"Lằn ranh cực nguy hiểm" trên Biển Đông mà cả TQ và Mỹ đều sợ

Hải Võ |

Các chuyên gia Trung Quốc khẳng định quan hệ Trung-Mỹ đang ở "ngã tư" và có một "lằn ranh giới" trên Biển Đông mà 2 quốc gia này nhất định không được phép vượt qua.

Quan hệ Trung Quốc với Mỹ-đồng minh đã đến "ngã tư đường"?

Trong thời gian Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ở thăm Trung Quốc (16-17/5), tờ Financial Times của Anh chỉ ra, những tuần gần đây, Mỹ-Nhật rầm rộ tổ chức hội nghị thượng đỉnh để nâng tầm "liên minh phòng thủ".

Ngay trước khi ông Kerry tới Bắc Kinh, Lầu Năm Góc cũng công khai tuyên bố "đang xem xét việc huy động tàu chiến, máy bay thực hiện nhiệm vụ tuần tra, giám sát trên Biển Đông".

Đồng thời, Bộ tư lệnh Hải quân Mỹ thông báo tàu tác chiến ven biển tân tiến nhất của Mỹ USS Fort Worth đã lần đầu tiên tiến vào tuần tra khu vực quần đảo Trường Sa.

Nhà nghiên cứu chiến lược ĐH Nhân dân Trung Quốc Thời Ân Hoằng hôm 17/5 trả lời phỏng vấn Thời báo Hoàn Cầu đã nhận định:

Chuyên gia chiến lược quốc tế
Thời Ân Hoằng
Chính phủ Trung Quốc và Mỹ đều hiểu rằng quan hệ song phương có một "lằn ranh giới". Đó là trong bất kỳ tình huống nào, bất kể vấn đề mâu thuẫn ra sao cũng không được để xảy ra xung đột vũ trang.

Ông Thời cho hay, hồi tháng 11/2014, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đi đến thỏa thuận với Tổng thống Mỹ Barack Obama về vấn đề phòng tránh xung đột giữa tàu chiến, máy bay của song phương và "kiểm soát hiệu quả nguy cơ xung đột tiềm ẩn".

"Trong vấn đề Biển Đông, bên cạnh một số 'điểm nguy cơ tiềm ẩn' có khả năng dẫn tới xung đột trực diện thì Mỹ-Trung vẫn còn đôi chút không gian để thương nghị. Về cơ bản, tình hình vẫn có thể kiểm soát được" - học giả Thời Ân Hoằng nhận xét.

Giám đốc Sở nghiên cứu Mỹ thuộc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc Đạt Nguy cho biết, hiện tại giữa các cơ quan chức năng Mỹ-Trung Quốc đã có tới hơn 90 cơ chế đối thoại khác nhau.

Ví dụ có Đối thoại chiến lược và kinh tế, Cơ chế thảo luận giao lưu nhân văn cấp cao... với phạm vi đối thoại bao trùm các lĩnh vực kinh tế mậu dịch, quân sự, hành pháp, trao đổi văn hóa...

Chuyên gia các vấn đề về Mỹ
Đạt Nguy
Các cơ chế đối thoại này tương đối hiệu quả trong việc thúc đẩy giao tiếp song phương, giúp đôi bên hiểu rõ tình hình đối phương, giảm thiểu 'hiểu lầm', tăng độ tín nhiệm. Các cuộc đối thoại chính thức có liên quan tới nhiều lĩnh vực và quan chức quan trọng, do đó đối với quan hệ Trung-Mỹ mà nói, cơ chế này có ý nghĩa như một mạng lưới khổng lồ giúp song phương ổn định quan hệ và kiểm soát mâu thuẫn.

Hoàn Cầu: "Phương Tây nên xin lỗi Trung Quốc"

Thời báo Hoàn Cầu nhận xét, chuyến công du Bắc Kinh của ông Kerry hôm 16/5 vừa qua chủ yếu nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức Mỹ cấp nhà nước của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Đối thoại chiến lược - kinh tế Trung - Mỹ vào tháng sau tại Washington.

Hoàn Cầu khá bực tức chỉ trích "phe diều hâu Mỹ" gần đây "liên tục 'đặt điều' về việc Trung Quốc lấp biển, xây đảo trái phép trên Biển Đông".

Chính động thái này khiến sự chú ý của truyền thông đối với chuyến thăm Trung Quốc của ông John Kerry hoàn toàn tập trung vào việc song phương thảo luận vấn đề Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) hội kiến người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ngày 16/5. Ảnh: China Daily.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) hội kiến người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ngày 16/5. Ảnh: THX.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) hôm 17/5 đã phân tích gọi thái độ của Mỹ là "cành ô liu trong vỏ bọc cây gậy".

Theo SCMP, đối với việc Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông, một mặt, Lầu Năm Góc liên tục cảnh cáo Bắc Kinh rằng Mỹ "sẽ có sự hiện diện mạnh mẽ và rõ rệt". Nhưng đồng thời, Ngoại trưởng John Kerry lại xuất hiện với thái độ có phần ôn hòa.

Sự xuất hiện "không quá cứng rắn" của ông Kerry ở Bắc Kinh đã đi ngược lại những gì báo chí phương Tây dự đoán. Như tờ New York Times đã đưa tin quan chức Quốc hội Mỹ hồi tuần trước tuyên bố "Ngoại trưởng John Kerry sẽ gửi lãnh đạo Trung Quốc một tín hiệu đanh thép".

Quả thực, biểu hiện hôm 16/5 của John Kerry trước Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hay phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long bị đánh giá là "có phần yếu thế".

Theo Hoàn Cầu, khi được báo chí Trung Quốc hỏi để xác nhận các tuyên bố của Lầu Năm Góc về việc điều máy bay, tàu chiến vào Biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ đã từ chối trả lời.

Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời giáo sư Jean-Pierre Lehmann thuộc Học viện quản lý phát triển quốc tế Lausanne, Thụy Sĩ nhận định - "(Trung Quốc) muốn trỗi dậy thành nước lớn một cách hòa bình không hề dễ dàng".

Theo ông Lehmann, việc Trung Quốc trỗi dậy trở thành một cường quốc có tạo thành ảnh hưởng tiêu cực đối với chiến tranh và hòa bình hay không phụ thuộc vào 2 nhân tố: Nội chính của Trung Quốc và cách mà thế giới phản ứng với nước này.

Giáo sư kinh tế chính trị Thụy Sĩ
Jean-Pierre Lehmann
Washington, London, Paris và Tokyo trong quá khứ đều từng là những thế lực theo chủ nghĩa đế quốc và cướp bóc Trung Quốc. Thách thức của các quốc gia này hiện nay không phải là kềm hãm Trung Quốc trỗi dậy, mà là tìm cách tiếp xúc với Bắc Kinh một cách có tính xây dựng và nhận thức được Bắc Kinh có lý do để bất mãn. Bọn họ (phương Tây) nên xin lỗi, chứ đừng tìm cách quấy rối.

>> Hoàn Cầu hả hê giễu "Philippines thất vọng vì Biển Đông hạ nhiệt"

>> "Tổng thống Ukraine đang xé đất nước thành nhiều mảnh"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại