Sứ mệnh có 1-0-2 của 3 chú chó "phi hành gia" Liên Xô: Laika chết khi tròn 3 tuổi

Trang Ly |

Câu chuyện về Laika, Belka, Strelka cùng sự hy sinh và những cống hiến thầm lặng của các chú chó dũng cảm khiến ai cũng cảm phục.

Trước khi ghi danh vào lịch sử bằng sự kiện lần đầu tiên đưa con người thoát khỏi trọng lực của Trái Đất bay ra ngoài không gian năm 1961, Liên Xô đã phải mất nhiều năm "lao tâm khổ tứ" cho các chương trình vũ trụ của mình: Từ việc chế tạo vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới là Sputnik đến việc huấn luyện động vật trở thành những "phi hành gia" bay thử nghiệm trên những con tàu vũ trụ đắt đỏ.

Trong thập niên 1950, khoa học thế giới còn rất mơ hồ về những tác động của vũ trụ lên cơ thể con người. Để đưa con người du hành không gian an toàn, tất yếu phải thực hiện các thí nghiệm tiền đề, và động vật là những "người hùng" thực hiện sứ mệnh cao cả đó trước tiên.

Nếu như người Mỹ cho ruồi giấm và khỉ du hành không gian để đo tác động của vũ trụ lên sinh vật sống thì người Liên Xô lại tuyển chọn các chú chó. Trong các thập niên 1950 đến 1960, Liên Xô đã huấn luyện và cho ít nhất 57 chú chó thực hiện các sứ mệnh bay ra quỹ đạo Trái Đất.

Sứ mệnh có 1-0-2 của 3 chú chó phi hành gia Liên Xô: Laika chết khi tròn 3 tuổi - Ảnh 1.

Trong hai thập niên 1950 và 1960, Liên Xô đã cho ít nhất 57 chú chó thực hiện các sứ mệnh bay vào quỹ đạo Trái Đất. Nguồn: Esdaw.eu

Sở dĩ, họ chọn các chú chó thay vì các loài động vật khác là bởi theo các nhà khoa học, những chú chó có khả năng chịu đựng khoảng thời gian không hoạt động dài (phù hợp với các chuyến bay nhiều giờ đồng hồ ra không gian). 

Đặc biệt là các chú chó giống cái được ưu tiên lựa chọn bởi chúng lành tính và dễ bảo hơn so với các con đực cùng loài.

Sứ mệnh có 1-0-2 của 3 chú chó phi hành gia Liên Xô: Laika chết khi tròn 3 tuổi - Ảnh 2.

Trong số những chú chó lên đường thực hiện sứ mệnh bay, có ba cái tên rất đáng chú ý trong lịch sử khai phá vũ trụ của Liên Xô, đó là: Laika, Belka và Strelka.

Điểm chung đầu tiên của ba chú chó này chính là chúng đều là những chú chó vô chủ, sống lang thang trên đường phố Liên Xô.

Giới khoa học đưa chúng về nhằm huấn luyện để trở thành các "phi hành gia" là bởi, thay vì được chiều chuộng, nuôi nấng như chó nhà, những chú chó lang thang ngay từ đầu đã tự tạo cho mình bản lĩnh của những loài tự vượt qua sự khắc nghiệt, thiếu thốn, đói ăn, chịu rét cao...

Đây là những "tiêu chuẩn thép" ban đầu mà các nhà khoa học Liên Xô đặt ra nhằm lựa chọn các "chiến binh" vũ trụ hứa hẹn thực hiện các sứ mệnh thành công trong tương lai.

1. Chú chó Laika

Sứ mệnh có 1-0-2 của 3 chú chó phi hành gia Liên Xô: Laika chết khi tròn 3 tuổi - Ảnh 3.

Bức ảnh chụp Laika 3 tuổi trước ngày thực hiện sứ mệnh bay "không đường trở về" vào vũ trụ.

Laika từng là cái tên khiến không ít người chứng kiến câu chuyện về chú phải bật khóc. Bởi, trước khi thực hiện sứ mệnh bay vào vũ trụ, Laika đã được số phận sắp đặt là phải hy sinh cô độc ngoài vùng không gian rộng lớn.

Từ một chú chó lang thang, vô chủ, Laika tình cờ được phát hiện khi đang tìm kiếm thức ăn trong một ngõ hẻm của thủ đô Moskva. Nhờ bản lĩnh được tôi luyện trong hoàn cảnh khó khăn, và vì nhờ sự dũng cảm hiếm thấy của giống cho lai giữa husky và spitz, Laika sớm hoàn thành các bài huấn luyện khắt khe của các nhà khoa học Liên Xô thời bấy giờ.

Đó là lý do, vào ngày 3/11/1957, Laika lên đường thực hiện sứ mệnh bay vào vũ trụ của chú chó "phi hành gia" đầu tiên trong lịch sử Liên Xô.

Sứ mệnh có 1-0-2 của 3 chú chó phi hành gia Liên Xô: Laika chết khi tròn 3 tuổi - Ảnh 4.

Laika bên trong khoang chật chội, đặt bên trong tàu vũ trụ Sputnik 2.

Những đau đớn trong quá trình phóng tàu tăng hơn rất nhiều so với những gì chú từng trải qua trong lồng thí nghiệm trước kia. Với trọng lực ép mạnh gấp 5 lần so với bình thường, Laika đã phải chịu nhiều đau đớn về thể xác và tinh thần.

Từ hệ thống cảm biển sinh học đặt bên trong chỗ chú nằm của tàu vũ trụ Sputnik 2, người ta nhận thấy nhịp tim của chú đập mạnh gấp 3 lần so với bình thường; còn nhịp thở thì gấp 4 lần.

Ở độ cao hàng nghìn km cùng tốc độ bay khủng khiếp của Sputnik 2, chú chó Laika 3 tuổi đã dũng cảm hoàn thành thử thách thực tế khắc nghiệt đến kiệt cùng trong đời.

Trước khi vỡ tan cùng con tàu nặng hơn 500kg, Laika đã sống sót sau hành trình bay vòng quanh Trái Đất trong 103 phút. Cái chết của Laika, xét dưới góc độ khoa học, đã giúp giới thiên văn học nắm được phần nào phản ứng của sinh vật sống trước, trong và sau quá trình tàu vũ trụ phóng lên không gian.

Một phần nào đó, nhờ chú, mà Liên Xô mới có khoảnh khắc huy hoàng khi phi hành gia Yuri Gagarin hoàn thành sứ mệnh bay đầu tiên trong lịch sử nhân loại ra ngoài Trái Đất trong chuyến hành trình dài hơn 100 phút ấy.

2. Hai chú chó Belka và Strelka

Sứ mệnh có 1-0-2 của 3 chú chó phi hành gia Liên Xô: Laika chết khi tròn 3 tuổi - Ảnh 5.

Ba năm sau cái chết cô độc của Laika, ngày 19/8/1960, Belka và Strelka tiếp tục lên đường thực hiện sứ mệnh thử thách sống sót trước và sau khi cùng tàu vũ trụ bay ra ngoài quỹ đạo Trái Đất.

Không khắc nghiệt như số phận của Laika, hai chú chó "phi hành gia" Liên Xô là Belka và Strelka là những sinh vật đầu tiên trong lịch sử sống sót trở về Trái Đất sau sứ mệnh bay vào vũ trụ.

Chuyến bay được thực hiện trên con tàu vũ trụ Sputnik 5. Thế hệ sau của Laika và Sputnik 2 tỏ rõ những tiến bộ mà sứ mệnh tiên phong từng truyền đạt lại. Không chỉ sống sót quay trở về Trái Đất, cả Sputnik 5 và hai "phi hành gia" đặc biệt của nó là Belka và Strelka còn thực hiện được sứ mệnh bay kéo dài 25 giờ đồng hồ, với tổng số 17 vòng quay quanh Trái Đất.

Theo thông số thống kê của các bác sĩ, sau những phút căng thẳng khi tàu vũ trụ cất cánh, cả Belka và Strelka đều nhanh chóng bình tĩnh trở lại. Quá trình rèn luyện khắc nghiệt trong phòng thí nghiệm đã phát huy tác dụng mạnh nhất cho hai chú chó, bằng chứng là, sau khi tiến vào môi trường vô trọng lực thì hệ tuần hoàn của Belka và Strelka đều không bị tác động nhiều, ngoài ra, nhiệt độ cơ thể của cả hai đều không thay đổi trong 25 giờ bay.

Sống sót trở về sau sứ mệnh bay kỷ lục, cả Belka và Strelka đều nhanh chóng nổi tiếng trên toàn thế giới. Tên tuổi của các chú được nhắc nhiều đến trong các cuốn sách, bộ phim tài liệu, phim hoạt hình và trên các mặt báo của thế giới trong thời gian dài.

Sứ mệnh "vô tiền khoáng hậu" của Belka và Strelka đóng một vai trò tiên quyết cho người Liên Xô, bởi, chỉ một năm sau đó, "huyền thoại vũ trụ" Yuri Gagarin đã lên đường bay vào vũ trụ. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, con người đã bứt phá ra khỏi lực hấp dẫn của Trái Đất để bay ra ngoài khoảng không rộng lớn của vũ trụ.

Không những thế, Gagarin và con tàu Phương Đông 1 còn sống sót trở về Trái Đất. Điều này chứng tỏ rằng, những chuyến bay thử nghiệm mà Liên Xô cho động vật thực hiện tiên phong có ý nghĩa tiền đề cho con người trước khi bay ra môi trường tiềm ẩn nhiều hiểm nguy.

Sau cái chết của Laika đến sứ mệnh bay thành công của Belka và Strelka, con người mới có đủ cơ sở khoa học để dấn thân vào vũ trụ, mở ra những chặng đường chinh phục khoảng không rộng lớn bao quanh hành tinh của chúng ta.

Giờ đây, với Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), các nhà khoa học đã có thể ra ngoài vũ trụ sinh sống và làm việc. Kết quả mỹ mãn bước đầu đó nhờ rất nhiều vào những sứ mệnh tiên phong mà nhiều chú chó và các loài động vật khác đã âm thầm hy sinh và thực hiện.

Sứ mệnh có 1-0-2 của 3 chú chó phi hành gia Liên Xô: Laika chết khi tròn 3 tuổi - Ảnh 7.

Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) - "Ngôi nhà" di động ngoài không gian của con người.

Bài viết sử dụng các nguồn: ESDAW, The Guardian

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại