Chưa họp Shangri-la, báo TQ đã hung hăng "dằn mặt" về Biển Đông

My Lan |

Vài giờ trước khi Đối thoại Shangri-la khai mạc tại Singapore ngày 29/5, hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã đã đăng bài xã luận nhằm cảnh cáo, "chặn họng" các quốc gia tham dự.

Lo sợ "liên kết chống lại Trung Quốc"

Khi các hành vi cải tạo đất trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông đang đối mặt với sự lên án của thế giới cũng như sự cứng rắn từ phía Washington, Bắc Kinh rõ ràng đã lường trước được điều gì đang chờ đợi mình tại Shangri-la 2015.

Trong bài xã luận mới đăng tải, Tân Hoa Xã lên giọng:

"Trước thềm cuộc đối thoại có sự tham gia của các Bộ trưởng Quốc phòng và quan chức quân sự cấp cao từ các nước châu Á - Thái Bình Dương, đã có nhiều đồn đoán về việc một số quốc gia sẽ lợi dụng sự kiện này để liên kết với nhau chống lại Trung Quốc.

Chẳng có gì phải ngạc nhiên trước một kịch bản như vậy".

Cụm từ "liên kết chống lại Trung Quốc" nhiều lần xuất hiện trong bài xã luận của Tân Hoa Xã đã cho thấy đó chính là mối lo ngại của chính phủ và truyền thông nước này tại Shangri-la nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.

Có đoạn, bài xã luận lớn giọng: "Các quốc gia châu Á có thể cảm thấy bị hấp dẫn bởi ý tưởng về việc chung tay chống lại Trung Quốc, nhưng họ biết chắc chắn rằng một liên minh như vậy khó có thể là một giải pháp hữu hiệu.

Thay vào đó, nó sẽ đẩy sự ổn định của châu Á vào vòng nguy hiểm".

Tại Shangri-la năm ngoái, Trung Quốc đã phải "rát mặt" vì những chỉ trích kịch liệt nhằm vào mình từ phía nhiều quốc gia tham dự như Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản, liên quan tới các hành động gây hấn trên biển...

Và cho dù hùng hổ đáp trả, song Bắc Kinh không ít lần đuối lý tới mức trả lời vòng vo, thiếu thuyết phục khi bị đại biểu các quốc gia tham dự và phóng viên chất vấn về chính những phát biểu hung hăng của mình.

Lần này, Tân Hoa Xã lớn tiếng "dằn mặt" các quốc gia tham dự:

"Trong vài năm trở lại đây, nhiều diễn đàn an ninh danh tiếng đã và đang bị những kẻ rao giảng lý thuyết "mối đe dọa từ Trung Quốc" đánh chiếm nhằm đạt lợi ích cá nhân ích kỷ của mình mà bắt người khác phải gánh hậu quả".

"Đối thoại Shangri-la đừng nên để trở thành nạn nhân của những kẻ cứng đầu, luôn tin rằng trong một vấn đề, sẽ có một bên hưởng lợi, bên còn lại sẽ phải chịu thiệt hại tương đương.

Cần phải tuân thủ mục tiêu của nó là tạo điều kiện hợp tác cho những thành viên tham dự, thay vì trở thành nơi để đối đầu nhau".

Trong khi đó, báo Singapore The Straits Times nhận định, việc Trung Quốc cử Đô Đốc Hải quân Tôn Kiến Quốc dẫn dầu đoàn đại biểu tham dự Shangri-la cho thấy, Trung Quốc đã sẵn sàng đưa Biển Đông trở thành chủ đề trọng tâm trong diễn đàn năm nay.

"Quân đội Trung Quốc đã chuẩn bị rất kỹ càng (cho Đối thoại Shangri-La). Tôn Kiến Quốc từng được tôi luyện tại Học viện tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc", chuyên gia hải quân Li Jie bình luận.

Chuyên gia Hải quân
Li Jie
Đô đốc Tôn Kiến Quốc nắm chắc các quy định của luật biển quốc tế và chiến lược hàng hải dài hạn của Trung Quốc. Điều này giúp ông ta có thể biện hộ về kế hoạch xây đắp đảo nhân tạo (trái phép) của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như giúp ông ta giải trình tốt về nhiệm vụ trong tương lai của hải quân Trung Quốc trên vùng biển quan trọng này trước mặt các đối tác nước ngoài.

Tân Hoa Xã: "Đừng ảo tưởng"

Cũng trong bài xã luận, Tân Hoa Xã vẫn không hề ngượng mồm khi một lần nữa nói về "ước vọng" hòa bình, hợp tác, ổn định trong khu vực, dù cho những luận điệu kiểu này của Trung Quốc từ lâu đã không thể qua mặt thế giới.

"Trung Quốc yêu mến môi trường hòa bình ở châu Á và có động lực mạnh mẽ để tiếp tục đóng góp cho hòa bình lâu dài trong khu vực. Trung Quốc cam kết giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, tranh chấp quyền hàng hải thông qua các biện pháp hòa bình.

Trừ khi bị khiêu khích, còn không, Trung Quốc vẫn sẽ tiến hành biện pháp hòa bình để thực hiện đối thoại song phương với các quốc gia có liên quan".

Đã thế, Tân Hoa Xã còn lên giọng "dạy đạo lý": "Những thành viên tham gia Đối thoại Shangri-la năm nay nên từ bỏ các tính toán ích kỷ của mình và tập trung tìm kiếm sự ổn định, an ninh lâu dài ở châu Á - Thái Bình Dương".

Không chỉ chính phủ, mà truyền thông Trung Quốc cũng tỏ rõ sự lo lắng trước sự cứng rắn của Mỹ ở Biển Đông. Bài xã luận lên giọng với Washington:

"Đối với Mỹ, quốc gia đóng vai trò không thể chối cãi trong việc kích động "một cuộc đối đầu tập thể" với Trung Quốc, thông điệp rất rõ ràng: Bắc Kinh hoan nghênh vai trò tích cực của Mỹ ở châu Á, nhưng sự can thiệp kéo dài quá lâu sẽ không đời nào được chào đón nồng hậu".

​CHUYÊN GIA PHÂN TÍCH CẤP CAO CỦA IISS
WILLIAM CHOONG
Chúng ta đã chứng kiến chuyện gì xảy ra năm ngoái khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là ông Chuck Hagel chỉ trích sự hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông và cho rằng những hành động đơn phương của nước này đã gây bất ổn cho khu vực.

Tân Hoa Xã thậm chí còn trắng trợn tuyên bố "dã tâm" của Bắc Kinh và "răn đe" các quốc gia khác:

"Là ảo tưởng khi cho rằng Trung Quốc sẽ bị đe dọa mà từ bỏ quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và quyền hàng hải (thực tế là bao gồm cả các khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trái phép trên Biển Đông - PV).

Cũng sẽ là vô ích khi cố gắng hủy hoại danh tiếng "quốc gia yêu chuộng hòa bình" của Trung Quốc".

Ở Shangri-la 2014, phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Vương Quán Trung, từng đưa ra quan điểm rất kỳ quặc rằng, Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) “không áp dụng đối với các đảo và biển ở biển Đông”, để biện minh cho hành vi bất tuân luật pháp của mình.

Trong Đối thoại năm nay, với sự hiện diện của Tôn Kiến Quốc, Trung Quốc chắc chắn sẽ còn trắng trợn và hung hăng hơn trước.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại