Sáng hôm nay (30/5), ngay sau phát biểu của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại Đối thoại Shangri-la 14 diễn ra ở Singapore, Bộ quốc phòng Trung Quốc đã lập tức triệu tập họp báo để đưa ra phản ứng chính thức đối với các phát ngôn của ông Carter.
Tại họp báo, Thiếu tướng Hải quân Quan Hữu Phi - Chủ nhiệm Văn phòng ngoại vụ BQP Trung Quốc - nhận định, quan điểm của Bộ trưởng Carter đối với vấn đề Biển Đông "chí ít có 3 phương diện không được thể hiện một cách toàn diện" và "không có tính hợp pháp cũng như tính xây dựng".
Ông Quan nói - "Thứ nhất, ông ta (Ashton Carter - PV) tỏ ra nghi ngờ và chất vấn ý đồ xây dựng đảo nhân tạo (phi pháp - PV) của Trung Quốc, nhưng thực tế thì chính phủ Trung Quốc đã vô số lần tuyên bố 'tính hợp pháp và hợp lý' của hoạt động xây đảo nhân tạo.
Về điểm này, Mỹ vẫn thiếu sót sự hiểu biết và lý giải lập trường của Trung Quốc.
Thứ hai, Carter bàn đến tự do hàng hải. Nhưng thực ra tự do hàng hải trên Biển Đông từ trước tới nay không hề chịu bất kỳ sức ảnh hưởng nào, chỉ là một số cơ quan truyền thông cố ý 'làm to chuyện' vụ máy bay do thám Mỹ để khiến vấn đề này trở nên nổi cộm hơn.
Chúng tôi cho rằng sử dụng sức mạnh quân sự để làm nổi rõ vấn đề tự do hàng hải chính là một sự lý giải lệch lạc (của Mỹ - PV) đối với các quy định về tự do trên biển.
'Tự do hàng hải' cần phải có lợi cho phát triển kinh tế, chứ không phải để tàu chiến của nước mình được tự do hiện diện ở khắp mọi nơi.
Thứ ba, phần trần thuật của ông Carter về tình hình khu vực Biển Đông không nổi bật được tính công bằng. Trung Quốc không phải là kẻ gây chuyện ở đây. Bắc Kinh vốn rất biết kiềm chế".
Như vậy, về cơ bản, phản ứng của Bộ quốc phòng Trung Quốc không khác so với những gì mà báo chí đã dự đoán, rằng Bắc Kinh sẽ bỏ ngoài ta mọi lời cảnh tỉnh để tiếp tục luận điệu bao biện đầy trắng trợn cho những hành động phi pháp trên Biển Đông.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu tại Đối thoại Shangri-la 14 vào sáng nay (30/5). Ảnh: THX.
Mỹ nhấn mạnh "giải quyết hòa bình" khiến Trung Quốc hả hê
Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) cho hay, trong bài diễn văn sáng nay, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã một lần nữa nhắc lại lời phát biểu hôm 27/5 kêu gọi Trung Quốc dừng toàn bộ hoạt động ở Biển Đông.
Ông Ashton Carter cũng cho biết, nước này sẽ tiếp tục ưu tiên việc đạt được một giải pháp hòa bình cho tất cả các bên liên quan, đồng thời phản đối bất cứ hành vi quân sự hóa hơn nữa tại các khu vực tranh chấp.
Ông Carter nhấn mạnh, Washington sẽ tiếp tục hoạt động ở vùng biển và không phận quốc tế để khẳng định quyền tự do đi lại mà Trung Quốc đang phá vỡ.
Trong bài phát biểu, người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng nêu bật các hành vi xây dựng phi pháp đang có dấu hiệu tăng mạnh của Trung Quốc trong vòng hơn một năm trở lại đây, với hơn 800 héc-ta diện tích đất được cải tạo trái phép trong 18 tháng qua.
Đáp lại, Quan Hữu Phi tuyên bố Trung Quốc "hy vọng hành động thực tế của Mỹ sẽ đem lại cân bằng (ở châu Á-Thái Bình Dương) theo đúng nghĩa, chứ không phải chỉ nhằm vào một mình Trung Quốc.
Tướng Quan nhấn mạnh Trung Quốc "có lập trường rõ ràng về vấn đề xây dựng (phi pháp - PV) ở Biển Đông" và tuyên bố bằng luận điệu ngang ngược thường thấy gần đây của nước này: "Bắc Kinh chủ trương không để cho một quốc gia nào chèn ép".
Phát ngôn của Quan đã tái khẳng định, Trung Quốc sẽ tiếp tục những hành vi lấp biển, xây đảo nhân tạo trái phép một cách trắng trợn, núp bóng cái cớ "phát triển hệ thống dân sinh".
Hoàn Cầu cho hay, trong phần phỏng vấn ông Carter sau diễn văn cũng như cuộc họp báo ngắn của Chủ tịch Ủy ban quân sự Thượng viện Mỹ John McCain, truyền thông quốc tế đã đưa ra nhiều câu hỏi buộc Mỹ phải "ngửa bài".
Những vấn đề như "nếu Bắc Kinh ngoan cố xây đảo nhân tạo trái phép, Mỹ có thể làm gì?" hay "Mỹ đã cảnh cáo bằng lời rất nhiều, đã đến lúc đưa ra hành động tiếp theo"... trở thành tiêu điểm quan tâm của báo chí.
Tuy nhiên, Hoàn Cầu bình luận mỉa mai, ngoài việc nhấn mạnh sự hiện diện "quyền lực Mỹ" ở các vùng biển và không phận quốc tế, cũng như phủ nhận toàn bộ hoạt động xâm chiếm trái phép đảo đá trên Biển Đông, các ông Carter và McCain "chưa đưa ra được hứa hẹn cụ thể nào".
Ông Kim Nhất Nam đánh giá, so với các màn "đấu khẩu" thẳng thừng trong các năm trước thì năm nay, thái độ của Mỹ đối với Bắc Kinh đã "nhẹ nhàng" đi nhiều.
Kim Nhất Nam cho rằng, các nước lớn như Trung Quốc và Mỹ đã "học được bài học ngoại giao" và xem biểu hiện của các bên tại Đối thoại Shangri-la như một "cuộc chơi thăm dò".