3 bí quyết trường sinh của đại sư "95 tuổi có trái tim tuổi 40"

Điềm Nhi |

Đại phu nức danh Trung Quốc Lộ Chí Chính dù đã 95 tuổi vẫn khỏe mạnh và minh mẫn để trị bệnh cứu người.

Trong bài "Thần dược trường sinh" của Trung Quốc: Có nhiều ở Việt Nam, chúng tôi đã giới thiệu đến quý độc giả về cách dùng gừng để sống lâu của một vị tiên sinh đức cao vọng trọng, danh y Lộ Chí Chính ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

Đối với thuật dưỡng sinh trường thọ, danh y Lộ Chí Chính có nhiều nghiên cứu quan trọng. Và ông cũng chính là minh chứng sống cho những nghiên cứu của mình.

Vị đại phu nổi danh này dù nay đã 95 tuổi vẫn khỏe mạnh và minh mẫn để trị bệnh cứu người.

Những năm gần đây, các chỉ số xét nghiệm lâm sàng trong giấy khám sức khỏe định kỳ của ông chưa hề xuất hiện dấu hiệu bất thường. Ông được người đời tán dương là cụ ông 95 tuổi có trái tim của tuổi 40.

Danh y Lộ Chí Chính đã đưa ra lời khuyên về 3 điều không nên "quá" trong kinh nghiệm dưỡng sinh của mình.

Ông Lộ Chí Chính sinh năm 1920, người huyện Cảo Thành tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, xuất thân trong một gia tộc từng có nhiều vị danh y nổi tiếng.

Bắt đầu chữa bệnh cứu người từ năm 17 tuổi, ông Lộ là chủ nhân của nhiều bài thuốc quý và đi tiên phong trong phương pháp dựa vào tỳ vị để chữa bệnh.

Năm 2009, ông trở thành một trong 30 người được gọi "đại sư" trong y học Trung Quốc, đồng thời được nhắc tới như một “truyền nhân” tiêu biểu của nền y học cổ truyền nước này.

Ông từng đảm nhiệm rất nhiều vị trí, một số trong đó là: Ủy viên ban Đông Tây y kết hợp của Hội Y học Trung Hoa; Phó chủ nhiệm phân hội Nội khoa Y học cổ truyền Trung Quốc; Giáo sư danh dự Đại học Trung y dược Bắc Kinh; Giáo sư danh dự học viện Trung y London...

Ông hiện là chủ biên các tạp chí: Trung y dược Trung Hoa, Trung Tây y kết hợp...

1. Ăn uống đừng nên "bổ quá"

Chúng ta vốn có truyền thống kính lão đắc thọ, trong các bữa ăn luôn tôn những người cao tuổi ngồi ở vị trí mâm trên thịnh soạn. Tâm ý tốt đẹp của con cháu thật ra đã vô tình đẩy người già đến gần hơn với bệnh tật.

"Khi đồ ăn ngon được dọn ra trước mắt, chúng ta thường rất khó cưỡng lại. Chỉ 1 chút lơ là thì sẽ ăn quá mức", đại sư Lộ Chí Chính viết.

Ông khuyên: "Lúc ngồi ăn, chúng ta cần phải thuộc nằm lòng 1 nguyên tắc. Đó là bất kể lương thực phụ (như ngô,khoai,sắn, đậu,chất xơ…) hay lương thực chính (gạo, bột mì..), tốt hay xấu, đều phải ăn nhưng không nên ăn quá nhiều”.

Những thực phẩm gọi là "xấu" mà vị danh y này nhắc đến thực chất là những thức ăn ngọt, béo và quá nhiều dinh dưỡng. Ông cho rằng, những loại sơn hào hải vị làm tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa của người cao tuổi.

Đồng thời, ông cũng chủ trương hạn chế tối đa ăn đồ ngọt.

Khi nói về đồ ngọt, Lộ Chí Chính giải thích rằng: "Những thực phẩm có vị ngọt hấp thu rất nhanh, vì vậy khi ăn cơm không nên ăn đồ ngọt trước, mà nên để đến cuối bữa ăn. Với hoa quả cũng vậy, nên ăn sau bữa cơm 1 lúc".

2. Mặc quần áo không nên "nhiều quá"

Khi trời lạnh, người già thường có thói quen mặc quần áo dày tầng tầng lớp lớp, kín như bưng. Kỳ thực, mặc quá dày và quá nhiều cũng không tốt cho sức khỏe.

"Không nên ngại phiền hà, tùy vào từng thời điểm mà thay đổi quần áo. Mặc quá nhiều quần áo dễ ra mồ hôi, "dương khí" vì thế không được tiết ra bên ngoài, làm ảnh hưởng đến cân bằng âm dương trong cơ thể", thầy Lộ giải thích.

Tương tự, người già cũng không nên mặc quần áo quá chật.

"Mặc đồ quá chật, không thoáng khí, dễ gây bệnh tật", Lộ Hỷ Thiện, con trai và cũng là truyền nhân của đại danh y Lộ Chí Chính, cho biết.

Khi hơi nóng cơ thể không được tiết ra ngoài, phụ nữ dễ mắc những bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu, điều này đặc biệt có hại với những người mắc tiểu đường.

Còn với nam giới, mặc quần áo càng chật vô tình gây bệnh viêm tuyền liệt tuyến.

3. Trời lạnh không nên “tĩnh quá”

"Nên vận động nhiều" là câu mà thầy Lộ không quên nhắc nhở khi thăm khám và điều trị cho bệnh nhân. Trời càng lạnh thì càng không nên trốn trong nhà và không vận đông (không nên "tĩnh" quá).

"Vận động nhiều giảm chứng đại tiện không thông. Người già thường phải hứng chịu nhiều phiền phức do táo bón gây ra. Và vận động chính là cách để xoa dịu nỗi khổ khó nói này".

Vị danh y này cũng thành công trong việc lồng ghép vận động vào các hoạt động thường nhật của mình.

Khi thăm khám cho bệnh nhân, ông thật ra không có nhiều cơ hội để vận động. Vì vậy, trong lúc khám bệnh, ông vẫn làm các động tác xoay đầu hay vận động chân.

Khi đứng đợi ai đó hoặc bất kể khi nào rảnh rỗi ông đều tranh thủ vận động các khớp tay, chân.

"Ngoài vận động tứ chi là để trong nuôi dưỡng tạng phủ. Thế mới duy trì được nguồn tinh lực dồi dào. Người lớn hay trẻ nhỏ đều như vậy, sinh mệnh nằm ở vận động", danh y Lộ Chí Chính cười nói.

* Thao khảo từ nhiều nguồn

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại