17 năm sau thảm kịch cay đắng của tàu con thoi Challenger, NASA và nước Mỹ một lần nữa chứng kiến nỗi đau mất mát to lớn trong lịch sử khai phá vũ trụ của mình: Thảm kịch tàu con thoi Columbia nổ tung trong nỗ lực vô vọng của con người.
Toàn bộ phi hành đoàn gồm 7 người tử nạn! Số phận con tàu Columbia cũng chẳng khá hơn: Nó nổ tung thành nghìn mảnh trên bầu trời hai bang Texas và Louisiana (Mỹ), cách mặt đất chỉ 19.000m!
Trong lịch sử của NASA, người ta chưa bao giờ phải chứng kiến "thảm họa kép" nào đau đớn đến vậy: Hai tàu con thoi cùng nổ tung, hai đoàn phi hành gia tổng cộng 14 con người tài năng cũng vỡ vụn cùng "người đồng hành" của họ.
Tất cả sự kinh hoàng, hoảng loạn và mất mát ấy được chứng kiến trong sự thẫn thờ của những người đang sống, đang làm nhiệm vụ dưới mặt đất. Đối với họ, những giây phút cuối cùng của đội phi hành gia tàu con thoi Columbia mãi trở thành nỗi ám ảnh không thể nào quên!
Hơn 1 thập kỷ sau khi NASA khởi động chương trình tàu con thoi* dài hơi và tiêu tốn nhiều tỷ đô la, tàu con thoi mang tên Columbia hoàn thành sứ mệnh bay thử thành công đầu tiên trong lịch sử nhân loại vào ngày 12/4/1981, đúng 20 năm sau khi phi hành gia người Liên Xô Yuri Gagarin bay vào vũ trụ.
Một năm sau, năm 1982, Columbia lên đường thực hiện sứ mệnh đầu tiên của mình. Tính đến năm 2003, tàu con thoi Columbia đáng lẽ sẽ chạm mốc hoàn thành sứ mệnh bay ra ngoài vũ trụ lần thứ 28 của mình nếu như định mệnh ngày 1/2/2003 không xảy ra.
Ngày 16/1/2003,
... Columbia lên đường thực hiện nhiệm vụ bay lần thứ 28 của mình. Trong thân mình, nó mang theo phi hành đoàn gồm 7 người có sứ mệnh thực hiện một loạt thí nghiệm khoa học vi mô ngoài vũ trụ.
Phi hành đoàn trên tàu con thoi Columbia:
82 giây,
... sau khi được phóng đi từ Trung tâm Vũ trụ John F. Kennedy (trên đảo Merritt, bang Florida), các kỹ sư mặt đất phát hiện một miếng bọt cách nhiệt nhỏ có kích thước bằng một chiếc vali xách tay vỡ ra từ thùng nhiên liệu bên ngoài tàu con thoi Columbia.
Đội kỹ sư mặt đất đã cố gắng xác định thiệt hại cũng như mức độ nghiêm trọng của sự việc qua đoạn video ghi hình. Tuy nhiên, NASA nhận định, nếu có vấn đề gì thì các thành viên của phi hành đoàn cũng không thể khắc phục khi con tàu đang bay trong vùng quỹ đạo. Thêm nữa, NASA cũng có phần chủ quan vì đây là lần thứ 5 cơ quan này quan sát thấy miếng bọt cách nhiệt vỡ ra trong quá trình phóng tàu. Bốn lần sự cố nhỏ trước không để lại hậu quả nghiêm trọng gì.
Tuy nhiên, lần này hoàn toàn khác!
Sáng ngày 1/2/2003,
... Columbia và phi hành đoàn của nó hoàn thành sứ mệnh bay 16 ngày ngoài không gian và bắt đầu quay trở về Trái Đất. Trung tâm chỉ huy dưới mặt đất lúc này bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu bất thường từ hệ thống áp suất lốp và bộ cảm biến nhiệt trên cánh trái của Columbia.
Trung tâm chỉ huy đã cố liên lạc với phi hành đoàn nhưng 1/2/2003 mãi trở thành định mệnh đen tối của Columbia và những người hùng của nó.
Mảnh vỡ cỡ vali xách tay đã va chạm mạnh vào cánh trái của phi thuyền khiến cho hệ thống chống nhiệt của tàu bị hư hỏng. Hệ thống chống nhiệt là bộ phận không thể thiếu của con tàu vì nó có tác dụng vô cùng to lớn là che chở cánh phi thuyền chống lại nhiệt độ cao khi Columbia bay vào vùng khí quyển Trái Đất.
Ngay sau khi tàu con thoi vượt qua bờ biển California, trong khi nó ở độ cao hơn 70.000m, dân thường bắt đầu nhìn thấy những mảnh vụn còn cháy dở rơi xuống từ bầu trời...
Đó là diễn biến chính mà người ta thấy được từ bên ngoài phi thuyền Columbia. Vậy còn bên trong? Cả phi hành đoàn - không một ai nghĩ rằng ngày trở về lại đen tối và cay đắng đến vậy trong cuộc đời mình!
8 giờ 59 phút 32 giây ngày 1/2/2003,
... chuyên viên liên lạc thuộc Trung tâm chỉ huy dưới mặt đất liên lạc khẩn cấp với phi thuyền Columbia để thông báo về tình hình của hệ thống áp suất lốp và bộ cảm biến nhiệt của con tàu.
"Đã rõ!" - là đoạn thoại ngắn ngủi bị ngắt giữa chừng giữa chỉ huy trưởng tàu Columbia Rick Husband với Trung tâm chỉ huy mặt đất. Thời khắc đó là lúc phi thuyền Columbia đang đến gần thành phố Dallas (bang Texas) và di chuyển với vận tốc ngang ngửa vận tốc âm thanh, cách mặt đất 61.170m.
6 năm,
... sau thảm kịch đau lòng của hàng không Mỹ, NASA công bố một bản báo cáo dày 400 trang, miêu tả chi tiết về ngày định mệnh đen tối của tàu con thoi Columbia, trong đó, có cả những giây phút cuối đời đầy đau đớn của phi hành đoàn 7 người trên Columbia.
Nội dung như sau:
Khi nhận thức được việc đánh mất khả năng kiểm soát con tàu, phi hành đoàn lúc đó có người đang ngồi ở tư thế không thắt đai an toàn, có người chưa kịp đóng nắp kính bảo vệ trên mũ, thậm chí, có phi hành gia tay không đeo găng bảo vệ...
Vài chục giây sau, còi báo động của tàu hú lên inh ỏi. Áp suất trong khoang tàu giảm cực mạnh khiến cả phi hành đoàn ngất đồng loạt ngay lập tức.
Vì mất hệ thống chống nhiệt, Columbia dần trở thành bó đuốc nóng từ bên trong lòng nó khi các luồng khí nóng từ bên ngoài tràn vào khoang tàu. Toàn bộ 7 phi hành gia bị giết chết ngay lập tức. Tất cả các thiết bị, vật dụng trong khoang tàu bị nung chảy cùng lúc.
Columbia hoàn toàn trở thành khối sắt vô dụng. 16 phút trước khi trở về mặt đất, nó nổ tung do ma sát quá mạnh với không khí, ở độ cao 19.000m, chấm dứt hoàn toàn 22 năm tồn tại của nó. Cả phi hành đoàn 7 người và Columbia tan thành bọt lửa trong khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi!
Phi hành đoàn trên tàu con thoi Columbia chụp ảnh trước khi thực hiện sứ mệnh bay. Ảnh chụp tháng 10/2001. Ảnh: NASA
"Đây là thảm kịch quá đỗi đau lòng với NASA và thân nhân của 7 phi hành gia dũng cảm trên phi thuyền Columbia. Đất nước sẽ không bao giờ quên ngày định mệnh đen tối này!", Giám đốc NASA Sean O'Keefe thốt lên vào giây phút chứng kiến Columbia tan tành trên không trung.
Vài ngày sau bi kịch hàng không, hàng trăm người tình nguyện, chuyên viên NASA đã tìm kiếm các mảnh vụn của con tàu. Cuối cùng, người ta thu thập được 84.000 mảnh vụn từ con tàu, nằm rải rác ở các bang Texas, Louisiana và Arkansas.
Việc tìm kiếm các mảnh vỡ con tàu Columbia vừa để tri ân các người hùng của nó (7 phi hành gia), vừa để phục vụ công tác điều tra nguyên nhân vụ việc. Chính phủ thành lập hẳn Ủy ban điều tra vụ tai nạn tàu con thoi Columbia (CIAB).
Lẽ dĩ nhiên, NASA không thể tránh khỏi cáo buộc chịu trách nhiệm lớn trong sứ mệnh bay lần thứ 28 của Columbia từ CIAB.
Đầu tiên, là việc NASA chủ quan khi không khắc phục sớm các sự cố liên quan đến việc miếng bọt cách nhiệt liên tục vỡ ra trong quá trình phóng tàu nhiều lần trước đó; Thứ hai, cơ quan này cũng không trang bị đầy đủ bộ đồ cũng như huấn luyện các kỹ năng cũng như phương án thoát hiểm trong các tình huống khẩn cấp.
Bản báo cáo 400 trang chuẩn bị trong 6 năm dài của NASA về thảm kịch Columbia phần nào nói lên trách nhiệm của cơ quan đối với thảm kịch năm 2003. Những sai sót kỹ thuật và nguyên tắc an toàn bay được NASA đúc rút thành bài học xương máu cho những sứ mệnh bay tiếp theo về sau.
15 năm sau thảm họa Columbia, NASA nói riêng và người Mỹ nói chung vẫn nhớ mãi về những giây phút cuối cùng của phi hành đoàn cũng như sự hy sinh dũng cảm của họ khi làm nhiệm vụ.
7 người hùng vũ trụ trên tàu con thoi Columbia. Ảnh: NASA
*Chương trình tàu con thoi của Mỹ là chương trình xây dựng, phát triển hệ thống tàu vũ trụ quỹ đạo thấp của Trái Đất có thể tái sử dụng.
Bài viết sử dụng nguồn: Space, Discover Magazine