7 ca khúc cách mạng Liên Xô bất hủ trong Ngày Chiến thắng

Đức Huy |

Nhân 70 năm Ngày Chiến thắng (9/5/1945 - 9/5/2015), Moscow Times tổng hợp danh sách 7 ca khúc cách mạng Liên Xô bất hủ nhiều khả năng sẽ được trình diễn trong lễ kỉ niệm sắp tới.

Ngày mai (9/5), Nga sẽ chính thức kỉ niệm 70 Ngày Chiến thắng phát xít Đức. Dịp lễ này sẽ được tiến hành dưới dạng một buổi diễu binh hoành tráng qua trung tâm thủ đô Moscow, với sự tham gia của hơn 200 chiến xa và 150 máy bay quân sự.

Trong dịp này, người Nga vẫn hay tưởng nhớ công lao của Hồng quân Liên Xô khi xưa qua những ca khúc bất hủ. Dưới đây là 7 tác phẩm vượt thời gian đã, đang, và sẽ còn sống mãi trong lòng người dân xứ sở Bạch Dương.

1. Zhuravli (Đàn Sếu)

Ca khúc bất hủ này là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của âm nhạc Liên Xô về chủ đề Thế chiến thứ hai. Zhuravli được chuyển thể từ một bài thơ của nhà thơ người Dagestan Rasul Gamzatov.

Ấn tượng sau khi đọc được bài thơ này, ca sĩ/diễn viên Mark Bernes (tên tiếng Nga: Ма́рк Берне́с) lập tức liên lạc với dịch giả Naum Grebnev để chuyển thể bài thơ sang tiếng Nga và từ đó, ca khúc Zhuravli ra đời.

Với giai điệu hào hùng, bi tráng, Zhuravli vẫn được sử dụng trong các dịp tưởng niệm những chiến binh Hồng quân đã ngã xuống trong cuộc chiến Vệ quốc vĩ đại.

 

2. Tyomnaya Noch (Đêm tối)

Một ca khúc bất hủ khác của Mark Bernes, Tyomnaya Noch lần đầu ra mắt vào năm 1943, trong bộ phim chiến tranh mang tựa đề "Hai Chiến sĩ" (Два бойца).

Trong bộ phim, Bernes vào vai một người chiến sĩ tiền phương trong đêm cất lên tiếng ca nhung nhớ người vợ và con nhỏ.

 

3. Ekh, Dorogi... (Ôi, Những con đường)

Ca khúc này được nhạc sĩ Liên Xô Anatoly Novikov phổ nhạc (lời của Lev Oshanin) một vài tháng sau khi Chiến tranh Vệ quốc kết thúc.

Lời ca khúc Ekh, Dorogi... hồi tưởng lại nỗi khổ mà quân và dân Liên Xô đã phải trải qua trong những năm tháng chiến tranh.

 

4. Katyusha (Cachiusa)

Một ca khúc đã quá quen thuộc với khán thính giả Việt Nam, Katyusha được sáng tác vào năm 1938 và trở thành một trong những ca khúc phổ biến nhất trong thời kì Chiến tranh Vệ quốc, với giai điệu hào hùng tạo cảm hứng chiến đấu cho quân dân Nga.

Bài hát kể lại nỗi lòng của một cô gái trẻ mang tên Katyusha, khi người cô yêu đang ở ngoài chiến trường.

 

5. Smuglyanka Moldavanka (Cô gái da ngăm người Moldova)

Lời từ thơ của Yakov Shvedov, nhạc Anatoly Novikov, bài hát này được biết đến sau khi xuất hiện trong bộ phim "Chỉ 'người già' mới ra trận" (В бой идут одни «старики»), và dần trở thành một phần không thể thiếu của âm nhạc dân gian Xô Viết/Nga.

Bài hát kể về câu chuyện một người đàn ông đem lòng yêu một cô gái Moldova, sau đó được chính cô gái ấy thuyết phục tham gia phong trào Bolshevik trong cuộc Nội chiến 1917-1922.

 

6. Svyashchennaya Voina (Cuộc chiến thần thánh) (hay còn được biết đến với cái tên Vstavai, Strana Ogromnaya! (Hãy đứng lên, hỡi đất nước vĩ đại!)

Trong thời chiến, bài hát này từng được xem như là chiến ca của Liên Xô. Svyashchennaya Voina trở thành bài hát "tủ" của quân đội Liên Xô, và sáng nào cũng được phát trên sóng radio, đặc biệt là khi quân phát xít tiến sát đến Moscow năm 1941.

Nhiều người dân Liên Xô khi xưa vẫn tin rằng ca khúc này đã khơi dậy tinh thần và lòng tự hào dân tộc của binh sĩ, và đưa họ tới thắng lợi vẻ vang.

7. Den Pobedy (Ngày Chiến thắng)

Bài hát này được phổ nhạc bởi David Tukhmanov, lời từ thơ của Vladimir Kharitonov. Den Pobedy được sáng tác để tham gia một cuộc thi nhân kỉ niệm 30 năm Ngày Chiến thắng phát xít Đức.

Các vị giám khảo khi đó không mấy ấn tượng với ca khúc này. Họ cho rằng giai điệu bài hát phù hợp hơn với nhạc nhảy, và lời bài hát quá nhẹ nhàng so với một sự kiện mang tầm cỡ như vậy,

Tuy nhiên, ca khúc này vẫn được khán thính giả phổ thông đón nhận và nhanh chóng trở thành một trong những bài hát phổ biến nhất dùng để ngợi ca Hồng quân Liên Xô.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại