Nhiễm ký sinh trùng, bị bệnh viện trả về vì ung thư
Trên tờ Tuổi trẻ, GS.TS Nguyễn Văn Đề, Chủ nhiệm Bộ môn ký sinh trùng, Trường đại học Y Hà Nội cho hay không bao giờ quên trường hợp cứu được bệnh nhân trở về từ "cõi chết".
Đó là bệnh nhân N.Đ.T ở Nghệ An, đã rơi vào tình trạng hấp hối, người gầy đét, bụng trướng to, mất hết tri giác, bị bệnh viện xác định là ung thư gan lan tràn kín gan (đa ổ), không còn khả năng cứu chữa.
Trước đó, bệnh nhân T. nhập bệnh viện tỉnh cấp cứu vì bị sốt, trướng và đau bụng. Kết quả chụp CT, chụp cộng hưởng từ đều xác định là ung thư gan đa ổ. Gia đình cũng đã xác định tư tưởng là không còn cứu được và chuẩn bị hậu sự.
Cơ may cho bệnh nhân T. vì gia đình được nghe kể về trường hợp một người bị nhiễm ký sinh trùng nhưng cũng được chẩn đoán là ung thư gan nên đã sinh nghi và gọi xe cấp cứu đưa con đến chỗ GS Đề.
Kết quả siêu âm cho thấy các khối u có hình ảnh giống ổ sán, xét nghiệm máu tỷ lệ dương tính với sán lá gan lớn rất cao. Sau 3 đợt điều trị, bệnh nhân đã khỏe mạnh trở lại, khối u trong gan tiêu hết, bản thân người bệnh tăng 10kg.
Chứng bệnh hay bị nhầm với ung thư
GS.TS Nguyễn Văn Đề cho biết, trong thực tế, có rất nhiều bệnh nhân bị nhiễm sán là gan lớn được chẩn đoán nhầm là ung thư gan.
Nguyên nhân là bởi bởi sán lá gan lớn trước khi ký sinh trong đường mật đã phá hủy tổ chức gan, gây ra những ổ tổn thương dạng u hay apxe với tổ chức họa tử không đồng nhất có dấu hiệu tương tự như ung thư.
Việc chẩn đoán nhầm này sẽ khiến bác sĩ đưa ra các giải pháp xử lý như với bệnh ung thư như cắt bỏ khối u, hóa trị, xạ trị... làm ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bệnh nhân.
Chu trình phát triển của sán lá gan lớn.
Hiểu thêm về sán lá gan lớn
- Ổ chứa: Sán lá gan lớn gồm 2 loại Fasciola hepatica, Fasciola gigantica là loài ký sinh trùng gây bệnh trên các động vật ăn cỏ như trâu, bò, dê, cừu, hươu (gọi là vật chủ cuối cùng hay vật chủ chính).
Người và một số động vật khác như lợn, chó, mèo là các đối tượng có khả năng mắc bệnh. Ở người, sán là gan thường ký sinh trong mật, trường hợp bất thường cũng có thể ký sinh trong cơ, dưới da (gọi là trường hợp ký sinh lạc chỗ).
Vật chủ trung gian truyền bệnh là ốc họ Lymnaea.
- Hình thái tồn tại: Sán lá gan lớn có hình lá, thân dẹt, kích thước khoảng 30 x 10 - 12mm. Sán là loài lưỡng giới, vừa có tinh hoàn, vừa có buồng trứng trên một cơ thể sán.
Hình ảnh sán lá gan lớn.
Trứng sán là gan có vỏ mềm nên tồn tại ở môi trường bên ngoài rất kém, nhiệt độ trên 70 độ C trứng sẽ bị hỏng.Trứng sán muốn phát triển thành ấu trùng phải có môi trường nước.
- Triệu chứng nhiễm bệnh: Khi bị nhiễm sán lá gan lớn, người bệnh thường có các triệu chứng đau vùng sườn bên phải lan về phía sau hoặc đau vùng thượng vị và mũi ức.
Người bị nhiễm bệnh không thấy xuất hiện dấu hiệu đau đặc hiệu mà chỉ đau âm ỉ, đôi khi đau dữ dội, cũng có trường hợp không đau.
Bệnh nhân có cảm giác mệt mỏi, đầy bụng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, có thể sốt hoặc đau khớp, đau cơ, mẩn ngứa.
- Thời gian ủ bệnh: Thời gian ủ bệnh của sán lá gan lớn phụ thuộc vào số lượng ấu trùng ăn vào và đáp ứng với vật chủ.
Tuy các nhà nghiên cứu chưa xác định được chính xác nhưng có nhiều ý kiến cho rằng thời gian ủ bệnh của sán lá gan ở người là từ vài ngày đến vài ba tháng, thậm chí lâu hơn.
- Thời kỳ lây truyền: Sau khi xâm nhập vào mô gan từ 2 - 3 tháng, sán lá gan lớn tiếp tục xâm nhập vào đường mật, trưởng thành và đẻ trứng.
Trứng sán lá gan sẽ được bài xuất ra ngoài theo phân, xuống nước nở thành ấu trùng lông rồi qua ốc phát triển thành ấu trùng đuôi và nang trùng. Những ấu trùng này sẽ bám vào rau thủy sinh hoặc bơi trong nước.
Khi người hoặc động vật ăn phải nang trùng sẽ vào dạ dày tới ruột rồi lên gan. Tại gan, sán trưởng thành và ký sinh và gây bệnh lâu dài trong nhiều năm.
- Phương thức lây truyền bệnh sán lá gan lớn: Bệnh sán lá gan lớn có thể lây truyền sang người khi người này ăn sống các loại rau thủy sinh như rau cần, rau cải xoong, rau ngổ, rau rút... hoặc uống nước lã có nhiễm ấu trùng sán.