BBC: Vì đâu Ukraine kiệt quệ, TT Poroshenko giàu lên gấp 7 lần?

Quang Huy |

Căn cứ vào công bố thu nhập của ông Petro Poroshenko năm 2013 và 2014, hãng tin Anh BBC cho hay, sau 1 năm trên cương vị tổng thống Ukraine, ông này đã giàu lên đáng kể.

Theo hãng tin Anh BBC, tổng thu nhập của ông Poroshenko trong năm 2013 là 51 triệu hryvnia (hơn 2,4 triệu USD).

Một năm sau đó, trên cương vị Tổng thống, thu nhập của ông này tăng gấp 7 lần, lên mức 369 triệu hryvnia (hơn 17,4 triệu USD).

Điều đáng chú ý là giá trị tài sản của Tổng thống Ukraine vẫn tăng lên khi mà hoạt động kinh doanh của cá nhân ông này ở Nga và Crimea gặp nhiều khó khăn, còn nền kinh tế Ukraine đang suy thoái do cuộc xung đột tại miền Đông.

BBC cho rằng, việc so sánh giá trị thu nhập tuyệt đối của ông Poroshenko trong năm 2013 và 2014 sẽ không hoàn toàn chính xác.

Lý do là bởi tỷ giá đồng hryvnia so với đa số các đồng ngoại tệ mạnh trên thế giới tiếp tục giảm trong cả năm 2014 và chỉ mới ổn định trở lại cách đây không lâu.

Bộ phận báo chí của Tổng thống Poroshenko thông báo, ông đã dùng toàn bộ tiền lương của mình cho hoạt động từ thiện. Năm ngoái, tổng số tiền mà Tổng thống Ukraine làm từ thiện lên đến hơn 123 triệu hryvnia.

Tuy nhiên, kể cả như vậy thì cũng khó có thể lý giải được tại sao thu nhập của Tổng thống Poroshenko lại tăng đột biến như vậy.

Chia cổ tức hay lãi ngân hàng?

Ông Poroshenko từng khẳng định, ông đã tự bỏ tiền túi ra đầu tư cho chiến dịch vận động bầu cử tổng thống của mình.

Theo các chuyên gia phân tích, cần phải tính tới yếu tố này khi tìm hiểu việc tài sản của ông Poroshenko thực sự đã tăng lên như thế nào.

"Là cổ đông lớn nhất trong doanh nghiệp của mình, ông Poroshenko có thể đã nhận tiền cổ tức và đầu tư vào chiến dịch vận động bầu cử", tổng biên tập trang tin Ukraine Dengi.ua, ông Alexander Kramarenko, dự đoán.

"Hoàn toàn logic khi trước cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào năm ngoái, họ quyết định chia cổ tức cho các cổ đông. Như vậy, ông Poroshenko nhận được tiền cổ tức, hợp thức hoá thu nhập, đóng thuế và đầu tư minh bạch vào chiến dịch vận động bầu cử".

Ngoài ra, cần phải nói tới việc tỷ giá đồng USD và Euro so với đồng hryvnia năm 2014 tăng so với năm 2013. Do đó, không loại trừ khả năng ông Poroshenko thu được tiền lãi từ những tài khoản ngoại tệ gửi ở ngân hàng.

Truyền thông cũng đưa ra một vài lý do có thể khiến thu nhập của Tổng thống Ukraine tăng lên. Có thể kể tới việc doanh thu của hãng bánh kẹo Roshen (thuộc sở hữu của ông này) tăng lên 9 lần.

Trong khi đó, vốn điều lệ của Ngân hàng Đầu tư Quốc tế mà ông Poroshenko là một cổ đông cũng tăng lên đáng kể.

Bên trong một nhà máy của hãng bánh kẹo Roshen.

Bên trong một nhà máy của hãng bánh kẹo Roshen.

Không bán được sản nghiệp hay còn "kênh kiệu"?

Ngoài tập đoàn Roshen, Tổng thống Ukraine còn có cổ phần trong nhiều doanh nghiệp như Nhà máy hàng hải Sevastopol, một vài công ty lương thực, tập đoàn chế tạo xe hơi Bogdan-Auto... Ông này còn là chủ sở hữu của một số kênh truyền hình, đài phát thanh.

Khi giữ nắm giữ vị trí lãnh đạo đất nước, ông Poroshenko khẳng định rằng ông đã bàn giao toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình cho các tổ chức quốc tế đáng tin cậy quản lý, và họ sẽ tìm đối tác để giúp nhượng lại tất cả những gì ông đang sở hữu.

Dù vậy, vị tổng thống này từng chia sẻ rằng ông không có thời gian, và cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện lời hứa bán hết sản nghiệp của mình.

"Ví dụ, khi tôi muốn bán tài sản của mình tại Nga thì ngay lập tức bị chính phủ Nga phong toả, họ không cho tôi cơ hội để bán, vì bạn biết đấy, không thể bán những gì nằm trong diện bị phong toả.

Thêm nữa, tài sản của tôi tại Nga cũng bị tịch thu, và họ định sử dụng việc này để gây áp lực lên tôi".

Về phần mình, Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Chính quyền của Tổng thống Nga không giám sát các vấn đề về kinh doanh, kể cả (của các doanh nghiệp) trong và ngoài nước".

chánh văn phòng tổng thống ukraine
Boris Lozkin
Tổng thống không kinh doanh. Đúng là ông ấy đang cố gắng bán hết các doanh nghiệp của mình, trước tiên là tập đoàn Roshen. Nhưng thị trường hiện nay đang rất khó khăn. Các nhà đầu tư không muốn đổ tiền vào đây. Kể cả khi thị trường tốt lên thì việc nhượng lại cũng không thể diễn ra ngày một ngày hai.

Trong khi đó, đã có những thông tin về việc tập đoàn Nestle của Thuỵ Sĩ ngỏ ý mua lại Roshen với giá 1 tỷ USD. Tuy nhiên chính tổng thống Poroshenko lại không muốn bán, bởi ông cho rằng, giá trị Roshen ít nhất cũng phải là 3 tỷ USD.

Giám đốc điều hành Roshen Vyacheslav Moskalevsky thì đã từng nói với hãng tin Mỹ Bloomberg rằng ông quan tâm nhiều tới việc phát triển doanh nghiệp này hơn là nhượng lại nó.

Còn công ty hàng hải của ông này ở Sevastopol (Crimea) đã bị chính quyền thành phố quốc hữu hoá sau khi Crimea sáp nhập vào Nga.

Hậu quả nghiêm trọng

Đã xuất hiện nhiều lời buộc tội nhằm vào Tổng thống Ukraine liên quan tới các xung đột lợi ích và việc ông này không thực hiện đúng cam kết đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử.

Nhà báo Ukraine
Sergei Rudenko
Rõ ràng là ông Poroshenko đã và vẫn đang một trong những tài phiệt quyền lực nhất tại Ukraine. Đằng sau vũ đài chính trị, người ta còn nói đùa với nhau rằng tổng thống hiện nay có một nhiệm vụ tối quan trọng - Làm thế nào để Ukraine chỉ còn lại 1 nhà tài phiệt duy nhất.

Nhà nghiên cứu chính trị Victor Nabozenko cảnh báo hậu quả chính trị nghiêm trọng đối với Tổng thống Poroshenko nếu ông vẫn giữ hoạt động làm ăn của mình.

"Làm sao có thể chấp nhận một vị tổng thống - trùm tài phiệt - trong khi kinh tế đất nước suy thoái, phúc lợi của người dân bị giảm đi vì chiến tranh, còn tài sản của tổng thống vẫn tăng lên?".

"Làm sao một trùm tài phiệt có thể thực hiện được lời hứa quyết tâm chống lại các trùm tài phiệt? Ông ấy không thể tập hợp họ lại và đưa ra một thoả thuận vững chắc.

Họ sẽ đồng thanh nói: Hãy bắt đầu từ chính mình đi. Bởi vì họ đơn giản chỉ là những trùm tài phiệt, còn ông ấy là trùm tài phiệt có đầy đủ quyền lực trong tay".

Trong khi đó, chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Boris Lozkin nói rằng việc gọi tổng thống là trùm tài phiệt là hoàn toàn không đúng.

"Tổng thống không hề có bất cứ doanh nghiệp nào trong những lĩnh vực thường gây ra xung đột về lợi ích. Ông ấy không bao giờ dùng tới sự hỗ trợ của nhà nước nhằm mục đích phát triển hoạt động kinh doanh của mình".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại