Cuối tháng 4/2015, phi hành gia Sergei Krikalev ghi tên mình vào Sách Kỷ lục Guinness khi là người sinh sống ngoài vũ trụ lâu nhất trên thế giới, hơn bất cứ nhà du hành nào trên Trái Đất, với tổng thời gian có mặt ngoài vũ trụ là 803 ngày, 9 giờ, 39 phút*.
Trong sự nghiệp cống hiến sức mình cho nghiên cứu vũ trụ, Sergei Krikalev hai lần được đất nước vinh danh là anh hùng dân tộc. Ít ai biết rằng, khi còn là một phi hành gia mang trong mình đầy sức trẻ, Sergei Krikalev đã phải trải qua một cơn "sang chấn tâm lý" to lớn.
"Sang chấn tâm lý" ấy là gì? Anh đã vượt qua nó như thế nào để giờ đây trở thành người sánh ngang với phi hành gia huyền thoại trong lịch sử Liên Xô - Yuri Gagarin?
Bài viết tựa đề "The Last Soviet Citizen" (tạm dịch: Công dân Liên Xô cuối cùng) của cây bút Eric Betz trên chuyên san của Tạp chí TIME danh tiếng Mỹ, sẽ đưa ta đến câu chuyện đáng khâm phục về Sergei Krikalev, lồng ghép với nó là dấu mốc trong thời kỳ Liên Xô sụp đổ, mời độc giả theo dõi.
Bức ảnh chụp phi hành gia Sergei Krikalev trước khi thực hiện chuyến bay vào vũ trụ năm 1998. Nguồn: NASA
Ba thập kỷ sau chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ của loài người do phi hành gia Yuri Gagarin (1934 – 1968) thực hiện ngày 12/4/1961 trên con tàu Phương Đông, Sergei Krikalev và Anatoly Artsebarsky tiếp bước dấu chân của cha anh.
Bóng hai phi hành gia người Liên Xô đổ lên nền đất của sân bay vũ trụ Baykonur khi họ bước ra khỏi chiếc xe bus chuyên dụng tiến bước về Soyuz, tên lửa 10 tầng duy nhất của Liên Xô chuyên dùng để đưa con người ra vũ trụ, từng có trong "tay" 25 năm thâm niên đưa rất nhiều thế hệ phi hành gia quốc tế rời khỏi quỹ đạo xa xôi của Trái Đất, để thực hiện những sứ mệnh to lớn ngoài không gian.
Đối với thế giới những năm cuối thế kỷ 20, khám phá vũ trụ không còn quá xa lạ với loài người. Khi người Mỹ "siêng năng" thực hiện hàng chục chuyến thám hiểm bằng tàu con thoi thì người Liên Xô lại chưa bao giờ xây dựng nhiều trạm vũ trụ đến thế. Trong đó, tất nhiên phải nhắc đến Mir - Trạm vũ trụ Hòa Bình (Mir space station) được Liên Xô phóng năm 1986, chuyên thực hiện các thí nghiệm khoa học ngoài không gian, phục vụ cho hòa bình và sự phát triển của con người.
Sau khoảnh khắc tên lửa Soyuz rời khỏi bệ phóng, Sergei Krikalev biết mình sẽ không hít thở nguồn không khí tự nhiên của Trái Đất trong 312 ngày tới. Nhưng chàng kỹ sư cơ khí tốt nghiệp Học viện Cơ khí Leningrad 33 tuổi khi ấy lại không hề nghĩ mình phải chứng kiến cảnh đất nước (Liên Xô) sụp đổ ở một khoảng cách xa mặt đất đến 322km.Và rằng thành phố quê hương anh Leningrad sẽ được đổi thành St. Petersburg. Và còn rất nhiều đổi thay khác kể từ ngày Liên Xô trở thành nước Nga của ngày nay.
Cứ như thế, vào cái ngày anh trở về sau 312 ngày sống trong vũ trụ, Sergei Krikalev chính là công dân Liên Xô cuối cùng, một đối trọng hùng mạnh của Mỹ trong cuộc Chiến tranh Lạnh kéo dài 45 năm đằng đẵng.
Nhưng thôi...
Vượt lên tất cả những sự đổ vỡ, những căng thẳng chính trị và những cuộc đua không ngừng của vũ khí, công nghệ và không gian, người Mỹ và người Nga lại bắt tay nhau cùng thực hiện dự án nghiên cứu vũ trụ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử: Xây dựng Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). (Đọc bài chi tiết, tại đây).
Không giống như Yuri Gagarin, Sergei Krikalev chẳng phải anh hùng dân tộc. Hồi ấy, phần lớn người dân nước anh không biết anh là ai! Cũng đúng thôi, một phi hành gia kiệm lời và khiêm tốn như anh thì đâu mong kiếm tìm những hào quang sân khấu hào nhoáng bên ngoài. Nói vậy, không có nghĩa là phủ nhận những cống hiến tuyệt vời của Yuri Gagarin cho Liên Xô nói riêng và thế giới nói chung. Bởi ta đang "nhìn" Sergei Krikalev ở một góc độ khác, dưới vầng ánh sáng khác.
Ở thủa đôi mươi, Sergei Krikalev đã gom cho mình những thành tích đáng nể. Năm 23 tuổi, anh nhận bằng kỹ sư cơ khí và vào làm việc ngay cho Tập đoàn tên lửa vũ trụ Energia. Hai năm sau, khi trạm vũ trụ Salyut 7 của Liên Xô gặp sự cố, Sergei Krikalev là thành viên của trung tâm chỉ huy dưới mặt đất nhằm xử lý sự cố của Salyut 7.
Với tài năng và những cống hiến không ngừng cho ngành vũ trụ Liên Xô, năm 1988, khi Sergei Krikalev 30 tuổi, anh chính thức trở thành phi hành gia và hoàn thành sứ mệnh bay vào vũ trụ đầu tiên của mình lên Trạm Vũ trụ Hòa bình. Sau khi quay về Trái Đất vào tháng 4/1989, Sergei Krikalev được vinh danh là anh hùng Liên Xô.
Chuyến bay thứ hai của anh vào vũ trụ được thực hiện vào ngày 18/5/1991. Khi đó, anh cùng Helen Sharman, phi hành gia người Anh đầu tiên bay vào vũ trụ, và người đồng hương Anatoly Artsebarsky tiếp tục lên đường thực hiện những sứ mệnh to lớn trên Trạm Vũ trụ Hòa Bình.
Tất nhiên, Mir space station là một trạm nghiên cứu khoa học ngoài không gian, hàng năm, Liên Xô phải bỏ ra rất nhiều tiền để đưa con người lên Mir làm việc và sinh sống. Một "hiện thực" không thể chối bỏ trên Mir mà chỉ giới phi hành gia mới thấu đó là Mir không hề sạch sẽ, trừ những phòng thí nghiệm được vô trùng hoàn toàn, thì đội ngũ các kỹ sư và giới khoa học phải sống trong một "lồng sắt" ồn ào, nhiều vi khuẩn và mùi của những con người sống hàng trăm ngày trong lồng kín.
Nhưng đối với Sergei Krikalev, tất cả những điều đó chưa bao giờ là vấn đề với anh. "Anh ấy luôn nói với chúng tôi rằng, cứ khi nào lên Trạm Hòa Bình là anh ấy cảm thấy như được trở về nhà. Sergei yêu cái cảm giác cơ thể không có trọng lượng và luôn học để bay như một loài chim. Trong khi nhiều đồng nghiệp trên Trạm đọc sách để giết thời gian thì anh ấy lại dành hàng giờ trong quỹ thời gian rảnh hiếm hoi để nhìn ra ngoài ô cửa, hướng về nơi ấy xa xăm.", nữ phi hành gia người Anh Helen Sharman chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn sau khi về Trái Đất.
"Tôi thường tranh thủ những lúc thảnh thơi để ngắm nhìn Trái Đất. Khối tinh cầu ấy chưa bao giờ nhỏ bé, đầy sức sống và đáng yêu đến vậy khi được ngắm nhìn ở một khoảng cách hàng trăm km.", Sergei Krikalev tâm sự.
Kết thúc nhiệm vụ 8 ngày ngắn ngủi ngoài không gian, nữ phi hành gia Helen Sharman trở về Trái Đất, tạm biệt hai đồng nghiệp bay cùng chuyến khởi hành và chúc họ thực hiện sứ mệnh kéo dài nhiều tháng thành công ở Mir.
Ngày 25/12/1991
Chiến tranh Lạnh kết thúc! Liên Xô giải thể, 15 quốc gia (bao gồm cả Nga) tuyên bố độc lập.
"Chúng ta đứng đây trong đêm linh thiêng này để hướng về một thế giới ngập tràn hy vọng và trách nhiệm về một tương lai tốt đẹp hơn cho con cháu chúng ta. Thách thức lớn nhất với đất nước chúng ta là đoàn kết tất cả các bang và xây dựng một tương lai thịnh vượng mãi về sau.", Tổng thống Mỹ thời bấy giới là George H.W. Bush phát biểu trước toàn thể người dân Mỹ vào đêm Giáng Sinh năm 1991, sau khi hay tin Tổng thống Liên bang Xô Viết Mikhail Gorbachyov từ chức.
Những giây phút ấy....
Sergei Krikalev không được chứng kiến. Anh không có mặt tại quê hương để có cơ hội lưu giữ những kỷ niệm cuối cùng về một Liên Xô hào hùng. Để đến khi trở về, thành phố quê hương anh cũng thay tên đổi dáng. Tất cả chỉ còn là quá khứ khi người anh hùng Liên Xô ấy đang mạo hiểm tính mạng ra bên ngoài Trạm Vũ trụ Hòa Bình để sữa chữa những phần hỏng hóc của con tàu.
Phi hành gia Aleksandr Volkov và Sergei Krikalev (phải) đang làm việc trên Trạm Vũ trụ Hòa Bình. Nguồn: TASS/Sovfoto/Eastfoto
"Đối với chúng tôi, sự kiện này không hề được báo trước, tất cả xảy ra quá bất ngờ. Chúng tôi chẳng thể hiểu chuyện gì đang xảy ra với đất nước mình. Chúng tôi nói nhiều về sự kiện này và rồi cố gắng hình dung ra các chương trình không gian sẽ bị sự kiện ấy tác động về sau như thế nào.
Chưa bao giờ Sergei Krikalev hướng mắt về Trái Đất với nỗi buồn khôn nguôi đến vậy. Trong khoảng thời gian khó khăn đó, Sergei Krikalev nhận điện từ vợ anh, Elena, người hiện đang làm việc tại trung tâm chỉ huy mặt đất.
Họ nói đủ thứ chuyện từ sứ mệnh vũ trụ của chồng trên Mir đến những khủng hoảng chính trị khiến giá nhà tăng lên đáng kể. Sergei Krikalev buồn vì thời thế đất nước một thì anh lại lo cho vợ và cô con gái 9 tháng tuổi mười.
Những biến động của đất nước tác động mạnh mẽ lên gia đình anh nói riêng và nhiều gia đình và đồng bào anh nói chung càng khiến anh "nóng ruột". Trong lúc khó khăn nhất, anh không bên cạnh vợ và con gái mình, điều này tác động tâm lý rất lớn đến Sergei Krikalev.
"Để giữ vững tâm lý cho chồng thực hiện sứ mệnh trong những ngày xa nhà, tôi luôn tránh nói về những điều không mong muốn. Vì tôi biết, khi tôi ở nhà lo những chuyện khó khăn của một người vợ, thì anh ấy cũng đang đánh đổi tính mạng để thực hiện những nhiệm vụ khó khăn hơn ngoài kia. Để anh ấy buồn lo chuyện ở nhà quả thực tôi không cam tâm.", Elena tâm sự.
Nhờ tình yêu của vợ, và vì sứ mệnh phải tuyệt đối đảm bảo an toàn cho đồng nghiệp trên Trạm Hòa Bình, người kỹ sư hàng không Sergei Krikalev đã tạm quên đi nỗi đau của một người con phải chứng kiến cảnh đất nước mình tan rã để hoàn thành nhiệm vụ sửa chữa và nâng cấp vỏ tàu Mir.
Ngày 25/3/1992
Sau sứ mệnh nhiều tháng trên Trạm Vũ trụ Hòa Bình, Sergei Krikalev quay về Trái Đất, quay về quê hương đã phần nào "thay da đổi thịt" khi anh đi. Người công dân cuối cùng của Liên Xô được Soyuz đáp xuống khu vực gần thành phố Arkalyk, thuộc Cộng hòa Kazakhstan.
Sứ mệnh bay vào vũ trụ lần thứ hai của Sergei Krikalev đem lại cho anh quá nhiều cảm xúc. Sau 312 ngày sinh sống và làm việc ngoài không gian đã cho anh (cùng Mir) bay vòng quanh Trái Đất 5.000 lần. Đã bao nhiêu lần anh cùng đồng nghiệp trên tàu được ngắm nhìn bình minh và hoàng hôn tuyệt diệu từ Mir. Sau sứ mệnh to lớn này, lại một lần nữa đất nước vinh danh anh là Anh hùng Liên bang Nga.
Nhận những danh hiệu to lớn và kỷ lục thế giới là thế nhưng suy cho cùng Sergei Krikalev khi trở về nhà, anh chỉ đơn giản là một người chồng của Elena, người cha của cô con gái nhỏ đáng yêu. "Dù có hoàn thành sứ mệnh to lớn ngoài vũ trụ, khi về nhà, tôi còn có cả một mái nhà cần chăm chút!"
Câu chuyện của Sergei Krikalev có lẽ khiến chính anh nhớ mãi về sau khi một năm trước anh bay lên vũ trụ làm nhiệm vụ, anh là công dân Liên Xô, nhưng khi anh trở về Trái Đất, anh đã mang quốc tịch khác.
Nhiều năm về sau, người anh hùng Liên bang Nga ấy vẫn tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp khám phá vũ trụ. Tính đến tháng 4/2015, phi hành gia Sergei Krikalev là người sinh sống ngoài vũ trụ lâu nhất trên thế giới với tổng thời gian là 803 ngày, 9 giờ, 39 phút.
Nhà du hành kiệm lời và khiêm tốn ấy cuối cùng đã khiến cả thế giới phải khâm phục bằng chính niềm đam mê với sự nghiệp khám phá vũ trụ của mình. Không hào nhoáng, không đình đám, anh chinh phục mình, chinh phục vũ trụ và thế giới bằng những cống hiến đầy âm thầm, lặng lẽ.
Năm 2007, Sergei Krikalev chính thức dừng các sứ mệnh bay vào vũ trụ. Hiện anh đang làm phó chủ tịch Tập đoàn tên lửa vũ trụ Energia (Chuyên chế tạo và sản xuất kỹ thuật không gian).
*Về sau, kỷ lục này bị phá bởi phi hành gia người Nga Gennady Padalka, với tổng 879 ngày ngoài vũ trụ - Nguồn: Guinnessworldrecords.
Bài viết sử dụng nguồn: Chuyên san của Tạp chí TIME (Mỹ)