Một ngày sau hành động đẫm máu của khủng bố ở Brussels, người đứng đầu cơ quan tình báo Israel Yisrael Katz đã chỉ trích rằng, chính sách của châu Âu trong việc đương đầu với chủ nghĩa khủng bố là quá lỏng lẻo:
"Nếu Bỉ còn ăn sô-cô-la, hưởng thụ cuộc sống và tiếp tục tỏ ra là những nhà dân chủ tự do vĩ đại, không nhận ra rằng một số người Hồi giáo đang lên kế hoạch khủng bố, thì họ sẽ không thể chiến đấu với chúng".
Trên trang Facebook của mình, Bộ trưởng Khoa học Israel Ofir Akunis đã bày tỏ quan điểm thông qua một chia sẻ mà theo nhà bình luận Mazal Mualem của trang tin Trung Đông Al-Monitor, là với giọng điệu "khiển trách, bề trên".
"Rất nhiều người ở châu Âu thích tập trung lên án sự hèn kém của Israel, phân biệt hàng hóa Israel và tẩy chay chúng tôi.
Cùng lúc đó, hàng nghìn phần tử khủng bố liên kết với Hồi giáo cực đoan lại trỗi dậy ngay trước mặt những người dân lục địa này.
Một số mỉa mai chính những người cảnh báo họ về điều đó. Một số khác thì chế nhạo. Bất hạnh thay, thực tế thật thảm khốc, đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người dân vô tội".
Ông Akunis "nói móc" rằng, Israel đã ám ảnh trí óc của người dân châu Âu tới mức, họ không thể nhận ra con quái vật là khủng bố Hồi giáo đang lớn dần ngay trước mắt mình.
Ngay cả Thủ tướng Israel Netanyahu cũng không ngoại lệ. Ông đã nhắc đi nhắc lại thông điệp của mình, lần đầu tiên là trước hội nghị Ủy ban Công Vụ Israel của Mỹ (AIPAC) đúng ngày xảy ra các vụ tấn công, lần sau đó là tại một cuộc họp báo ở Jerusalem.
"Nếu có bất cứ quốc gia nào trên thế giới hiểu những điều mà họ (châu Âu) đang trải qua, thì đó là người dân Israel, những người đã không hề do dự, anh dũng đứng lên đối mặt với các cuộc tấn công khủng bố trong suốt nhiều năm qua.
Tôi đề nghị với họ rằng sẽ làm mọi thứ Israel có thể để giúp đỡ họ trong cuộc chiến chống khủng bố, bao gồm hỗ trợ về an ninh và tình báo".
Nhận định về thái độ trên của giới chức Israel, bà Mualem cho rằng, đối tượng số một mà chính phủ của Netanyahu nhắm tới là người dân trong nước, chứ chưa phải là cộng đồng quốc tế.
"Đây là cách để ông ta đạt được 2 mục tiêu quan trọng: giải tỏa cho mình một số áp lực từ Palestine và giải thích vì sao không có đối tác nào tham gia đàm phán (nhằm giải quyết xung đột với Palestine).
Netanyahu tin rằng, ngay sau khi mọi chuyện bùng nổ ở châu Âu, sẽ chẳng có ai ở cộng đồng thế giới có đủ kiên nhẫn để nghe về cuộc xung đột Israel - Palestine".
Theo bà, "cũng như cách đã làm sau vụ tấn công khủng bố ở Paris, Netanyahu muốn gửi đi thông điệp rằng, các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào dân thường Israel cũng giống như những kẻ khủng bố Hồi giáo đang tấn công châu Âu".
Những luận điệu chỉ trích của Netanyahu và phe cánh hữu đối với châu Âu đã gặp phải nhiều sự phản đối, bao gồm từ phía đảng đối lập.
Lãnh đạo Liên minh Do Thái Isaac Herzong phê phán, cách mà những người ủng hộ Netayahu nói về các vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Brussels là một thứ "niềm vui bệnh hoạn", cười trên nỗi đau của châu Âu.
"Đủ rồi đấy. Hãy chấm dứt kiểu nói chuyện đáng khinh bỉ này đi. Một sự tha hóa đạo đức ghê tởm nhất. Đây là giờ phút đau đớn đối với cả thế giới, nên chia sẻ với gia đình các nạn nhân, bất kể họ là ai, và cầu nguyện cho những người bị thương mai bình phục".