"Nhật Bản, Hàn Quốc có thể sở hữu vũ khí hạt nhân"
Phát biểu trên được tỉ phú Trump đưa ra trong một cuộc phỏng vấn vào cuối tuần này.
Theo tờ New York Times, ông Trump mô tả chính sách ngoại giao "nước Mỹ là ưu tiên số 1" mà mình theo đuổi, đồng thời sẽ không để Mỹ "bị xâu xé" bởi các đồng minh "khôn ngoan và cứng rắn hơn".
Hãng Yonhap (Hàn Quốc) cho hay, Donald Trump nói rằng ông sẽ không cản trở Hàn Quốc và Nhật Bản phát triển sức mạnh hạt nhân của riêng mình.
Ông thêm rằng nếu đắc cử Tổng thống, Mỹ sẽ rút quân khỏi Nhật, Hàn, trừ khi hai quốc gia giàu có ở châu Á này "gia tăng đáng kể những đóng góp cho sự hiện diện quân sự của Mỹ" trên lãnh thổ của họ.
Cho đến lúc này, tuyên bố trên được cho là thể hiện rõ nhất các chi tiết và thái độ của Donald Trump trong lĩnh vực chính sách đối ngoại.
Đáng chú ý, cách tiếp cận vấn đề của ứng viên đảng Cộng Hòa đi ngược hoàn toàn với lập trường "không phổ biến vũ khí hạt nhân" mà Washington theo đuổi.
Cùng với đó là lời cam kết bền vững về sự bảo hộ an ninh đối với 2 đồng minh chủ chốt - Nhật Bản và Hàn Quốc - bằng lực lượng quân sự đồn trú.
Theo Yonhap, Mỹ có khoảng 28.500 quân nhân, chủ yếu là lực lượng mặt đất, đóng tại Hàn Quốc, đồng thời duy trì sự hiện diện quy mô lớn của hải quân, lính thủy đánh bộ hay không lực của nước này tại Nhật Bản.
Washington có hiệp ước phòng thủ chung với cả Seoul lẫn Tokyo.
Trump nhấn mạnh rằng Mỹ vẫn có thái độ hữu nghị "hướng tới tất cả các bên", nhưng sẽ không để bị "khai thác" thêm nữa khi ông này nắm quyền. "Chúng ta không thể chấp nhận mất hàng tỉ USD vì những vấn đề này," ông Trump nói.
"Bởi CHDCND Triều Tiên đang sở hữu vũ khí hạt nhân, sẽ tốt hơn nếu các láng giềng của Bình Nhưỡng cũng có những loại vũ khí tương tự," ông cho biết thêm.
Quân đội Triều Tiên bắn pháo trong một cuộc tập trận không rõ địa điểm, nhằm cảnh cáo cuộc tập trận chung quy mô lớn của Mỹ và Hàn Quốc. (Ảnh: KCNA/Reuters)
Mối đe dọa thay đổi môi trường địa chính trị Đông Bắc Á
Dù chưa trở thành ông chủ Nhà Trắng, nhưng trong vai trò một ứng cử viên rất tiềm năng, lập trường về chính sách đối ngoại của Donald Trump đang khiến Bắc Kinh lo lắng.
Mới đây, truyền thông Trung Quốc đã tỏ ra hết sức lo ngại khi Cục trưởng Cục pháp chế thuộc Nội các Nhật Bản Yokohata Yusuke tuyên bố trước Thượng viện nước này rằng "Nhật Bản sử dụng vũ khí hạt nhân không vi phạm hiến pháp".
Báo cáo từ các cơ quan nghiên cứu Trung Quốc và cả truyền thông phương Tây đã đưa ra số liệu khá tương đồng về tiềm năng hạt nhân của Nhật Bản.
Theo đó, Nhật đã làm giàu được lượng plutonium khoảng gần 48 tấn, đủ để chế tạo gần 6.000 quả bom nguyên tử. Trong đó, 11 tấn plutonium ở Nhật và 36 tấn đang được tái xử lý ở Anh và Pháp, chờ đưa về Nhật.
Thiếu tướng Trung Quốc về hưu Từ Quang Dụ bình luận: "Hiện nay Nhật Bản đang chờ đợi cơ hội khi vấn đề hạt nhân Triều Tiên tiếp tục căng thẳng."
Trong khi đó, viễn cảnh vũ khí hạt nhân hiện diện ở cả hai miền Nam, Bắc bán đảo Triều Tiên đối với Trung Quốc còn đáng sợ hơn việc Mỹ-Hàn vừa đạt thỏa thuận Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Giám đốc sở nghiên cứu quan hệ quốc tế thuộc Viện nghiên cứu Đông Bắc Á, Đại học Cát Lâm, Trung Quốc Ba Điện Quân đánh giá, việc bố trí THAAD ở Hàn Quốc là xu thế tất yếu.
"Mỹ, Hàn đang dùng vấn đề triển khai lá chắn tên lửa để gây áp lực lên Trung Quốc. Việc nhắc lại nhiều lần lập trường của hai nước cũng là biện pháp để 'tống tiền' và cân bằng với Nga, Trung," ông Ba nói với Sputnik News (Nga).
Trên thực tế, Trung Quốc lo ngại có cơ sở, bởi những tuyên bố mới đây của Donald Trump có thể không chỉ đại diện cho chính sách và quan điểm của cá nhân ông này.
Triều Tiên vừa thử nghiệm thành công động cơ tên lửa đẩy nhiên liệu rắn. Kết quả vụ thử khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un rất hài lòng.
Truyền thông Hàn Quốc tỏ ra lo ngại, các tiến triển nhanh chóng của Bình Nhưỡng cho thấy nước này muốn nghiên cứu nhiên liệu rắn để làm giảm độ dài của tên lửa, giúp phóng nhanh chóng.
Diễn biến này này đang tạo thành nguy cơ nghiêm trọng "chưa từng thấy" đối với Hàn Quốc - tờ JoongAng Ilbo của nước này bình luận.
Hệ thống tên lửa THAAD nếu bố trí ở Hàn Quốc sẽ có tầm bao phủ vươn sang một phần lãnh thổ Trung Quốc, làm Bắc Kinh lo ngại. (Ảnh minh họa)
Trong bối cảnh mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên đang được Mỹ tận dụng như một quân bài chiến lược để tăng hiện diện quân sự ở Đông Bắc Á, không loại trừ khả năng chính sách "Nhật, Hàn sở hữu vũ khí hạt nhân" được hiện thực hóa.
Bắc Kinh cho đến nay vẫn tuyên bố sắt đá về lập trường "phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên", nhưng trước lo ngại về THAAD và xa hơn, đặc biệt khi liên quan đến vấn đề hạt nhân Nhật Bản, khó bảo đảm Trung Quốc không điều chỉnh một chính sách "tích cực" hơn.
Theo ông Ba Điện Quân, Bắc Kinh cần chuẩn bị sẵn đối sách, bao gồm hợp tác với Nga để chống lại tổn thất tiềm tàng mà "NATO châu Á" do Mỹ đứng đầu có thể tạo ra.
Ông này nhấn mạnh, bố trí THAAD ở Hàn Quốc là chính sách không thay đổi của Mỹ, vì vậy Trung Quốc không thể xem thái độ tạm thời của bất cứ bên nào là lập trường cuối cùng, bao gồm thỏa thuận Mỹ-Hàn vẫn chưa hoàn thành.