"Chiến lược khôn ngoan"
Các học giả tại Trung tâm nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Mỹ (CSIS) cho rằng, bài diễn văn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại Đối thoại Shangri-la - mà phần lớn trong đó đề cập tới vấn đề ở Biển Đông - đã không gây thất vọng.
Chuyên gia Rory Medcalf từ Viện Chính sách Quốc tế Lowy (Australia) cũng nhận định, trong ngày đầu tiên diễn ra Shangri-la, ông Carter đã thể hiện lập trường một cách "cương quyết mà hợp lý".
Học giả Medcalf gọi diễn văn của Bộ trưởng Carter là "thông điệp thông minh cho sự quyết tâm của Mỹ về vấn đề an ninh ở Biển Đông".
Ông Medcalf còn chỉ ra chiến lược mà Mỹ dùng nhằm chuẩn bị cho sự xuất hiện cũng như lập trường của mình ở Shangri-la, nhằm đối phó với Trung Quốc
Vài ngày trước khi lên đường tới Shangri-la, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã hơn một lần lên tiếng phê phán hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như những hậu quả nghiêm trọng về an ninh mà nó có thể gây ra.
Phát biểu trước binh sĩ Mỹ trong một sự kiện ở Trân Châu Cảng ngày 27/5, ông Carter đã yêu cầu Trung Quốc phải dừng ngay lập tức việc xây dựng đảo trái phép ở Biển Đông.
Trước khi bắt đầu chuyến công du châu Á 11 ngày của mình, ông Carter khẳng định với báo giới rằng, Mỹ "đã bay trên Biển Đông trong nhiều năm và sẽ tiếp tục bay", bất chấp đe doạ từ phía Trung Quốc.
Ông này cho rằng, chính hoạt động cải tạo trái phép của Trung Quốc và quy mô của hành vi này mới là "vấn đề mới", thay đổi hiện trạng Biển Đông.
Một tuần trước khi Shangri-la diễn ra, Mỹ cũng lần đầu tiên cho phép nhóm phóng viên CNN lên chiếc P-8A Poseidon, tham gia tuần tra trên Biển Đông, để thấy rõ hơn các hành động ngang ngược của Trung Quốc cũng như phản ứng cứng rắn của Mỹ.
Học giả Medcalf nhận định rằng, đây là "một bước đi khôn khéo của Mỹ. Nó đã tạo tiền đề cho bài phát biểu của ông Carter ở Singapore, cho phép ông này nhấn mạnh tính hợp lý trong cách tiếp cận của Mỹ (với vấn đề Biển Đông)".
Thiếu sót của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ?
Theo Medcalf, những phát biểu cứng rắn của ông Carter gần đây "không phải là tối hậu thư, song là cách thể hiện rõ ràng nhất lập trường của Mỹ với hành động xây dựng (trái phép) của Trung Quốc và quyền tự do đi lại của tất cả các quốc gia ở vùng biển quốc tế".
Trong diễn văn của mình ở Shangri-la, ông Carter đã tố cáo Trung Quốc chiếm đoạt và cải tạo trái phép hơn 800 hecta diện tích đất trên Biển Đông chỉ trong 18 tháng.
Ông cũng cảnh báo hành vi của Trung Quốc làm tăng thêm "nguy cơ tính toán sai lầm hoặc nảy sinh xung đột", đồng thời cương quyết rằng rằng, Mỹ sẽ vẫn tiếp tục điều máy bay, tàu chiến... tới hoạt động tại "bất cứ nơi đâu luật pháp cho phép".
Học giả Medcalf lưu ý, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã "truyền đi những thông điệp mạnh mẽ" trong bài diễn văn của mình mà không gây ra đối đầu nảy lửa với Trung Quốc như cách mà người tiền nhiệm Chuck Hagel đã làm ở Shangri-la năm ngoái.
"Nó giống như một câu chuyện mà ở đó, thông qua cách Mỹ thể hiện quyết tâm của mình ở Biển Đông, có thể thấy quốc gia này ủng hộ việc Mỹ gắn kết mình với lợi ích của một khu vực rộng lớn hơn, xét về vấn đề ổn định và thịnh vượng chung".
Đồng quan điểm với Medcalf, nhà phân tích cấp cao của CSIS Bonnie Glaser đánh giá: "Ông Carter đang cố gắng để không nhằm vào Trung Quốc một cách quá gay gắt, nhưng tới cuối ngày, vấn đề thực sự nằm ở Trung Quốc và mọi người đều biết điều đó".
Dù vậy, bà Glaser vẫn bày tỏ sự tiếc nuối khi phát biểu của ông Carter chưa đủ làm sáng tỏ việc Trung Quốc đang thách thức tự do hàng hải bằng việc xây dựng đảo trái phép ở Biển Đông.
Theo bà, Bộ trưởng Carter lẽ ra nên làm tốt hơn nữa. "Ông ấy lẽ ra nên nói rằng Trung Quốc đang thách thức tự do hàng hải. Tôi nghĩ rằng đó là điều ông ấy nên nói ở đó".
Về phần mình, Đại tá Triệu Tiểu Trác từ Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc cũng thừa nhận: "Diễn văn của ông Carter hợp lý hơn với của ông Hagel năm ngoái.
Điều đó hữu ích cho việc xây dựng các mối quan hệ mới giữa Trung Quốc và Mỹ với tư cách là các cường quốc lớn. Nó cũng có ích cho việc cải thiện mối quan hệ quốc phòng giữa 2 bên”.
Thế nhưng, bất chấp tất cả, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục đưa ra những lời lẽ bao biện vốn đã không còn xa lạ về hành động bất tuân luật pháp của mình và phớt lờ cảnh báo từ phía Mỹ.