Phương Tây đang chấp nhận "dưới cơ" Nga?

Đào Cảnh |

Đánh giá về việc Ngoại trưởng Đức và Mỹ cùng đến Moscow cho thấy phương Tây đang rất cần đến vai trò của Nga trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế như khủng hoảng nhập cư, chống chủ nghĩa khủng bố và dường như đã phải chấp nhận ở "chiếu dưới".

Diễn ra gần như đồng thời với chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho thấy phương Tây dường như đã chấp nhận ở “chiếu dưới” trước Nga để thuyết phục Nga thể hiện vai trò “trọng tài quốc tế” của mình trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế cấp bách toàn cầu như khủng hoảng nhập cư và đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố...

Đối thoại Brussels

Một điều khá thú vị khi chuyến thăm Nga của các ngoại trưởng Mỹ và Đức (quốc gia vốn được coi là đầu tàu của EU) diễn ra gần như đồng thời.

Mặc dù cùng ăn tối với nhau nhưng hai ngoại trưởng lại không có cùng quan điểm với nhau.

Nguyên nhân không phải là do bất đồng Đức-Mỹ, mà là do mỗi một người đến Nga đều có sứ mệnh riêng, một chương trình nghị sự riêng khi trao đổi với Nga.

Nếu như Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Nga chủ yếu là trao đổi về vấn đề giải quyết cuộc khủng hoảng Syria thì Ngoại trưởng Đức lại đến Nga để để trao đổi về tương lai mối quan hệ Nga-EU.

Thực tế hiện nay cho thấy giới lãnh đạo EU hiểu rất rõ tương lai bất định nếu như vẫn tiếp tục xung đột với Nga.

Nguyên nhân là do quan hệ hai bên đang đứng trước mối đe dọa lâm vào tình trạng bế tắc và tiếp tục xung đột sẽ không mang lại điều gì cho cả hai bên.

Moscow không có ý định “xâm chiếm Kiev và dạo bước ở Warsaw”, còn EU cũng không có ý định thực hiện ý tưởng tiếp nhận “những gì còn sót lại ở Ukraine” vào EU hoặc NATO.

Chính vì vậy, giới lãnh đạo châu Âu đang ngày càng cảm nhận được sự cần thiết phải khôi phục mối quan hệ hai bên như mức trước năm 2013.

Một loạt quốc gia thành viên EU như Italia, Hungary đã công khai khả năng sẽ không bỏ phiếu thông qua nghị quyết tiếp tục thực hiện các lệnh cấm vận chống Nga trong thời gian tới.

Về thực chất, các bên cần phải có một động lực để có thể thúc đẩy đối thoại. Phương án có thể được cả hai bên chấp nhận là thúc đẩy việc thực hiện nghiêm các nội dung trong Thỏa thuận Minsk đã được ký kết.

Theo dự kiến ban đầu, đối thoại về vấn đề này sẽ không hề đơn giản.

Moscow vẫn phản đối việc Kiev từ chối thực hiện các điều khoản chính trị, nhân đạo và cả quân sự trong Thỏa thuận Minsk, còn EU không thể ép buộc Ukraine thực hiện Minsk, cũng không thể thừa nhận Tổng thống Ukraine Poroshenko phải chịu trách nhiệm nếu Minsk bị phá vỡ.

Tình thế hiện nay rõ ràng là đã lâm vào ngõ cụt và hai bên chỉ có thể thỏa thuận về việc ngừng quan hệ song phương.

Tuy nhiên, sau các vụ khủng bố ở Thủ đô Brussels của Bỉ, chương trình hành động của hai bên đã có sự thay đổi. Moscow cho rằng hiện EU sẽ tích cực hơn trong việc tìm kiếm sự gần gũi trong quan điểm với Nga.

“Tôi rất hy vọng rằng người châu Âu đứng trước mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố sẽ dẹp bỏ sang một bên các toan tính về tư tưởng, địa chính trị và đoàn kết lại để không cho phép lực lượng khủng bố thực hiện các tội ác của chúng ở châu Âu”- Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh.

Các chuyên gia phân tích nhận định rằng không loại trừ khả năng hợp tác giữa Nga với EU nhằm ngăn chặn thảm họa tương tự như thảm họa ở Brussels sẽ trở thành một trong các chủ đề chính trong đàm phán giữa Ngoại trưởng Đức với giới lãnh đạo Nga vì Kremlin là một đồng minh của EU trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Trên thực tế, Nga đã cho thấy họ sẵn sàng trợ giúp EU trong vấn đề này. Theo Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev, các vụ khủng bố ở Brussels đã trở thành “thách thức đối với toàn bộ thế giới văn minh.

Các vụ khủng bố kinh hoàng này đã cho thấy châu Âu dễ tổn thương như thế nào và sự hiểu nhau giữa các quốc gia trong EU sẽ là điều rất cần thiết để ngăn chặn các vụ khủng bố tương tự, đấu tranh chống cái độc ác của chủ nghĩa khủng bố quốc tế”.

Xuất phát từ quan điểm trên, Nga đã tuyên bố sẵn sàng khôi phục hợp tác với EU thông qua con đường của các cơ quan mật vụ.

Bản thân Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga Aleksandr Bortnikov cũng đã khẳng định sẵn sàng giúp đỡ các cơ quan mật vụ EU nếu như có thôn tin.

Hiện nay châu Âu chưa đưa ra lời đề nghị giúp đỡ nhưng trong thời gian tới, đề xuất này sẽ được đưa ra.

“Chúng tôi không chỉ có chung cách đánh giá mối nguy hiểm mà còn cùng thông báo với nhau sự cần thiết phải hành động.

Bộ trưởng Nội vụ của chúng tôi đã khẳng định rằng việc trao đổi các thông tin về chủ nghĩa khủng bố của các nước là điều cần thiết”- Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh.

Tổng Thống Nga Putin và Ngoại trưởng Mỹ Kerry (bên phải)
Tổng Thống Nga Putin và Ngoại trưởng Mỹ Kerry (bên phải)

Bắt đầu từ đâu?

Theo giới phân tích, điện Kremlin dường như đã sẵn sàng đặt ra ít nhất hai điều kiện để hợp tác với EU.

Thứ nhất, Nga muốn Ngoại trưởng Đức ít nhất phải gây áp lực lên Ukraine và giới lãnh đạo các quốc gia có quan điểm bài Nga để họ thay đổi giọng điệu và không có các hành động chống Nga.

Sau vụ khủng bố ở Brussels, không ít các chính trị gia “diều hâu” đã vội vàng cáo buộc Nga đứng sau các vụ khủng bố này.

Thư ký Hội đồng An ninh Ukraine Aleksandr Turchinov, Giám đốc Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) Vasili Gritsak đã cáo buộc Moscow trực tiếp có dính líu đến các vụ khủng bố ở Brussels, còn Chủ tịch Ủy ban an ninh thuộc Quốc hội Latvia cho rằng để ngăn chặn các vụ khủng bố tiếp theo, điều cần thiết là phải củng cố an ninh ở biên giới với Nga.

Điện Kremlin muốn rằng EU cần tập trung đối phó, ngăn chặn các mối đe dọa này và Nga không phải là mối đe dọa với châu Âu.

Thứ hai, Moscow muốn EU không can thiệp vào chiến dịch quân sự của Nga ở Syria vì chiến dịch này được thực hiện để tiêu diệt kẻ thù chung.

Trong vấn đề này, dường như hai bên đã có được sự đồng thuận khi Ngoại trưởng Đức Steinmeier tuyên bố rằng nguyên nhân làm nảy sinh cuộc khủng hoảng nhập cư là do bất ổn ở Syria.

Tuy nhiên, Đức mới chỉ dừng lại ở việc ủng hộ các giải pháp thúc đẩy tiến trình hòa bình cho Syria của Nga.

Nếu như EU có các hành động cụ thể để hỗ trợ thêm cho các nỗ lực của Nga (ví dụ như gây áp lực lên Thổ Nhĩ Kỳ - được coi là nguyên nhân gây nên cuộc khủng hoảng Syria) thì mọi việc có lẽ đã đơn giản hơn nhiều.

Một số chuyên gia nhận định rằng nhiệm vụ của Ngoại trưởng Đức Steinmeier sẽ khó khăn hơn nhiều so với việc thúc đẩy hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố.

“Tôi nghĩ rằng chuyến thăm của ông Steinmeier và Kerry đến Nga đều có chung mục đích là thỏa thuận với Nga về cách thức đưa Nga quay trở lại nhóm G-8.

Nếu như Nga đồng ý về mặt lý thuyết quay trở lại nhóm này thì một cuộc họp sẽ được tổ chức vào tháng 5 tới đây tại Nhật Bản.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc các lệnh cấm vận chống Nga có thể được hủy bỏ vào cuối tháng 7”- chuyên gia Đức Aleksander Rar nhận định.

Tuy nhiên, từ nay đến cuối tháng 5, tình hình sẽ có nhiều biến động nên điều quan trọng là các bên cần phải bắt đầu tiến trình khôi phục quan hệ. Việc khôi phục “Đối thoại Peterburg” sẽ là bước đi quan trọng nhất để thực hiện mục đích này.

Đánh giá về việc Ngoại trưởng Đức và Mỹ cùng đến Moscow cho thấy dường như phương Tây rất cần đến vai trò của Nga trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế.

Để đối phó với các vấn đề cấp bách toàn cầu như khủng hoảng nhập cư và đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố, phương Tây dường như đã phải chấp nhận “đuối thế” trước Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại