John Kerry phủ nhận vấn đề Biển Đông trước "số 2" của quân đội TQ?

Hải Võ |

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có phát ngôn "mập mờ" về vấn đề Biển Đông khi nói rằng các thông tin trên truyền thông gần đây "không thể hiện quyết định chính trị của Washington".

John Kerry phủ nhận Mỹ "cứng với Trung Quốc"?

Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) cho hay, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc hội kiến phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long - "quyền lực số 2" của quân đội Trung Quốc (PLA).

Thảo luận về vấn đề Biển Đông, ông Phạm trắng trợn tuyên bố - "Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa (vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam) và vùng cận hải.

Việc Trung Quốc tôn tạo, cải tạo các đảo đá hoàn toàn toàn nằm trong phạm vi quyền hạn của mình, điều này là không thể tranh cãi."

Phạm Trường Long yêu cầu Mỹ "khách quan, công bằng nhìn nhận vấn đề Biển Đông", "hiểu đúng chính sách của Trung Quốc" và "cẩn thận lời nói, hành động".

Trong khi đó, theo Hoàn Cầu, ông Kerry bất ngờ tái khẳng định lập trường "không ủng hộ" bên nào của Mỹ tại Biển Đông và cho biết "những thông tin gần đây của báo chí Mỹ không phải là quyết định chính trị của Washington".

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) bắt tay phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long tại cuộc hội kiến hôm 16/5. Ảnh: Flickr.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) bắt tay phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long tại cuộc hội kiến hôm 16/5. Ảnh: Flickr.

Trang Đa Chiều (Duowei News) bình luận, phát biểu này của ông Ngoại trưởng Mỹ được xem là câu trả lời cho thông tin gần đây trên báo chí phương Tây rằng "máy bay Mỹ có ý định tiến vào Biển Đông và các khu vực mà Trung Quốc xây dựng trái phép".

Thông tin trên ban đầu được đưa ra bởi tờ Wall Street Journal của Mỹ. Tờ báo này hôm 12/5 đã đăng tin "quân đội Mỹ xem xét dùng máy bay và tàu chiến để có hành động ứng phó với việc Trung Quốc mở rộng đảo đá trái phép tại quần đảo Trường Sa".

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng yêu cầu Lầu Năm Góc "xem xét khả năng đưa tàu chiến tiến vào hải vực 12 hải lý của các đảo đá mà Trung Quốc xâm chiếm và xây dựng trái phép".

Duowei News trước đó cũng từng bình luận, Washington đã có sự thay đổi cơ bản về "lập trường không ủng hộ bên nào" tại Biển Đông và đánh giá đây là sự thay đổi chiến lược lớn nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ Obama.

Tuy nhiên, những gì ông John Kerry nói với ông Phạm Trường Long dường như đã phủ nhận những thông tin này. Duowei bình luận, ông John Kerry nói "thông tin báo chí không phải là quyết định chính trị của Washington" có thể lý giải theo hai hướng.

Thứ nhất, việc báo chí Mỹ đưa về vấn đề Biển Đông "không phải tự nhiên mà có". Dư luận tại Washington, đặc biệt là quân đội, đã xuất hiện xu hướng quân sự hóa tình hình, chỉ là chưa đi đến quyết sách quân sự hoặc chính trị thực tế mà mới là "lựa chọn chiến lược".

Thứ hai, câu nói của ông Kerry có phần... thừa thãi, bởi "thông tin báo chí" vốn dĩ không thể thay thế hoặc đại diện cho quyết định của Washington.

Vì vậy, Duowei bình luận, cho dù trên thực tế Tổng thống Mỹ Barack Obama có ra quyết định chính sách như WSJ đã đưa tin thì câu nói của ông Kerry cũng... không sai.

Ngoại trưởng Mỹ
John Kerry
Tôi đã hối thúc Trung Quốc, thông qua ông Vương, tiến hành các biện pháp cụ thể phối hợp với thế giới để giảm căng thẳng và gia tăng các cơ hội cho giải pháp ngoại giao.

Lĩnh vực chính của ông Kerry là Trung Đông chứ không phải châu Á, chưa nói đến Trung Quốc. Và chuyến thăm Bắc Kinh lần này của Ngoại trưởng Mỹ chủ yếu nhằm đặt nền tảng đối thoại Trung-Mỹ về chiến lược và kinh tế cho chuyến thăm Mỹ tháng 9 của ông Tập Cận Bình.

Duowei cho rằng, do các thông tin nhạy cảm từ phương Tây "bị Bộ ngoại giao và Bộ quốc phòng Trung Quốc cảnh cáo nghiêm khắc", nên chuyến thăm của ông Kerry phần nhiều mang màu sắc "làm hòa".

Riêng trong ngày 16/5, bên cạnh ông Phạm Trường Long, John Kerry còn hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và hội kiến cựu Ngoại trưởng, đại biểu quốc hội Dương Khiết Trì. Ngày hôm nay (17/5), ông Kerry sẽ hội kiến chủ tịch Tập Cận Bình.

Vì sao Mỹ chưa "dám" cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông?

Duowei News nhận định, việc Mỹ điều máy bay và tàu chiến vào Biển Đông trước khi ông Tập Cận Bình thực hiện chuyến thăm Mỹ tháng 9 tới là "không thể xảy ra".

Theo đó, việc gây áp lực về mặt quân sự được cho là cách để Mỹ giành lợi thế trên bàn đàm phán ngoại giao. Nhưng Duowei không loại trừ khả năng, Mỹ sẽ thực sự có hành động sau khi ông Tập trở về.

Những tính toán của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương, mà cụ thể là Biển Đông, là những hoạch định chiến lược cho 2-3 năm tới, kéo dài sang nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ tiếp theo, chứ chưa hẳn là Mỹ sẽ phải "nói ngay làm ngay".

Ngoại trưởng Trung Quốc
Vương Nghị
Liên quan tới các công trình trên quần đảo Nansha (cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và các rạn san hô, điều này hoàn toàn thuộc phạm vi chủ quyền của Trung Quốc. Tôi muốn khẳng định lại rằng quyết tâm của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình cứng như một tảng đá.

Đặc biệt, trước chuyến thăm cấp nhà nước của chủ tịch Trung Quốc, song phương buộc phải duy trì được "quan hệ quân sự" tốt.

Vì vậy, Duowei cho rằng rất có khả năng Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Carter sẽ sang thăm Trung Quốc trước chuyến thăm Mỹ của ông Tập.

Tuy nhiên, nếu ông Carter thực sự sang Trung Quốc thì ông cần phải "có chuyện để bàn" với Bắc Kinh.

Trong bối cảnh Trung Quốc đã ngang ngược thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông và Mỹ khó có thể can thiệp, thì Washington chỉ còn lại "quân bài" Trung Quốc lấp biển, mở rộng đảo phi pháp trên Biển Đông để đặt lên bàn nghị sự với Bắc Kinh.

Nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson cùng Không đoàn tàu sân bay số 17, hải đội khu trục hạm số 1 thuộc Hạm đội 7 Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận chung với hải quân và không quân Malaysia trên Biển Đông. Mục đích của cuộc tập trận là nhằm hợp tác an ninh và huấn luyện. Trong ảnh: Tàu sân bay USS Carl Vinson.

Nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson tập trận chung với hải quân và không quân Malaysia trên Biển Đông hôm 10/5 nhằm hợp tác an ninh và huấn luyện. Ảnh: eveningreport.nz

Mặc dù vậy, Bắc Kinh cũng không thể xem thường phản ứng của giới chính khách Mỹ đối với vấn đề Biển Đông.

Gần đây, nhiều quan chức Mỹ đã "bóng gió" về sự cứng rắn của Washington với Bắc Kinh trên báo chí, truyền hình cho tới bên trong nghị trường quốc hội Mỹ, hay chuyến thăm Trung Quốc của ông John Kerry cũng được "mào đầu" trước là sang để "làm rắn".

Thậm chí, các tướng lĩnh quân đội Mỹ cũng lên tiếng ủng hộ Washington thay đổi lập trường đối với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Như vậy, Duowei đánh giá, việc "đưa máy bay vào hải vực 12 hải lý quanh các đảo đá ở Biển Đông" đã trở thành một "lựa chọn chính sách" thực sự được nhà cầm quyền Mỹ quan tâm xem xét.

>> Hoàn Cầu: "Mỹ định mạo hiểm thì TQ cũng không ngại khoe sức mạnh"

>> "Mỹ quyết vào Biển Đông, đối đầu Trung-Mỹ không thể tránh khỏi"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại