Bộ Ngoại giao TQ "lục đục" vì vụ kiện với Philippines ở Biển Đông

My Lan |

Hãng tin Mỹ Bloomberg cho hay, một cuộc tranh luận đã nổ ra trong nội bộ Bộ Ngoại giao Trung Quốc về cách đối phó với vụ Philippines kiện nước này về đường lưỡi bò phi pháp mà họ vẽ ra ở Biển Đông.

Bloomberg dẫn nguồn tin giấu tên cho biết, vụ kiện với Philippines giờ đây đang trở thành "trò đá bóng qua lại đầy khó chịu" trong nội bộ Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Hai cơ quan của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tranh cãi xem ai là người phải chịu trách nhiệm xử lý nó trước khi chuyển cho các quan chức ngoại giao cấp thấp hơn trong cơ cấu về chính sách đối ngoại của nước này.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không trả lời các câu hỏi mà Bloomberg gửi qua đường fax hôm 17/12 về cách giải quyết vụ kiện này.

Ông James Kraska, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Luật quốc tế Stockton, thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, nhận định: "Có quan điểm cho rằng Trung Quốc có chính sách ngoại giao kỳ tài, lùi một bước để tiến hai bước, khôn ngoan và linh hoạt.

Nhưng tôi thì không nghĩ vậy, cách diễn giải này có thể là đã đi quá xa".

Bloomberg cho rằng, tranh cãi trên cho thấy sự lo lắng của quan chức Trung Quốc rằng nếu Manila thắng kiện, Bắc Kinh sẽ bẽ mặt trước cộng đồng quốc tế, nhất là khi ưu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình là phô diễn sức mạnh của nước mình.

Hãng tin Mỹ
Bloomberg
Đối với ông Tập Cận Bình, việc xây dựng các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang tiến hành (một cách phi pháp) ở Biển Đông là niềm tự hào dân tộc, là trọng tâm trong sự trỗi dậy của nước này với tư cách là một cường quốc quân sự.

Về phần mình, ông Zhang Baohui, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á Thái Bình Dương tại Đại học Lingnan (Hồng Kong) chỉ ra, tranh cãi trên lại cho thấy các quan chức ngoại giao Trung Quốc thiếu tầm nhìn chiến lược.

Chuyên gia Baohui đánh giá, những người này muốn theo nghiệp ngoại giao, nhưng lại thiếu đi nền tảng chính trị thường thấy ở những nhà hoạch định chính sách cấp cao của các nước khác.

Báo Mỹ Bloomberg thì khẳng định, những động thái phi pháp của Trung Quốc có thể khiến nước này phải gánh chịu những hậu quả không thể lường trước được.

Hành động bất chấp luật pháp của Trung Quốc không chỉ khiến các quốc gia có chủ quyền trên Biển Đông phẫn nộ mà còn gây bất bình trong cộng đồng thế giới.

Một quốc gia vốn không có liên quan gì là Singapore cũng đã phải vào cuộc. Mới đây, Singapore đã cho phép các máy bay P-8 của Mỹ được cất cánh từ lãnh thổ nước mình để thực hiện hoạt động tuần tra trên Biển Đông.

Lo ngại hành động của Trung Quốc có thể xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của mình tại quần đảo Natuna, Indonesia đã tính tới việc sử dụng máy bay không người lái và tàu ngầm để bảo vệ vùng biển giàu khí đốt của mình.

Sau khi Philippines nộp đơn kiện lên Tòa án Trọng tài quốc tế (PCA) ở The Hague (Hà Lan) tháng 1/2013, phản đối đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, Bắc Kinh đã công khai tẩy chay phiên tòa, tuyên bố không công nhận quyền tài phán của PCA.

Thay vào đó, nước này đòi giải quyết song phương.

Tới tháng 12/2014, Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố bằng văn bản về lập trường của mình, rằng đơn kiện của Philippines là về vấn đề tranh chấp chủ quyền và vì thế, nằm ngoài thẩm quyền xét xử của toà án The Hague.

Trung Quốc thậm chí còn ngang nhiên nói rằng nước này "có chủ quyền không tranh cãi" bởi họ "là nước đầu tiên phát hiện, đặt tên, khám phá và khai thác các nguồn tài nguyên" trong khu vực. Luận điệu vô lý đó đã bị PCA bác bỏ.

Dự kiến PCA sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng của mình vào năm tới.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại