Ngã ba đường
Theo phân tích của tờ Australian Financial Review (AFR), việc Trung Quốc tiếp tục ngang nhiên tiến hành xây dựng và cải tạo phi pháp trên các đảo đá trên Biển Đông đã dẫn đến sự đáp trả cứng rắn từ Mỹ, đồng thời cũng khiến Australia "không thể ngồi yên".
Sau nhiều năm đóng vai "người ngoài cuộc" trên Biển Đông, nay với việc đồng minh Mỹ đã công khai khẳng định lập trường của mình, Australia bỗng dưng đứng trước ngã ba đường.
Nếu Canberra tiếp tục "tảng lờ" như những gì họ đã làm trước đây, Mỹ sẽ hiểu đó đồng nghĩa với việc đồng minh của họ đang bỏ qua cho những hành vi bành trước ngang ngược và phi pháp của Trung Quốc.
Mặt khác, nếu Australia lên tiếng phản đối, hay mạnh hơn là điều tàu, máy bay đến tuần tra khu vực 12 hải lý do Trung Quốc tuyên bố trái phép, kim ngạch thương mại song phương trị giá 150 tỉ USD giữa Australia và Trung Quốc chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.
Tuy nhiên, theo những động thái gần đây từ Canberra, có vẻ như Australia đang thiên về sự lựa chọn thứ hai.
Bộ Quốc phòng Australia lên tiếng
Theo AFR, những phát biểu mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Australia, ông Dennis Richardson, là bằng chứng cho thấy Australia sẽ đóng vai trò lớn hơn trong chiến dịch chế ngự Trung Quốc trên Biển Đông.
Trong một cuộc họp tại Sydney hôm 28/5 vừa qua, ông Richardson thể hiện quan điểm tương đồng với chính phủ Obama, với tuyên bố lợi ích quốc gia của Australia có liên quan mật thiết tới quyền tự do đi lại tại những khu vực Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép trên Biển Đông.
Ông Richardson cũng khẳng định, chính phủ Australia "quan ngại trước tiến độ và cường độ chưa từng thấy của các hành vi cải tạo đất trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông".
Ngay sau phát biểu của ông Richardson, báo AFR đã cho đăng tải một bài góc nhìn, trong đó ủng hộ việc Australia hợp tác cùng Mỹ để khẳng định quyền tự do đi lại trên Biển Đông.
"Điều này sẽ cho thấy những tuyên bố chủ quyền phi pháp trên biển và trên không của Trung Quốc không hề được quốc gia nào khác công nhận" - báo này khẳng định.
Trong một diễn biến liên quan, một số nguồn tin giấu tên trong Bộ Quốc phòng Australia cũng đã tiết lộ thông tin về các cuộc tranh luận nội bộ của chính phủ và quân đội Australia cho hãng tin Fairfax.
Theo đó, các quan chức Australia cáo buộc Trung Quốc đã "vận chuyển vũ khí lên các đảo nhân tạo mà nước này đang xây dựng trái phép trên Biển Đông".
Cáo buộc này sau đó đã lập tức được các phương tiện truyền thông Australia đăng tải rộng rãi.
Ngoài ra, một số quan chức cấp cao trong quân đội Australia cũng cho biết họ đang tính toán việc sẽ điều động không quân và hải quân nước này tham gia vào công cuộc gìn giữ "quyền tự do đi lại" trên Biển Đông.
Fairfax cũng cho biết, Thủ tướng Australia Tony Abbott trong vòng hai tuần tới sẽ nhận được một bản báo cáo liệt kê đầy đủ các lựa chọn cho từng đường đi nước bước trên Biển Đông, trong đó có kết hợp với nhiều đối tác trong khu vực.
Tất cả các lựa chọn này sẽ được bàn luận kĩ lưỡng với Lầu Năm Góc.
Tập trận trong khu vực
Fairfax cũng dẫn lời một số quan chức cấp cao cho biết, Australia nhiều khả năng sẽ tham gia một cuộc tập trận với Mỹ hoặc một trong các đối tác khu vực khác như Nhật Bản, Malaysia, hay Singapore.
Hãng tin này cũng nhấn mạnh, việc tổ chức tập trận đã được thảo luận tại Washington, Tokyo, Kuala Lumpur, và Singapore, nhưng tính đến thời điểm này, chưa có một lời mời chính thức nào được gửi tới Canberra.
Trong khuôn khổ cuộc thảo luận, Bộ Quốc phòng Australia cũng đã nhắc đến sự cần thiết của việc "chứng minh với Trung Quốc rằng Australia không hề công nhận những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên các đảo đá nhân tạo".
Theo AFR, khinh hạm HMAS Perth và tàu ngầm lớp Collins HMAS Rankin hiện đang đóng tại Biển Đông và có thể được điều động phục vụ cho mục đích khẳng định lập trường với Trung Quốc bất cứ lúc nào.
Nếu Bộ Quốc phòng Australia có thể sớm đi đến quyết định cuối cùng, Mỹ sẽ có thêm một trợ thủ đắc lực trong chiến dịch chế ngự Trung Quốc trên Biển Đông.