Giới Trung y tại Trung Quốc hiện nay, có một vị tiên sinh đức cao vọng trọng, 95 tuổi vẫn trị bệnh cứu người. Vị đại phu có thâm niên cao nhất tại Bắc Kinh này chính là thầy thuốc nổi danh Lộ Chí Chính.
Chân dung ông Lộ Chí Chính - truyền nhân nổi tiếng của ngành y học cổ truyền Trung Quốc (Ảnh: nguồn internet)
Ông Lộ Chí Chính sinh năm 1920 tại Hà Bắc, xuất thân trong một gia đình từng có nhiều Trung y nổi danh.
Bắt đầu chữa bệnh cứu người từ năm 17 tuổi, ông Lộ là chủ nhân của nhiều bài thuốc quý và đi tiên phong trong phương pháp dựa vào tỳ vị để chữa bệnh.
Năm 2009, ông vinh dự trở thành một trong 30 đại sư của làng y học Trung Quốc, đồng thời được nhắc tới như một “truyền nhân” tiêu biểu của nền y học nước nhà.
Đến thăm phòng bệnh của thầy thuốc Lộ trong khi ông đang khám bệnh, các phóng viên không khỏi bất ngờ trước một vị thầy thuốc dù lớn tuổi nhưng sắc mặt hồng nhuận, làm việc nghiêm túc, tay viết chữ một điểm cũng không hề run rẩy.
Hiện tại, ông Lộ có mặt tại phòng khám 3 buổi mỗi tuần.
Thời gian còn lại ông đều bận rộn với đủ các hội nghị và lịch công tác. Tuổi tác đã cao nhưng vẫn chịu được áp lực công việc lớn như vậy quả là trường hợp “xưa nay hiếm”!
Ông Lộ vẫn hành nghề chữa bệnh cứu người dù đã ở tuổi 95 (Ảnh: nguồn internet)
Thảo luận về các phương pháp dưỡng sinh ngày nay, ông Lộ nhiều lần nhấn mạnh về thứ gọi là “gốc rễ sinh trưởng” của cơ thể con người – tỳ vị.
Trung y cho rằng: Tỳ vị bao quát các bộ phận tiêu hóa trên cơ thế, có vai trò lưu thông khí huyết để các cơ quan này vận hành bình thường.
Tỳ vị nếu hư nhược sẽ kéo theo hệ thống tiêu hóa kém hấp thụ dinh dưỡng, gây ảnh hưởng đến toàn cơ thể. Chính vì vậy, Trung y coi đây chính là “gốc rễ của sự sinh trưởng”.
Cả đời trị bệnh cứu người, lương y Lộ Chí Chính rất coi trọng tỳ vị. Ông cũng đã thử nghiệm những bài thuốc, phương pháp chữa bệnh từ tỳ vị trên cơ thể của chính mình.
Trả lời phóng vấn của “Thời báo Cuộc sống”, đại sư Lộ đã bật mí về một thứ thần dược rất bổ cho tỳ vị được ông tin dùng hơn 40 năm qua.
Thứ thần dược ấy chính là gừng – một loại gia vị vô cùng quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta!
Gừng là vị thuốc được Trung Y xem như một loại thần dược nhờ những công dụng đặc biệt của mình
Gừng có vị cay, tính ấm, khi ngấm vào tỳ, vị, phế sẽ khiến cho cơ thể xuất mồ hôi, an vị, bổ phế, khỏi ho.
Ngoài ra, vị thuốc này còn giải độc công hiệu, có thể trị phong hàn, cảm mạo, trị các loại bệnh về dạ dày, chữa nôn mửa, đi tả, giải độc từ hải sản…
Tác dụng của gừng đối với tỳ vị càng thêm kỳ diệu. Không chỉ làm gia tăng khả năng lưu thông khí huyết, gừng còn giúp cho tỳ vị luôn khỏe mạnh, khiến khí huyết dồi dào, cơ thể luôn ở trạng thái sung mãn.
Hiểu rõ công dụng của loại thần dược này, bắt đầu từ những năm 70 của thế kỷ trước, trên mâm cơm của nhà họ Lộ mỗi ngày đều không thể thiếu gừng.
Lộ Hỉ Thiện – con trai và cũng là truyền nhân của đại sư Lộ Chí Chính cho biết: nhà anh mỗi lần mua gừng đều mua liền một lúc vài cân.
Gừng mang về trước tiên sẽ dùng muối ướp qua, sau đó ngâm cùng giấm, tùy vào khẩu vị mà có thể cho thêm đường, khi ăn cắt thành lát, miếng nhỏ, dùng đều đặn vào bữa sáng.
Ông Lộ Chí Chính cũng giải thích thêm: Gừng có tác dụng giải nhiệt, có thể tránh phong hàn, cảm mạo, hỗ trợ tiêu hóa, còn kích thích cơ thể tiết ra dịch mật.
Dấm có khả năng giảm đau, lại át đi tính cay của gừng. Dùng gừng cùng với gấm sẽ có mùi vị và công hiệu rất tốt.
Sự tôn sùng của đại sư Lộ đối với vị thuốc này còn xuất phát từ chính những kinh nghiệm quý giá của cổ nhân.
Khổng Tử – nhà đại tư tưởng nổi danh Trung Quốc – trong văn chương đều nhiều lần nhắc tới việc “không bỏ ăn gừng”. Đây chính là bí quyết sống thọ của vị “dưỡng sinh gia” này.
Danh y cổ đại “Trương Trọng Cảnh” trong cuốn “Thương hàn luận” có ghi lại nhiều bài thuốc. Trong các bài thuốc này phần lớn đều có thành phần gừng.
Cuốn “Đông Pha tạp ký” từ thời nhà Tống cũng từng ghi lại: ở Hàng Châu khi ấy có một vị hòa thượng hơn 80 tuổi, nhưng tướng mạo lại vô cùng trẻ. Hòa thượng này “uống gừng từ tuổi 40 nên trẻ mãi không già.”
Mặc dù được coi là một loại “thần dược” cho sức khỏe, nhưng khi dùng gừng, chúng ta cũng phải lưu ý một vài điểm dưới đây:
Buổi tối không gừng
Cổ nhân nói: “Trong một năm thì mùa thu không ăn gừng, trong một ngày thì buổi tối không ăn gừng”.
Đại phu Lộ Chí Chính cũng cho biết: cơ thể con người trải qua một ngày làm việc, buổi tối là lúc cần nghỉ ngơi, gừng lại có tính giải nhiệt, nếu ăn lúc này dễ dẫn đến hao tổn khí huyết.
Mùa thu không ăn gừng
Tục ngữ Trung Quốc có câu “Đông ăn củ cải, hạ ăn gừng, không cần đến bác sĩ bốc thuốc”.
Trong một năm, mùa hè là mùa thích hợp nhất để ăn gừng. Đến trời thu, khí hậu khô ráo, tiết trời hanh khô, ăn gừng có tính cay vào càng dễ làm thương tổn phổi.
Những trường hợp đặc biệt không nên ăn gừng:
Những người “âm hư hỏa vượng”, bị nóng trong, tay chân hay đổ mồ hôi, thích uống nước, lại hay bị khô miệng, khô da, khô mắt, khô mũi, hoặc những người tính tình nóng nảy, giấc ngủ không tốt, ăn gừng vào sẽ càng khiến “âm hư”.
Bên cạnh đó, những người có mụn nhọt, vết thương lở loét, bị viêm phổi, ho lao, viêm túi mật, viêm thận, trĩ hoặc tiểu đường thì cũng không nên ăn gừng sống.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ gừng:
Muốn trị cảm mạo, phong hàn, tắc mũi, chảy nước mũi, đau đầu, phát sốt, đau bụng thì dùng 25g gừng pha cùng nước nóng và đường đỏ.
Người lớn tuổi ho khan mãn tính, ho có đờm, phát sốt có thể đem gừng giã lấy nước, dùng nửa thìa nước gừng pha với một thìa đường đỏ, dùng sáng và tối một lần.
Nếu bị đau khớp, lạnh người thì dùng gừng kết hợp với hành lá, xắt nhỏ, xào nóng, bọc vào vải rồi chườm vào chỗ đau.
* Theo Sina Health