắng và cay tính hơi ấm.
Cả quả hồng bì có tác dụng chữa ho long đờm, làm ấm cổ họng, giảm cơn đau, co thắt,…
Bài thuốc chữa ho từ quất hồng bì:
Nguyên liệu:
- 4-5 quả hồng bì tươi
- Đường phèn
Cách làm:
Cho quất hồng bì với đường phèn vào cái chén nhỏ rồi hấp cách thủy đến khi mềm. Chia làm 3 bữa trong ngày để ngậm và ăn. Nếu ho nặng (người lớn) có thể dùng lượng gấp đôi.
Trường hợp ho gà dùng bài thuốc:
Nguyên liệu:
-10g quả hồng bì
- 10g vỏ rễ dâu
- 10g cam thảo
Cách làm:
Cho tất cả các nguyên liệu trên với lượng nước vừa phải sắc uống trong ngày. Dùng liên tục từ 5 - 7 ngày.
Bạn cũng có thể dùng siro quất hồng bì với đường phèn để làm thuốc chữa ho dự trữ trong nhà để vì quất hồng bì chỉ có từ khoảng tháng 5 - 8 chứ không phải là loại quả quanh năm.
Cách làm siro quất hồng bì chữa ho:
Nguyên liệu:
- 1kg quả quất hồng bì tươi
- 1kg đường phèn
- 1 lọ thủy tinh vừa phải
Cách làm:
Cần chọn loại quất hồng bì tươi ngon, quả to, mọng, để ướp. Dùng nước sôi để nguội rửa sạch quất hồng bì rồi để ráo. Sau đó cắt cuống hồng bì bằng kéo, tránh dùng tay bứt như lúc bạn ăn vì như vậy sẽ làm quả bị dập, nát.
Sau đó rải một lớp đường phèn xuống dưới đáy lọ rồi rải một lớp quất hồng bì lên, làm lần lượt đến lúc hết thì thôi.
Cuối cùng đậy nắp thật kín, để vào nơi thoáng mát cho đến khi lớp đường phèn tan hết là có thể dùng được.
Một số bài thuốc chữa bệnh khác từ quất hồng bì
Giải cảm, hạ sốt:
Dùng 30g lá quất hồng bì khô sắc uống cho ra mồ hôi là hết cảm, hạ sốt.
Giảm đau do viêm họng:
Ngậm 2-3 quả quất hồng bì với vài hạt muối. Ngậm 3-4 lần trong ngày. Cách này vừa giảm ho lại dịu họng rất tốt cho khí quản.
Kích thích tiêu hóa:
Rễ cây quất hồng bì 30g, rễ sử quân 20g, quả khế chua 20g. Các vị sao vàng, sắc đặc, chia uống nhiều lần trong ngày. Dùng 3 - 5 ngày.
Chữa nôn mửa:
Quả quất hồng bị tươi nguyên vỏ nhai rồi nuốt dần sẽ giúp bạn hạn chế triệu chứng nôn mửa.
Giảm đau dạ dày:
Dùng hạt hồng bì khô, sao thơm, tán thành bột mịn hòa với nước hoặc rượu nhạt để uống. Ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 6 - 10g.
Trị gàu và làm đẹp tóc:
Sử dụng lá hồng bì nấu nước để gội đầu thường xuyên sẽ có mái tóc bóng mượt, chắc khỏe và không còn gàu.