Hồng quân người Việt: Cái tên còn thiếu trên tấm bia liệt sỹ

Long Nguyễn - Ngọc Tú |

Ký ức về những liệt sỹ Hồng quân người Việt qua lời thân nhân ở quê nhà.

Chiến sĩ Hồng quân người Việt - Những chuyện chưa bao giờ được kể

Bảo vệ Moscow: Hành trình kỳ lạ của người Việt duy nhất còn sống

Hồng quân người Việt: Vụ biến mất bí ẩn trong ký ức người chép sử

Vẫn còn một người phải xác minh

Trong hành trình tìm lại ký ức về những chiến sĩ Việt Nam từng tham gia chiến đấu bảo vệ Moscow năm 1941, chúng tôi được cụ Hoàng Xuân Đàn, người thầy giáo già chép sử ở xóm Hoàng Trù (Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An) đưa đến nghĩa trang liệt sỹ địa phương.

Trên tấm bia đá dày đặc tên tuổi các liệt sỹ, vẫn còn đó, ở vị trí trang trọng là tên các chiến sĩ Hồng quân người Việt.

Tuy nhiên, ở đây chỉ có 3 cái tên: Lý Nam Thanh, Lý Thúc Chất, Lý Anh Tạo.

Tên người thứ tư trong danh sách được truy tặng Huân chương Chiến tranh vệ quốc hạng nhất của Liên Xô là Vương Thúc Tình chưa được khắc trên bia.


Tên của những chiến sĩ Hồng quân người Việt trên bia đá nghĩa trang liệt sỹ ở Kim Liên

Tên của những chiến sĩ Hồng quân người Việt trên bia đá nghĩa trang liệt sỹ ở Kim Liên

Cụ Đàn giải thích: “Trường hợp của liệt sĩ Vương Thúc Tình còn một số vấn đề chưa thể làm rõ. Do đó lúc lập tấm bia này, chính quyền địa phương tạm thời chỉ khắc tên 3 người”.

Theo thông tin của nhà báo Nga Aleksei Syunnenberg, người từng có 20 năm là Trưởng ban tiếng Đông Nam Á và tiếng Việt của Đài Tiếng nói nước Nga thì ông Vương Thúc Tình, sinh ở tổng Kim Liên, năm 1925 gia nhập tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội do lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập.

Ông còn có tên khác là Vương Thúc LiênVương Sĩ.

Về cái chết của Vương Thúc Tình có giả thuyết rằng, cũng giống như hàng loạt những nhà cách mạng của các nước châu Á lúc đó đang bị Nhật chiếm đóng, theo quyết định của ban lãnh đạo Liên Xô, sau khi đánh tan quân Đức ở ngoại ô Moscow, Vương Thúc Tình được cử về nước hoạt động. Nhiệm vụ được giao phó là thúc đẩy phát triển phong trào cách mạng ở nước mình để làm suy yếu quân Nhật.

Nhưng trên đường dài trở về Tổ quốc, hồi cuối năm 1942, Vương Thúc Tình đã bị quân Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch bắn chết.

Cũng theo lời cụ Đàn, việc làm rõ thân thế của các chiến sĩ này không hề đơn giản, bởi ký ức của những người còn sống đều khá mờ nhạt. Thêm nữa, những người thân thích cũng phần nhiều đi tứ xứ làm ăn.

Dưới cái nắng buổi trưa xứ Nghệ, cụ Đàn đưa chúng tôi đến gặp thân nhân các chiến sĩ Hồng quân người Việt.

Trong ngôi nhà nhỏ ở cuối xóm Hoàng Trù 2, bà Nguyễn Thị Mão (65 tuổi) là người thân trong gia đình liệt sỹ Lý Anh Tạo còn nhớ một số câu chuyện về ông.

Mặc dù chỉ là cháu dâu trong gia đình, thời điểm ông Tạo thoát ly gia đình bà không được chứng kiến cụ thể, nhưng qua lời kể của bố mẹ chồng, bà Mão cũng biết và luôn tự hào về người chú anh hùng.


Bà Mão kể lại những gì mình biết về người chú chồng

Bà Mão kể lại những gì mình biết về người chú chồng

Ông Lý Anh Tạo tên thật là Hoàng Xuân Tợ (còn theo tài liệu của nhà báo Aleksei Syunnenberg thì là Hoàng Anh Tô). Ông sinh năm 1921, ở Hoàng Trù, Kim Liên, Nghệ Tĩnh (nay là Nghệ An).

Bà Mão kể, khoảng năm lên 13 tuổi, ông Tạo cũng nằm trong số những thiếu niên bỗng mất tích bí ẩn khỏi nơi chôn rau cắt rốn.

Sau này khi mọi việc đã được lịch sử soi rạng, gia đình bà Mão biết rằng ông đã được một chí sỹ cách mạng là ông Vương Thúc Oánh (người trong làng) và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đưa đi làm nhiệm vụ cách mạng.

Năm đó, vì nhiệm vụ quan trọng nên những thanh niên này được đưa đi một cách bí mật tuyệt đối và được đổi tên họ. Ông Tợ được bác Hồ đặt cho một cái tên khác là Lý Anh Tạo.

Tôi nghe bố mẹ chồng kể lại, trong buổi tối một ngày, bất ngờ chú Tợ biến mất trong sự ngỡ ngàng của gia đình. Lo lắng, cả gia đình, người thân huy động lực lượng tỏa ra đi tìm khắp nơi nhưng không thấy.

Mãi đến sau khi có người báo về, gia đình mới biết, chú Tợ được Bác Hồ đưa đi làm nhiệm vụ cách mạng bí mật”, bà Mão nhớ lại.

Thế rồi, trong suốt những năm sau đó, gia đình không hề nhận được bất cứ thông tin nào về ông Tợ nữa.

Sau một thời gian tìm kiếm, gia đình cũng đành nuốt nước mắt vào bên trong, coi như người đi đã ra đi mãi rồi.

Bất ngờ đến năm 1986, có đoàn khách Liên Xô tìm về đến tận nhà ông Tợ để báo tin cho gia đình. Sau đó, gia đình được trao tặng Huân chương “Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại” hạng nhất và Huy chương Vinh danh 40 năm Chiến thắng.

Đối với chúng tôi không có sự phân chia Chiến thắng của mình và của người khác. Chiến thắng đó là của chung đối với các dân tộc thuộc Liên Xô cũ và của nhiều nước khác mà sự đóng góp của họ được chúng tôi đánh giá cao và ghi nhớ. Chúng tôi sẽ không quên, khi vào mùa đông năm 1941, trong các trận đánh khốc liệt ở vùng ngoại ô Matxcơva, trong hàng ngũ Hồng quân cùng các công dân Liên Xô đã có cả các chiến sỹ quốc tế Việt Nam cùng chiến đấu. Năm người trong số đó đã được truy tặng các phần thưởng cao quý của chính phủ.

Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Vnukov Konstantin Vasilievich

Đau đớn, xót xa và tự hào

“Thời đó họ về trao bằng cho chú Tợ thì cả gia đình mới biết chuyện chú đã hy sinh. Bố mẹ tôi ai nấy đều đau đớn xót xa. Nhưng khi nghe họ kể về trận đánh hào hùng đó, cả nhà cảm thấy tự hào bởi sự hy sinh của chú ấy”, bà Mão chia sẻ.

Để minh chứng cho lời mình nói, bà Mão vừa kể chuyện vừa tìm trong tập tài liệu cũ kĩ được gói ghém cẩn thận trong tủ sách rồi đưa ra tấm giấy chứng nhận Bằng Tổ quốc ghi công ghi tên liệt sỹ Lý Anh Tạo.


Bản sao bằng Tổ quốc ghi công liệt sỹ Lý Anh Tạo

Bản sao bằng Tổ quốc ghi công liệt sỹ Lý Anh Tạo

Người cháu dâu cũng cho hay, tấm bằng gốc hiện hiện đang được cất giữ trên bàn thờ chú Tợ tại nhà thờ họ. Tuy nhiên, do nhiều lý do nên việc thăm viếng vào lúc ấy không thuận lợi nên bà Mão không thể giúp chúng tôi tận mắt thấy tấm bằng gốc dù rất muốn.

Từ biệt gia đình liệt sỹ Lý Anh Tạo, chúng tôi tiếp tục tìm đến gia đình một người liệt sỹ quốc tế khác là ông Lý Thúc Chất.

Khi bước vào căn nhà ngói đơn sơ ở làng Sen 3 (xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An), trước mắt chúng tôi là một hình ảnh xúc động: Ba tấm bằng Tổ quốc ghi công treo trang trọng trên tường.

Có tới ba người trong gia đình này đã ngã xuống ở các mặt trận khác nhau, trong những thời kỳ khác nhau, trong đó có ông Lý Thúc Chất.

Chủ nhà là anh Vương Quốc Toản (SN 1971), niềm nở chào đón chúng tôi, không quên giới thiệu mình là cháu gọi liệt sỹ Lý Thúc Chất bằng bác.


Bằng chứng nhận Huân chương Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của liệt sỹ Lý Thúc Chất được treo trang trọng bên cạnh bằng Tổ quốc ghi công của ông và 2 liệt sỹ khác trong gia đình

Bằng chứng nhận Huân chương Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của liệt sỹ Lý Thúc Chất được treo trang trọng bên cạnh bằng Tổ quốc ghi công của ông và 2 liệt sỹ khác trong gia đình

Trong câu chuyện, anh nhiều lần nhắc lại niềm tự hào về người bác của mình.

Tuy nhiên, vì khoảng cách thời gian quá dài, cũng như khoảng cách thế hệ, nên ký ức của anh về liệt sỹ Lý Thúc Chất không còn nhiều, ngoại trừ những câu chuyện anh được nghe kể về sự biến mất của ông, cũng như "hành trình" trở về trên tấm Huân chương từ Liên Xô.

Còn trong những năm ông Chất xa nhà, điều gì đã xảy ra?

Theo tài liệu mà nhà Việt Nam học A.A.Sokolov cung cấp cho chúng tôi thì ông Lý Thúc Chất - tên thật là Vương Thúc Thoại.

Bố của ông là Vương Thúc Đàm, ủy viên huyện ủy Đảng cộng sản Việt nam, năm 1930 đã bị bắt và bị kết án tù chung thân.

Em trai của Lý Thúc Chất là Vương Thúc Sâm (sinh năm 1920 hoặc 1921) nhớ lại rằng vào năm 1938 hoặc 1939 gia đình họ có nhận được một lá thư của ông.

Không rõ căn cứ vào lá thư hay là bằng cách nào khác, những người thân của ông đã đoán biết được rằng Lý Thúc Chất đang có mặt ở Liên Xô và lá thư được gửi đi từ nơi đó.

Trước đó mọi người trong gia đình đều nói là ông đã chết và được chôn ở Côn Đảo, và thậm chí còn chỉ cho biết phần mộ của ông (trên thực tế, đó là ngôi mộ của chú ruột ông).

Ông Vương Thúc Sâm kể: Có một lần bà mẹ của ông bị gọi đến nhà trưởng thôn.

Tại đó một tên mật thám đã thẩm vấn bà, vì tên này muốn biết con trai cả của bà đi đâu.

Người mẹ ấy trả lời bà không có người con trai nào với cái tên gọi như thế. Đến lúc ấy tên mật thám đưa cho bà xem tấm ảnh và nói người thanh niên trong tấm ảnh đội mũ phớt chính là Lý Thúc Chất.

Theo lời hắn, tấm ảnh này được chụp năm 1929 tại Hồng Kông. Mặc dù bà đã nhận ra người thanh niên ấy là con trai của mình, nhưng bà đã không công nhận điều đó. Ông Sâm nhớ lại, câu chuyện này xảy ra sau khi có phong trào Xô-viết Nghệ - Tĩnh, tức là sau năm 1930.

Sau này bà mẹ của liệt sỹ Chất mới được người ta bảo cho biết rằng con trai của bà đã đi khỏi Việt Nam để hoạt động cách mạng và ông ấy có tên mới là Lý Thúc Chất.

Các chiến sĩ Hồng quân người Việt sẽ lên phim

"Không ai bị lãng quên". Câu thơ mà nữ thi sỹ Nga Olga Bertgolts dành tặng cho tất cả những người đã hy sinh trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít Hitler sẽ là nét chủ đạo của bộ phim truyện nói về sự tham gia của nhóm Hồng quân người Việt trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô.

Theo nhà biên kịch Đoàn Tuấn, bộ phim sẽ được hoàn thành trong năm nay.

(Nguồn Sputnik)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại