NATO đau đầu "giải cứu" các nước Baltic và Ukraine khỏi Nga

Đức Dũng |

Nga đang sử dụng các cuộc tập trận nhằm che giấu các hoạt động chuyển quân lớn đến gần biên giới Ukraine và gửi quân đến Ukraine để hỗ trợ lực lượng ly khai, quan chức NATO nhận định.

Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố: "Có các mối đe dọa trong việc Nga tiến hành các cuộc tập trận bất ngờ nhằm che giấu việc “thôn tính” một phần của nước khác, như đã “chiếm đoạt” Crimea".

Nga đang sử dụng các cuộc tập trận nhằm che giấu các hoạt động chuyển quân lớn đến gần biên giới Ukraine và gửi quân đến Ukraine để hỗ trợ lực lượng ly khai, ông  Jens Stoltenberg nói.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng nhấn mạnh rằng liên minh "sẽ phản ứng đáp trả theo cách thức tỷ lệ thuận trong trường hợp Nga tấn công" vào các quốc gia thành viên NATO.

Theo Jens Stoltenberg, phòng thủ tập thể vẫn là vấn đề quan trọng nhất đối với liên minh hiện nay.

Tại Hội nghị “an ninh của NATO” diễn ra tại Prague cộng hòa Czech, vấn đề mối đe dọa từ phía Nga được đưa ra thảo luận.

Tại đây, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, Tướng cộng hòa Czech, Peter Pavel tuyên bố quân đội Nga có khả năng “xâm chiếm” các nước Baltic trong vòng hai ngày và cũng trong thời gian đó, quân đội nước này cũng có thể “nuốt chửng” Kiev.

Cũng theo tướng Peter Pavel, trong tình huống này NATO "không thể phản ứng kịp thời, đầy đủ". NATO sẽ mất nhiều thời gian để có được một quan điểm chung, thống nhất.

Và lúc đó, Liên minh phải thông qua một quyết định hết sức khó khăn để bắt đầu một cuộc chiến tranh với Nga, trong đó có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.

Trước đó, tờ Deutsche Welle viết Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso về các mối đe dọa từ Putin đối với các nước châu Âu.

Ông Poroshenko nhấn mạnh rằng nhà lãnh đạo Nga nói: "Nếu tôi muốn thì quân đội Nga có thể trong hai ngày không chỉ chiếm Kiev mà còn Riga, Vilnius, Tallinn, Warsaw và Bucharest".

Còn tờ The Guardian (Anh) viết Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đang rất lo ngại về mối đe dọa hạt nhân từ Nga, bởi nó gây ra "quan ngại sâu sắc và nguy hiểm".

Ông Jens Stoltenberg quan ngại việc Nga lên kế hoạch triển khai các tên lửa có khả năng mang vũ khí hạt nhân ở Kaliningrad, gần biên giới Ba Lan.

Theo Jens Stoltenberg, việc Nga có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân tại Kaliningrad là "bất hợp lý, gây bất ổn, và nguy hiểm", và nhấn mạnh "chúng ta không quay trở lại "chiến tranh lạnh", nhưng chúng ta đang ở xa trong quan hệ đối tác chiến lược".

The Globe and Mail viết quân đội Nga đang tập hợp quân, xe tăng, tên lửa, pháo binh, xe bọc thép đến gần biên giới Ukraine.

Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đã gay gắt chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin vì "sự xâm lược thô bạo" đối với Ukraine và tuyên bố Tổng thống Putin sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho các cuộc "đàn áp khắc nghiệt", đồng thời cảnh báo các nước phương Tây cần phải chuẩn bị để đáp trả bằng những lệnh trừng phạt thêm nữa nhằm vào Nga nều cần thiết.

Phát biểu tại Viện Brookings ở Washington, ông Biden đã hối thúc hội nghị cấp cao của các nhà lãnh đạo châu Âu vào tháng 6 tới tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt đối với Nga cho đến khi các điều khoản về một thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine được đáp ứng.

Ông Biden cáo buộc Điện Kremlin tài trợ cho các thế lực chính trị gây mất ổn định ở khắp châu Âu, nuôi dưỡng "bộ máy tuyên truyền hung hăng” và sử dụng vấn đề tham nhũng như một công cụ của chính sách ngoại giao.

Hiện điện Kremlin từ chối bình luận về sự “chuyển động” của quân đội Nga. Song, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov gọi các cáo buộc của phương Tây về khả năng quân đội Nga xâm lược Ukraine là vô căn cứ.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ báo Độc lập, một trong những tờ báo có số lượng truy nhiều nhất tại Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại