Bí quyết sống 105 năm của bác sĩ hành nghề lâu nhất thế giới

Trần Quỳnh |

Chia sẻ về bí quyết dưỡng sinh, trường thọ của mình, bác sĩ Shigeaki Hinohara (nay đã 105 tuổi) đưa ra 5 triết lý sống đơn giản nhưng vô cùng hiệu nghiệm.

Sinh năm 1911, Shigeaki Hinohara là một trong những bác sĩ hành nghề lâu năm nhất thế giới, và được người Nhật tôn vinh là huyền thoại y học.

Sự nghiệp của ông cũng là những năm tháng phi thường. Từ năm 1941, ông tham gia chữa bệnh tại Bệnh viện Quốc tế St.Luke’s và dạy học tại Trường Đại học Y St.Luke’s, Tokyo.

Sau chiến tranh thế giới thứ 2, ông tham gia gây dựng lại bệnh viện và trường học này từ những đổ vỡ hoang tàn. Cho đến nay, dù đã hơn 100 tuổi, bác sĩ Hinohara vẫn còn rất khỏe mạnh và sáng suốt để giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị của 2 cơ quan này.

Khi ở tuổi 75, bác sĩ Hinohara đã viết được gần 150 đầu sách, trong đó có những cuốn bán được hàng triệu bản trên toàn thế giới. Mỗi năm, ông thực hiện hơn 100 buổi diễn thuyết, số lần xuất ngoại nhiều không đếm xuể.

Ở vào tuổi xưa nay cực hiếm, ông Hinohara vẫn tiếp tục hành nghề chữa bệnh cứu người với thái độ tận tâm và vô cùng minh mẫn.

"Nên mở đèn sáng hơn một chút nữa, để mọi người đều có thể nhìn rõ khuôn mặt trẻ trung của tôi", đó là lời mở đầu đầy dí dỏm của vị bác sĩ vừa bước sang tuổi 105 này trong buổi trả lời phỏng vấn của Thời báo Life Times.

Chia sẻ về bí quyết dưỡng sinh, trường thọ của mình, Shigeaki Hinohara đưa ra 5 triết lý sống đơn giản nhưng vô cùng hiệu nghiệm.

1. Đừng chỉ tồn tại, mà hãy sống cho thật tốt

Khi chuẩn bị về hưu ở tuổi 65, ông Shigeaki Hinohara từng trở thành nạn nhân trong một vụ cướp máy bay và may mắn được cứu sống. Từ biến cố đó, ông liền cho rằng ân nhân đã cho mình một sinh mệnh thứ hai.

Từ đó về sau, mỗi khi mở mắt đón chào ngày mới, bác sĩ Hinohara đều tự nhủ bản thân phải sống hết mình, chuyện gì muốn làm đều sẽ làm, thân thể cũng từ đó mà bắt đầu thay đổi. Suy nghĩ tích cực này giống như ánh mặt trời, khiến bản thân vui vẻ và khỏe mạnh.

Vì vậy, ông Hinohara cho rằng dù là thanh niên hay người cao tuổi đều cần có thái độ sống rõ ràng, tránh phức tạp hóa những vấn đề nhỏ nhặt, dồn thời gian, tâm sức cho những việc quan trọng để có thêm sức sống và động lực.

Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng suy nghĩ tích cực có tác dụng kích thích vận động, tăng cường sức khỏ, củng cố nhận thức và làm chậm quá trình lão hóa ở người cao tuổi.

Tận dụng mọi cơ hội để học hỏi

Sống tới thời đại công nghệ, bác sĩ Shigeaki Hinohara cũng bắt kịp xu hướng rất nhanh.

Ông thường xuyên đăng tải những trạng thái, bài viết và hình ảnh của mình trên trang cá nhân và blog. Theo ông, “việc luôn làm mới mình mới khiến bản thân không già nua!”

Ông Hinohara luôn cổ vũ tinh thần ham học hỏi ở mọi người, đặc biệt là người cao tuổi. Trên thực tế, quá trình học tập cái mới không quá khó khăn như nhiều người tưởng tượng.

Shigeaki Hinohara lấy ví dụ rằng nhiều năm về trước, ông từng đọc được một cuốn sách rất hay, sau đó dần suy nghĩ làm cách nào để biến nó thành một vở nhạc kịch. Cứ như vậy, ông trở thành nhà biên kịch vào năm 88 tuổi.


Ông Hinohara còn tiếp tục học vẽ tranh, chỉ huy dàn nhạc, huấn luyện viên thể hình… và tiếp nhận thêm nhiều kiến thức khác ở tuổi ngoài 100

Ông Hinohara còn tiếp tục học vẽ tranh, chỉ huy dàn nhạc, huấn luyện viên thể hình… và tiếp nhận thêm nhiều kiến thức khác ở tuổi ngoài 100

Có nhiều người luôn miệng than thở bản thân “già rồi”, “không còn dùng được”… Thực chất, đây chỉ là cớ để họ cự tuyệt cái mới, cản trở bản thân học hỏi và vùi lấp đi tài năng tiềm tàng của chính mình.

Trong khi đó, nhiều người tuổi càng cao càng thêm nhiệt huyết với cuộc sống, muốn làm những chuyện chưa từng làm, thử nghiệm những thứ chưa từng thử. Việc nuôi dưỡng tài năng như vậy càng khiến cho thân thế và tinh thần trẻ lại.

Duy trì cân nặng và vòng eo của tuổi 30

Từ năm 30 tuổi đến nay, ông Hinohara luôn duy trì cân nặng ở mức 60kg. Bí quyết giữ thể trọng ở mức ổn định trong hàng chục năm của vị bác sĩ này nằm ở chế độ ăn uống lành mạnh.

Bữa sáng của ông Shigeaki Hinohara bắt đầu bằng một cốc nước trái cây có kèm 1 thìa dầu oliu. Thức uống tự chế này có khả năng ổn định cholesterol và bổ sung năng lượng cho cơ thể.

Sau đó, ông uống một cốc sữa đậu nành để tăng cường lecithin. Bữa ăn đầu ngày được kết thúc bằng một quả chuối và một cốc cà phê.

Ông Hinohara có thói quen ăn rất ít vào bữa trưa (chỉ vài miếng bánh quy và một cốc sữa tươi). Nhưng bù lại, thực đơn bữa tối của ông rất bổ dưỡng và phong phú.

Mỗi tuần ông ăn 2 bữa thịt bò không dầu mỡ vào buổi tối, những ngày còn lại sẽ thay đổi thực đơn bằng món cá và rau củ. Hai loại rau được ông đặc biệt yêu thích là rau diếp và cải xanh.

Vị bác sĩ 105 tuổi này cũng nhấn mạnh chúng ta không cần quá cường điệu về chế độ ăn uống. Nếu hôm nay ăn nhiều hơn mọi ngày thì bữa sau ăn ít đi một chút là ổn.

Tuy nhiên cần kiên trì nguyên tắc mỗi bữa không ăn no quá 8 phần và nên hạn chế ăn đồ ngọt.

Theo bác sĩ Shigeaki Hinohara, chế độ ăn uống chưa phải là phương diện duy nhất cần lưu ý trong việc duy trì vóc dáng cân đối. Ông khuyên mọi người cần tăng cường vận động.

Bản thân Hinohara không bao giờ lười biếng, chăm chỉ tập luyện thể thao vào buổi sáng và chiều, nhất quyết không đi thang máy, kiên trì chạy bộ.

Ông cũng lưu ý rằng, mỗi người có một thể trạng khác nhau, không thể áp dụng máy móc chế độ ăn uống sinh hoạt của người khác cho bản thân, mà cần nỗ lực tìm kiếm phương thức và thói quen phù hợp với sức khỏe của mình.

Mơ ước không phân biệt tuổi tác

Ở tuổi 105, ông Hinohara chưa bao giờ từ bỏ ước vọng về một thế giới hòa bình và coi trọng sinh mệnh.

Mỗi tháng, bác sĩ đều đến diễn thuyết tại các trường học, trò chuyện, giảng giải về “sinh mệnh” cho thế hệ tương lai của Nhật Bản, từ đó gieo vào trái tim con trẻ niềm trân trọng cuộc sống.

Ông Shigeaki Hinohara luôn muốn được sống trong một thế giới không bị phân biệt tuổi tác hay giai cấp. Mọi ước mơ dù lớn hay nhỏ đều có giá trị của riêng nó.

Trong tâm biết ước mơ, hi vọng thì bản thân mới có động lực và vận dụng tài năng để thực hiện điều mình muốn.

Đơn giản như có người mong muốn sống lâu, ước mơ đó sẽ biến thành hành động, khiến người đó mỗi ngày dần dần thay đổi chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, tác phong vận động…

Ý niệm trên càng quan trọng đối với người lớn tuổi. Khi các cụ có ước mơ nào đó, con cái hay người bạn đời nên cổ vũ, khích lệ, chứ không nên vùi dập lối sống tích cực đó.

“Sống cho đến lúc chết”

Là một bác sĩ từng chứng kiến quy luật sinh, ly, tử, biệt. Năm 1993, ông Hinohara đã tự tay viết một lá thư mang tựa đề “Làm thế nào để sống tới lúc chết?”

Ông thấu hiểu: “Bác sĩ không chỉ là người giúp bệnh nhân chống chọi với bệnh tật. Bác sĩ còn là người có đủ dũng khí đối mặt với tử thần khi người bệnh đang trong thời khắc sinh tử.”

Quan niệm ấy đã thôi thúc ông đề xướng và phát triển dịch vụ chăm sóc đặc biệt dành cho những người hấp hối.

Theo đó, bác sĩ sẽ là người đồng hành cùng những bệnh nhân sắp qua đời ở chặng cuối của cuộc đời. Họ sẽ được chăm sóc từ thân thể đến tâm trí, tinh thần để người bệnh ra đi một cách thanh thản và tôn nghiêm nhất.

Bác sĩ Shigeaki Hinohara cho rằng chỉ khi không sợ tuổi già, không sợ cái chết, chúng ta mới có thể sống thanh thản.

Theo quan niệm của nhiều người, “chết chóc” là điềm gở. Đối mặt với chữ “tử” này, không ít người mang trong mình cảm giác thương cảm và sợ hãi.

Đi ngược lại với “lẽ thường” ấy, ông Hinohra khuyên con người nên đối mặt với sự thật là cơ thể sẽ ngày một già đi và nuôi dưỡng tinh thần “sống cho đến lúc chết”.

Ngày nay, ở xứ sở mặt trời mọc còn xuất hiện chương trình mang tên “học cách để chết”.

Mục đích của khóa học này là giúp học viên có cái nhìn đúng đắn về quy luật sinh – tử, đồng thời khích lệ mọi người dũng cảm nhìn thẳng vào chết để quý trọng sinh mệnh, trân trọng sức khỏe và có đủ dũng khí bước tiếp trên đời đường.

* Theo Sina Health

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại